Cao tốc cùng tiêu chuẩn thiết kế: Vì sao mỗi nơi một tốc độ?

Rất nhiều thính giả đồng tình với vấn đề mà VOVGT nêu ra trong bài viết 'Tốc độ cao tốc', với câu hỏi đầy băn khoăn: vì sao các cao tốc được thiết kế cùng tiêu chuẩn mà lại quy định tốc độ khác nhau, có nơi cho phép chạy tối đa 120km/h, nhưng có nơi chỉ 90km/h?

Để giải đáp các thắc mắc này, PV VOVGT đã có cuộc đối thoại với ông Trần Bá Đạt - Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

PV: Vì sao các cao tốc có cùng tiêu chuẩn thiết kế, lại có tốc độ khai thác khác nhau?

Ông Trần Bá Đạt: Thứ nhất là điều kiện địa hình khác nhau, ví dụ như đường miền núi, có sương mù, điều kiện kinh phí còn hạn chế.

Ví dụ như tuyến đường Nội Bài - Lào Cai, đoạn từ Hà Nội lên Yên Bái thì chắc chắn lưu lượng nhiều hơn, thì để khai thác hiệu quả đầu tư thì tiêu chuẩn thiết kế với tốc độ là 100 km/h, nhưng phân kỳ đầu tư thì đoạn từ Lào Cai đến Yên Bái thiết kế với chỉ 80 km/h. Hoặc vị trí công trình mà khi ta làm đầy đủ luôn thì kinh phí lớn.

Ví dụ như đoạn Nội Bài - Yên Bái chẳng hạn thì cây cầu bắc qua sông thì hiện nay mới chỉ có 2 làn xe. Chính vì vậy, chúng ta xây dựng nó phụ thuộc với điều kiện địa hình, lưu lượng xe để đảm bảo đồng vốn bỏ ra thì nó là hiệu quả nhất.

Liên quan đến vấn đề quy định các làn với tốc độ khác nhau trên cùng một cao tốc, Đại diện Tổng cục Đường bộ VN cho hay, vấn đề này do Bộ GTVT quy định, Tổng cục chỉ quản lý khai thác vận hành.

Ở góc nhìn chuyên gia, TS Nguyễn Minh Hiếu, trường ĐH GTVT cho rằng: "Thực tế lưu thông trên cao tốc là một hoạt động lái xe rất là đặc thù, bởi vì ở đó chạy với tốc độ rất cao và nhiều xe có khả năng di chuyển tốc độ vận hành khác nhau. Thế nên là luôn luôn có việc chuyển làn, việc tránh, vượt nên chúng ta cần có những làn khác nhau để tạo điều kiện cho việc tránh, vượt đảm bảo yếu tố an toàn, dễ dàng.

Tôi lấy ví dụ chẳng hạn như là đi đường mà có hai làn xe một chiều thì những xe đi trong điều kiện bình thường thì cần đi sát làn dừng khẩn cấp, còn những xe vượt thì sẽ đi vào làn sát dải phân cách. Với đường có 3 làn xe một chiều thì trong điều kiện bình thường thì xe khách, xe tải lớn thì cần đi vào sát làn dừng khẩn cấp, xe cn đi làn giữa và những xe nào vượt thì sẽ đi vào sát dải phân cách.

Như vậy, ta phân chia các làn sẽ tạo điều kiện cho các xe người ta có thể biết được, có thể dự đoán được hành vi của những xe khác, qua đó tạo điều kiện để những xe khác có thể lưu thông và đạt được mục tiêu của họ, tức là tránh, vượt một cách an toàn nhất có thể. Việc tổ chức giao thông trên đường cao tốc với việc phân chia các làn là cực kỳ quan trọng".

PV: Kinh nghiệm thế giới thì họ thường quy định tốc độ như thế nào và Việt Nam có thể học hỏi gì từ kinh nghiệm thế giới?

TS. Nguyễn Minh Hiếu: Kinh nghiệm thế giới thì cũng tương đối là đa dạng. Hầu hết thì người ta sẽ quy định tốc độ chung trên tuyến đường, quy định tốc độ cho từng loại xe và quy định tốc độ cho các làn xe thì cũng có.

Tuy nhiên, những quy định này thì người ta cũng không nêu một cách hoàn toàn cụ thể, hoàn toàn rõ ràng mà người ta sẽ định hướng hành vi của lái xe trên các cây làn, chẳng hạn như tôi vừa nêu, đấy là cái làn vượt là cái làn trong cùng, sát dải phân cách giữa thì tốc độ cao hơn.

Còn những xe đi với tốc độ ổn định đi lại ở làn giữa. Còn những cái xe lớn, xe tải xe to thì sẽ đi làn gần sát với ngoài lề đường, nhưng vẫn luôn luôn chừa lại làn dừng khẩn cấp.

PV: Xin cảm ơn ông!./.

Quách Đồng/VOV-Giao thông

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/cao-toc-cung-tieu-chuan-thiet-ke-vi-sao-moi-noi-mot-toc-do-post946725.vov