Cao tốc TP.HCM-Trung Lương xuống cấp, trách nhiệm thuộc về ai?

Tình trạng mặt đường xuống cấp, lưu lượng xe đông thường xuyên xảy ra kẹt xe khiến vận tốc trung bình của phương tiện trên cao tốc hiện tại chỉ trên 60 km/giờ.

Cao tốc TP.HCM - Trung Lương được đầu tư hơn 9.880 tỉ đồng là công trình đường bộ đạt chuẩn cao tốc đầu tiên tại Việt Nam. Đáng tiếc công trình này đang ngày một xuống cấp nghiêm trọng và dần trở thành quốc lộ từ khi dừng thu phí hồi tháng 1-2019. Mới đây, Cục Quản lý đường bộ IV, đơn vị quản lý cao tốc đã có văn bản gửi Tổng cục kiến nghị sớm thu phí trở lại cao tốc TP.HCM - Trung Lương.

Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chính việc thả nổi như hiện nay là nguyên nhân gây ra tình trạng xuống cấp của cao tốc và cần truy trách nhiệm các đơn vị cụ thể.

PGS-TS TRẦN CHỦNG, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam:

Trạm thu phí không chỉ để đếm xe

PGS-TS TRẦN CHỦNG

Cần phải nhìn nhận chức năng trạm thu phí không chỉ có việc đếm xe lấy tiền. Trạm thu phí có vai trò rất quan trọng trong việc điều tiết lưu lượng xe trên tuyến, kiểm tra được loại xe, tải trọng xe. Xe chạy trên cao tốc thường có tốc độ 100 km/giờ nhưng hiện nay với cao tốc TP.HCM - Trung Lương tài xế chỉ chạy 60 km/giờ, không khác gì quốc lộ nên hiệu quả khai thác không đạt như mong muốn.

Qua đợt khảo sát mới đây, chúng tôi nhận thấy tuyến đường này phương tiện đang chạy rất hỗn loạn, không kiểm soát cả về loại xe và tải trọng. Hạ tầng cao tốc thì ngổn ngang, nhếch nhác, nền đường bắt đầu xuất hiện hằn lún bánh xe, lan can xuống cấp, đó là điều đương nhiên khi không có sự quản lý.

Mặt khác, việc không thu phí dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước và cũng không có chi phí để nuôi lực lượng quản lý khai thác. Ngoài dự án này, hiệp hội cũng khảo sát một số dự án BOT khác ở thời kỳ trước đây và tìm hiểu các vấn đề liên quan đến dự án BOT để góp ý về Luật PPP trình Quốc hội trong thời gian tới.

Một vụ kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: CTV

Một vụ kẹt xe trên cao tốc TP.HCM - Trung Lương. Ảnh: CTV

TS PHẠM VĂN HÙNG, Phó Phân viện trưởng Phân viện Khoa học công nghệ GTVT phía Nam:

Thấy đường nứt mà đau lòng

TS PHẠM VĂN HÙNG

Việc thu phí trở lại là hoàn toàn hợp lý vì vốn đầu tư chưa thu hồi hết. Ngoài ra, cần phải nhanh chóng quản lý tuyến đường này vì để như hiện nay lưu lượng xe sẽ tăng thêm mỗi ngày, tốc độ lưu thông trên cao tốc giảm xuống kéo theo tải trọng mà đường gồng gánh tăng theo hệ số. Ví dụ, trước đây chỉ có 20.000 xe, giờ tăng lên 50.000 xe, nhân thêm hệ số tốc độ chậm hơn thì tải trọng đường gánh chịu phải lên tới 90.000 xe.

Hậu quả là gì? Đường sẽ nứt, xuống cấp và sau này việc duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa mặt đường cũng khó khăn hơn vì cần vốn lớn hơn. Tôi cũng hay đi cao tốc này, thấy đường nứt mà đau lòng. Để con đường hàng ngàn tỉ đồng hư hỏng như vậy thì trách nhiệm của những người quản lý ở đâu?

Ngay từ thời điểm dừng thu phí, phải lập tiểu ban lâm thời tiếp quản và thu phí lại ngay lập tức chứ không để dừng đến 7-8 tháng như hiện nay. Nhiều tháng trời không thu phí, đường xuống cấp, thất thoát biết bao nhiêu tiền, ai sẽ chịu trách nhiệm?

Anh NGUYỄN THẮNG, tài xế chạy tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương:

Tài xế đổ dồn vào cao tốc miễn phí

Khi đi cao tốc TP.HCM - Trung Lương, tôi không dám chạy tốc độ lên tới 70 km/giờ vì đường xấu, không còn tốt như trước đây nên phải cẩn thận hơn. Tôi thấy việc thu phí trở lại để hạn chế xe vào cao tốc và sửa chữa đường là hợp lý. Hiện lượng xe trên cao tốc đông hơn trước rất nhiều, nhiều xe chở nặng chạy với tốc độ rất chậm, làn đường khẩn cấp có giới hạn tốc độ xe cũng thi nhau chạy vào. Trước đây, để tránh phí tài xế thường đi vào quốc lộ, bây giờ không thu phí họ đổ dồn vào cao tốc, đó là tâm lý chung.

PGS-TS NGUYỄN BÁ HOÀNG

PGS-TS NGUYỄN BÁ HOÀNG,Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT TP.HCM:

Thu phí để duy tu, bảo dưỡng

Ở các nước, việc thu phí ngoài vấn đề khác như nộp vào ngân sách nhà nước, hoàn vốn thì còn dùng để duy tu, bảo dưỡng con đường nên rất cần thiết. Thu phí là để đảm bảo công tác quản lý vận hành, khai thác.

Mặt khác, để chắc chắn về các vấn đề kỹ thuật thì nên hạn chế các xe quá tải, xe không đảm bảo tải trọng vào đường cao tốc. Các vấn đề này cần làm ngay để cao tốc được khai thác và vận hành tốt hơn.

Theo Cục Quản lý đường bộ IV - Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), hiện lượng ô tô lưu thông trên cao tốc đang tăng đột biến, khoảng 31%, cao điểm có trên 51.000 xe mỗi ngày đêm. Phần đường dẫn ở hai đầu cao tốc phía chợ Đệm (TP.HCM) và Thân Cửu Nghĩa (tỉnh Tiền Giang) hiện đã xuống cấp. Trên mặt đường cao tốc đã xuất hiện nhiều vết nứt, lún vệt bánh xe. Số vụ tai nạn, nhất là tại vị trí làn dừng khẩn cấp tăng gấp 1,5 lần, hơn 10 vụ, trong đó có vụ gây chết người.

KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/do-thi/giao-thong/cao-toc-tphcmtrung-luong-xuong-cap-trach-nhiem-thuoc-ve-ai-852176.html