Cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ mở ra một hướng mới về phát triển của tỉnh Cao Bằng

Chiều 24-11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đoàn công tác gồm lãnh đạo nhiều bộ, ngành Trung ương đã lên thăm Cao Bằng và làm việc với cán bộ chủ chốt của địa phương.

Trọng tâm của buổi làm việc là thống nhất các giải pháp cụ thể, hiện thực hóa việc triển khai dự án đường bộ cao tốc Trà Lĩnh (Cao Bằng)-Đồng Đăng (Lạng Sơn). Dự án được coi là khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Cao Bằng, có ý nghĩa chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận tại buổi làm việc.

Tuyến đường bộ cao tốc từ Đồng Đăng đến Trà Lĩnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 3-2016, nhằm đáp ứng nhiều mục tiêu không chỉ đối với tỉnh Cao Bằng mà còn cho các địa phương trong vùng. Ngoài mục tiêu đảm bảo chính trị, quốc phòng, an ninh, dự án này còn góp phần tạo tiền đề phát huy các lợi thế sẵn có của Cao Bằng, tăng thu ngân sách bền vững từ các dịch vụ-du lịch, thương mại xuất nhập khẩu hàng hóa, giải quyết vấn đề thu ngân sách hàng năm của tỉnh, giảm áp lực điều tiết các nguồn hỗ trợ từ Trung ương. Sau nhiều lần điều chỉnh phương án kỹ thuật, tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh được thay đổi theo hướng kết nối vào tuyến cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam, có chiều dài 17,5km. Khi đó, chiều dài tuyến Đồng Đăng-Trà Lĩnh sẽ rút ngắn xuống còn 115km so với 144km theo quy hoạch (giảm 29km). Dự án được đề xuất xây dựng theo hình thức PPP, với tổng vốn đầu tư 20.939 tỷ đồng, giảm 55% chi phí so với dự kiến. Theo phương án đề xuất, giai đoạn 1 của dự án từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng có chiều dài khoảng 80km, dự kiến tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, thực hiện từ năm 2019 đến năm 2022.

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những cố gắng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Cao Bằng gần 2 năm qua kể từ cuộc làm việc của Thủ tướng với lãnh đạo tỉnh. Đề cập đến lợi thế chiều dài 333km biên giới với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc)-một địa phương có GDP trên 335 tỷ USD, Thủ tướng chỉ rõ, đây là một thị trường rất lớn, giàu tiềm năng cần khai thác cho phát triển kinh tế-xã hội của Cao Bằng. Song Thủ tướng cũng nhìn nhận, Cao Bằng vẫn là địa phương thuộc diện khó khăn nhất cả nước, thu ngân sách chỉ đạt 15% tổng chi, còn lại là hỗ trợ của ngân sách Trung ương. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, số lượng huyện nghèo nhiều nhất cả nước. Lo lắng trước thực trạng số hộ nghèo là người dân tộc thiểu số tại Cao Bằng còn lớn, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo tỉnh cần tập trung các giải pháp khắc phục vấn đề này theo hướng đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới.

Thủ tướng đề nghị Cao Bằng phát huy tính chủ động của địa phương với sự phối hợp, hỗ trợ chặt chẽ của các bộ, ngành Trung ương trong phát triển kinh tế-xã hội. Đặt ra yêu cầu tìm những giải pháp mang tính đột phá để Cao Bằng phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, Thủ tướng đề nghị tỉnh tập trung vào phát triển nông nghiệp, chế biến sâu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất bởi đây vẫn là ngành nghề chính của người dân trên địa bàn. Theo đó, Thủ tướng gợi ý tỉnh mở rộng sản xuất nông nghiệp dựa trên 3 trụ cột chính là: Sản xuất hữu cơ, sản xuất sạch; ứng dụng công nghệ cao trong chế biến; liên kết chuỗi giá trị, liên kết cụm ngành và phát triển thương hiệu để nâng tầm giá trị nông sản địa phương. Cùng với đó, tỉnh phải chú trọng trồng rừng và phát triển các nghề dưới rừng, nhất là chế biến, xuất khẩu gỗ; coi đây là một hướng quan trọng trong phát triển của tỉnh. Với lợi thế nằm trên trục giao thương và có các cụm cửa khẩu với nước bạn, bên cạnh tăng cường nâng cao chất lượng hàng hóa, sản phẩm, Cao Bằng cần thúc đẩy đầu tư vào dịch vụ logistics để thúc đẩy và nâng cao giá trị xuất khẩu.

Thủ tướng đề nghị Cao Bằng có biện pháp tuyên truyền, vận động thay đổi tư duy người dân, khắc phục thói quen buôn bán, sản xuất manh mún, nhỏ lẻ; đẩy mạnh phát động khởi nghiệp trong nhân dân; “kiên quyết đẩy lùi tư duy tiểu nông, ngại làm lớn, sợ rủi ro”, Thủ tướng nói. Nhấn mạnh Cao Bằng không được đứng ngoài lề Cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng đề nghị tỉnh cần chú ý tăng cường bồi đắp kỹ năng mềm cho cán bộ, công chức các cấp; đồng thời, lưu ý đến việc ứng dụng công nghệ số, thành tựu khoa học kỹ thuật vào nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý Nhà nước. Tán thành với ý kiến đánh giá của lãnh đạo các bộ, ngành tại buổi làm việc, nhấn mạnh đến dự án tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh, Thủ tướng nhận xét, tuyến đường sau khi đi vào hoạt động sẽ mở ra một hướng mới về phát triển giao thông, thương mại và kinh tế-xã hội cho một địa phương còn nghèo như Cao Bằng.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng khẳng định, nhất trí về mặt chủ trương triển khai dự án quan trọng này. Về hướng đầu tư, Thủ tướng đề nghị cần có cơ cấu nguồn vốn hợp lý. Thủ tướng giao Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có phương án hợp vốn các ngân hàng thương mại để cung cấp vốn cho dự án. Trong quá trình đó, cần lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, tiềm lực tài chính, có công nghệ và quyết tâm cao hoàn thành dự án.

Chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và nói chuyện với cán bộ, chiến sĩ Công an tỉnh Cao Bằng.

Tin, ảnh: TTXVN

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/tin-tuc/cao-toc-dong-dang-tra-linh-se-mo-ra-mot-huong-moi-ve-phat-trien-cua-tinh-cao-bang-555376