Cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận: 'Muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm'

Đó là khẳng định của ông Hồ Minh Hoàng – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đồng thời cũng là Chủ tịch HĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận, đơn vị đang nhận nhiệm vụ 'giải cứu' dự án tuyến cao tốc huyết mạch Trung Lương – Mỹ Thuận, hiện thực hóa cam kết, lời hứa của Thủ tướng Chính phủ trong vấn đề hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực ĐBSCL.

Người dân ĐBSCL đang trông chờ dự án hoàn thành

Mỗi lần đi ngang qua quốc lộ 1A đoạn từ ngã ba An Thái Trung (H.Cái Bè, Tiền Giang) đến cao tốc TP.HCM – Trung Lương, anh Bùi Văn Tượng - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Tường Tượng (tỉnh Đồng Tháp) đều mơ ước xe sớm được lăn bánh trên tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, dự án mà anh cũng như nhiều người dân đã trông đợi hơn 10 năm qua. Theo lý giải của anh Tượng, nếu cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận được đưa vào sử dụng, thì một doanh nghiệp chuyên kinh doanh về trang trí nội thất và vận tải như công ty của anh sẽ hoạt động thuận lợi, hiệu quả hơn rất nhiều, nhờ giảm đáng kể chi phí vận tải, tiết kiệm thời gian cho cả doanh nghiệp và người dân.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang luôn trăn trở về vấn đề phát triển hạ tầng giao thông của khu vực ĐBSCL

Theo ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, Miền Tây hiện có hơn 20 triệu dân, làm ra hơn 20 triệu tấn lúa, hằng năm đóng góp kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 4 - 5 tỷ USD và được Thủ tướng Chính phủ đặt kỳ vọng nâng lên đến 10 tỷ USD. Nếu chỉ có một con đường độc đạo là quốc lộ 1A, thì làm sao phát triển được kinh tế và thu hút các nhà đầu tư? “Tâm tư người dân ĐBSCL luôn muốn có đường sá tốt. Nếu có thêm đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận do tư nhân làm, người dân có thêm sự lựa chọn để đi, chia sẻ bớt áp lực giao thông hiện nay thì người dân và doanh nghiệp sẽ được nhờ” – ông Nhị khẳng định.

“ĐBSCL hiện nay chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu rất lớn, việc mực nước biển ngày một dâng cao đang đe dọa nhấn chìm cả khu vực. Do đó, Chính phủ hãy quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo để giúp cho ĐBSCL nổi trước khi nó bị nhấn chìm. Nổi ở đây chính là phát triển bức phá về kinh tế - xã hội, giúp người dân sống sung túc hơn, có đủ điều kiện để ứng phó với tình hình biến đổi khí hậu, khi sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Để làm được điều đó thì vấn đề phát triển hạ tầng giao thông chính là yếu tố tiên quyết. Đây cũng là hành động thiết thực nhất để chính phủ đền ơn, đáp nghĩa đối với nhân dân miền Tây và giúp cho đất nước thêm hùng mạnh” – nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang nhấn mạnh.

Nói về yêu cầu bức thiết của việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án cao tốc trong phát triển hạ tầng giao thông, làm đòn bẩy tạo đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL, ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định: “Người dân vô cùng trông đợi, có đường cao tốc sẽ phá được thế độc đạo, giải quyết tình trạng tắc nghẽn trên quốc lộ 1A như hiện nay, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội của khu vực…”.

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với báo chí

Ông Đoàn Tấn Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao đổi với báo chí

Nhìn về dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, ông Bửu kỳ vọng: “Đường cao tốc này nhanh chóng đi vào hoạt động sẽ cải thiện quan trọng tình hình giao thông hiện nay. Tại tỉnh Đồng Tháp, nếu có nhà đầu tư phát triển đường sá, làm cao tốc thì chắc chắn từ chính quyền đến người dân đều ủng hộ. Tôi cho rằng, chính quyền các địa phương phải chào đón và cám ơn nhà đầu tư BOT khi họ làm một tuyến cao tốc mới, giúp người dân có thêm sự lựa chọn hướng lưu thông, chính nhà đầu tư đã mang lại cơ hội phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực”.

“Muốn thông đường thực địa phải thông đường trách nhiệm”

Chính thức nhận nhiệm vụ “giải cứu” dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ tháng 2/2019 và được trao vai trò tổng chỉ đạo dự án chưa đầy 1 tháng kể từ ngày có thông báo kết luận số 99/TB-VPCP ngày 18/3/2019 của Thủ tướng Chính phủ, Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã gấp rút huy động mọi nguồn lực để triển khai các phương án tái cấu trúc và thi công dự án theo kế hoạch đã báo cáo với chính phủ và các cơ quan chức năng.

Đến nay, dù tỉnh Tiền Giang đã thực hiện đền bù giải tỏa đến hơn 96% dự án Trung Lương – Mỹ Thuận, thế nhưng khối lượng công trình chỉ mới thực hiện chưa được 20%. Trong khi đó, theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dự án này phải thông tuyến vào cuối năm 2020, nghĩa là chỉ còn khoảng 18 tháng để nhà đầu tư là Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận thực hiện xong hơn 80% khối lượng công trình còn lại.

Ông Hồ Minh Hoàng – CTHĐQT Tập đoàn Đèo Cả, đồng thời là CTHĐQT Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đang cung cấp thông tin tiến độ dự án cho báo chí

Trực tiếp trao đổi với ông Hồ Minh Hoàng – CTHĐQT Tập đoàn Đèo Cả, tại công trường thi công gói thầu số 06 của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào sáng ngày 18/4, về tính khả thi của tiến độ toàn dự án đúng theo lời hứa của Thủ tướng chính phủ với người dân ĐBSCL, ông Hoàng cho biết: “Chúng tôi không lo lắng những khó khăn về mặt kỹ thuật thi công, năng lực triển khai các nhà thầu vì điều đó đã được thể hiện và minh chứng tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn.

Thế nhưng, nếu các bên liên quan khi tham gia trong dự án không đoàn kết và nêu cao tinh thần trách nhiệm thì dự án này chắc chắn sẽ lỗi hẹn với người dân ĐBSCL. Điều kiện cần và đủ để dự án về đích đúng tiến độ vào cuối năm 2020 đó chính là: bản lĩnh của lãnh đạo cơ quan nhà nước có thẩm quyền, các bên liên quan, tinh thần quyết tâm và năng lực của nhà đầu tư lẫn nhà thầu”.

“Trước hết, chúng tôi cần Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Tiền Giang cùng nhà đầu tư mới nhanh chóng xác định rõ trách nhiệm, phần việc gắn với mốc thời gian cụ thể, để cùng chung sức, chung lòng thực hiện lời hứa của Thủ tướng Chính phủ với nhân dân ĐBSCL” – ông Hoàng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả và Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận luôn bám sát, nắm bắt tình hình, thúc đẩy tiến độ thi công dự án

Nói về hướng tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy dự án Trung Lương – Mỹ Thuận về đích đúng tiến độ trong điều kiện thời gian hết sức gấp rút, ông Hồ Minh Hoàng dẫn lại thành công từ trường hợp tương tự tại dự án cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn: “Dự án cao tốc Bắc Giang-Lạng Sơn cũng có những khó khăn vướng mắc tương tự dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận như: Năng lực Nhà đầu tư ban đầu yếu; Dự án không vay được vốn tín dụng do lãi suất vay vốn trong hợp đồng dự án thấp hơn nhiều so với lãi suất vay vốn tín dụng; Trong liên danh nhà đầu tư ban đầu có nhà đầu tư bị khởi tố hình sự…

Nhưng sau khi bổ sung năng lực nhà đầu tư mới và sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành đặc biệt là UBND tỉnh Lạng Sơn với vai trò là cơ quan nhà nước có thẩm quyền (chuyển từ Bộ GTVT sang UBND tỉnh Lạng Sơn) để bù lại việc chậm tiến độ, dự án đã đồng loạt thi công trên toàn tuyến rất nhanh chóng. Nhờ đó, hiện nay dự án được chủ đầu tư triển khai tích cực và đã bù được khoảng thời gian chậm tiến độ 1,5 năm, đảm bảo hoàn thành thông toàn tuyến đúng tiến độ vào tháng 12 năm 2019”.

Chiều 18/4, tại TP Mỹ Tho, lãnh đạo UBND tỉnh Tiền Giang và lãnh đạo Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận đã có buổi trao đổi công việc nhằm tháo gỡ những mắc mứu trong quá trình phối hợp, hợp tác.

Tại buổi làm việc, phía Công ty CP BOT Trung Lương – Mỹ Thuận nêu ra những tồn tại, vướng mắc, khó khăn như việc tỉnh Tiền Giang chậm hoàn thiện các thủ tục hành chính liên quan về chuyển cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; sớm triển khai ký phụ lục hợp đồng đồng (do thay đổi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và do một số quy định không còn hiệu lực); sớm áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo giá do UBND tỉnh ban hành; triển khai thực hiện thông báo kết quả kiểm tra của Hội đồng nghiệm thu nhà nước vừa qua…

UBND tỉnh Tiền Giang đã ghi nhận những đề xuất của nhà đầu tư nêu ra là phù hợp. Hai bên thống nhất xác lập các công việc trên bằng biên bản với mốc thời gian cụ thể để hỗ trợ và đôn đốc, thúc đẩy dự án.

Lê Tú

Nguồn Sao Pháp Luật: http://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/cao-toc-trung-luong-my-thuan-muon-thong-duong-thuc-dia-phai-thong-duong-trach-nhiem-2187/