Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng: Cần xử lý nghiêm

Dự án cao tốc có tổng giá trị đầu tư lên tới 34.000 tỷ vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, bong tróc nhiều nơi.

Hiện công tác sửa chữa, khắc phục đang được tiến hành nhưng việc giải quyết “phần hậu” của những cá nhân, đơn vị liên quan đang là câu chuyện được dư luận quan tâm nhiều hơn.

Ngày 11/10, trong Công điện số 39/CĐ-BGTVT về việc khẩn trương sửa chữa hư hỏng mặt đường Dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Bộ GTVT đã nghiêm khắc phê bình Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đâu tư và Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Chủ đầu tư "né" trách nhiệm

Theo Bộ GTVT, với vai trò lãnh đạo của chủ đầu tư dự án nhưng Chủ tịch Hội đồng thành viên và Tổng Giám đốc VEC đã chậm trễ trong việc xử lý các điểm hư hỏng mặt đường, cung cấp thông tin, trả lời báo chí và các cơ quan truyền thông không đầy đủ, kịp thời, né tránh trách nhiệm, tạo dư luận không tốt.

Nhiều điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi

Do vậy, Bộ GTVT yêu cầu Hội đồng Thành viên VEC chỉ đạo, rà soát, kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các nội dung trên, đồng thời yêu cầu VEC tạm dừng thu phí trên toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi từ 0h ngày 12/10 để khắc phục triệt để các hư hỏng. Sau khi hoàn thành phải báo cáo Bộ GTVT kiểm tra trước khi cho tiến hành thu phí trở lại.

Trước đó, vào đầu tháng 10/2018, những thông tin, hình ảnh về mặt đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi bị hư hỏng, bong tróc nhiều nơi đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của người dân và dư luận. Điều đáng nói, tuyến cao tốc có trị giá đầu tư lên tới hơn 34.000 tỷ đồng (trong đó vốn vay JICA gần 16.700 tỷ, vay Ngân hàng Thế giới 12.400 tỷ) vừa mới đưa vào sử dụng từ ngày 2/9. Việc xuống cấp này đe dọa an toàn tính mạng của lái xe. Đơn cử, tại Km45 làn đường hướng Bắc - Nam xuất hiện ổ gà chiều dài hơn 2m, chỗ rộng hơn 40cm và một ổ gà khác nằm giữa làn đường rất nguy hiểm.

Hay như tại Km26 - 27 thuộc địa phận Hòa Vang (TP Đà Nẵng) ổ gà, ổ trâu mọc chi chít. Thậm chí còn xuất hiện dấu vết vá mặt đường từ thời gian trước đó. Điều đáng nói, khi trả lời báo chí về nguyên nhân xảy ra hiện tượng trên, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (thuộc VEC) lại cho rằng hai trong số những “thủ phạm” là xe quá tải và dầu chảy ra từ các phương tiện lưu thông trên đường cũng như của máy móc đóng hộ lan. “Góp” thêm ý kiến, ông ông Lê Văn Sinh - Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam cũng cho rằng: “Thời gian qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam xuất hiện nhiều cơn mưa lớn, rồi nhiều xe tải trọng nặng chạy trên cao tốc đã gây ra tình trạng hư hỏng mặt đường nhanh”.

Những cách lý giải của lãnh đạo Ban Quản lý dự án Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi cũng như lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Quảng Nam đã bị chính cơ quan cấp trên bác bỏ. Trong Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo ATGT 9 tháng năm 2018 diễn ra sáng 11/10, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng, những thông tin đưa ra cho rằng mặt đường hư hỏng do mưa đầu mùa, về góc độ chuyên môn không chính đáng. Không thể có việc mưa và xe quá tải trọng mà hư hỏng mặt đường. Đây là chất lượng trong quá trình thi công, giám sát của các cơ quan có liên quan. Cũng tại Hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình - Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia cũng nhấn mạnh, khi thiết kế đường cao tốc đã tính đến các yếu tố như lưu lượng xe, điều kiện thời tiết, tải trọng đảm bảo yêu cầu xe chạy… Lý do xe đông, mưa đầu mùa là không chấp nhận được. Nếu Bộ GTVT phát hiện gian dối của nhà thầu phải xử lý nghiêm.

Cần phải xử lý nghiêm

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Hữu Đức – Chuyên gia giao thông đô thị của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) nhận định, việc để xảy ra hư hỏng, bong tróc trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng là sai sót không được phép xảy ra. “Không chỉ đối với đường cao tốc mà bất kỳ tuyến đường nào cũng không được phép để xảy ra sai sót như vậy” - TS Đức nói.

Một số điểm xuất hiện dấu hiệu vá từ trước

Chuyên gia của JICA cho rằng, hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi có trách nhiệm của 3 đơn vị: Giám sát chất lượng, thi công, khảo sát thiết kế. “Rõ ràng nhất là đơn vị giám sát chất lượng. Họ làm nhiệm vụ như thế nào mà lại để xảy ra tình trạng đường mới đưa vào sử dụng đã bị hư hỏng? Rõ ràng đơn vị này đã không hoàn thành trách nhiệm” - TS Đức phân tích và cho biết thêm, hai đơn vị thi công và khảo sát thiết kế cũng có trách nhiệm trong sự việc này. Trong trường hợp này có thể xảy ra 3 hướng: Một là lỗi của bên thi công, hai là lỗi của bên khảo sát thiết kế và ba là lỗi của cả hai đơn vị trên. Tuy nhiên, để xác định rõ trách nhiệm thuộc về đơn vị nào cần có kết luận điều tra của các cơ quan chức năng.

Phân tích sâu hơn về nguyên nhân xảy ra tình trạng hư hỏng, bong tróc trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, TS Nguyễn Hữu Đức cho biết, đã đến lúc cần phải xem lại quy chế và phương thức làm việc của Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, bởi phương thức hoạt động như hiện nay chưa thật sự hợp lý và phát huy được hiệu quả cao. "Có thể Bộ Xây dựng phải xây dựng một quy chế làm việc riêng cho Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng thay vì chủ yếu làm việc dựa trên giấy tờ, hồ sơ trình lên như hiện nay" - TS Đức nhìn nhận.

Riêng đối với sai sót để xảy ra hư hỏng, bong tróc trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, chuyên gia giao thông đô thị của JICA khẳng định, nếu như sai sót trên xảy ra ở các công trình giao thông nước ngoài, chủ đầu tư sẽ bị phạt rất nặng, thậm chí có doanh nghiệp còn phải đứng trước nguy cơ phá sản. “Đó là mới chỉ là hình phạt về mặt kinh tế chứ chưa nói đến trách nhiệm hình sự. Chính vì nước ngoài họ đưa ra chế tài phạt rất nặng đối với chủ đầu tư các công trình giao thông nên không đơn vị nào dám làm bậy cả. Làm như thế thì bị phá sản ngay lập tức” - TS Đức nói.

Trong khi đó, TS Cao Sỹ Kiêm – nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khẳng định, sai sót tại cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi là vấn đề nghiêm trọng, cần phải được xử lý thật nghiêm, toàn diện và triệt để nhằm tránh tình trạng “lưu cữu” sai phạm. Hiện tượng này không phải giờ mới xảy ra mà đã lặp đi lặp lại từ nhiều năm nay. Đối với trường hợp của cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi thì đây là hiện tượng quá lộ liễu, quá trắng trợn, sai phạm rất nghiêm trọng.

Về công tác xử lý “phần hậu”, TS Cao Sỹ Kiêm cho rằng phải xem xét lại toàn bộ quy trình từ khâu thiết kế, thi công, xét duyệt, quản lý nhà thầu, quá trình thực hiện, quá trình kiểm tra, giám sát... chứ không chỉ dừng lại ở cách giải quyết chung chung lâu nay là thừa nhận sai sót, khẩn trương khắc phục và hứa hẹn xử lý nghiêm. “Nếu không xử lý nghiêm, toàn diện sẽ rất nguy hiểm đối với quá trình hoạt động, quản lý Nhà nước, thương hiệu, nhãn hiệu, khả năng cạnh tranh, uy tín trong nước và quốc tế... Đây là vấn đề có tính hệ thống và có tính “lưu cữu” nên vấn đề không thể chỉ dừng lại ở việc rút kinh nghiệm ở một chỗ một khu vực, một công trình mà phải xem lại toàn bộ hệ thống của mình” - TS Cao Sỹ Kiêm nhận định.

Sẽ sửa xong các điểm hư hỏng trước 20/10

Ngày 12/10, trao đổi với PV báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Văn Huyện – Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết công tác sửa chữa các điểm hư hỏng trên cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang được tiến hành và dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 20/10. Còn về vấn đề xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức liên quan đến những sai sót ở cao tốc này, ông Huyện cho biết thẩm quyền thuộc về Bộ GTVT.

VEC đang họp bàn để tìm ra giải pháp cụ thể

Chiều 12/10, trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, ông Đỗ Chí Chung – Chánh Văn phòng VEC cho hay, sau khi có chỉ đạo của Bộ GTVT, lãnh đạo VEC đang họp bàn với các bộ phận liên quan để tìm ra giải pháp cụ thể cùng với tư vấn và nhà thấu. Khi nào có thông tin chính thức, VEC sẽ có thông báo sau.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/cao-toc-da-nang-quang-ngai-bi-hu-hong-can-xu-ly-nghiem-327380.html