Cao tốc Bắc-Nam và quyền lực nhập nhèm của BOT

''Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi trên đường cao tốc, còn không thì người dân có thể chọn lựa đi con đường hiện nay đã có''

Quyết tâm của Bộ trưởng

Phát biểu thảo luận trước Quốc hội chiều 14/11 về dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc – Nam, nhiều Đại biểu (ĐB) trăn trở khi có tới 8/11 dự án thành phần được thực hiện bằng hình thức BOT.

ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho biết, Quốc hội vừa thực hiện giám sát và chỉ ra hàng loạt hạn chế của hình thức này. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ trình biện pháp khắc phục các sai sót để đưa vào Nghị quyết của Quốc hội làm căn cứ triển khai.

Trong đó phải đảm bảo đấu thầu rộng rãi thay vì chỉ định thầu; chỉ áp dụng BOT với tuyến đường mới để đảm bảo lựa chọn người dân; quy định rõ vị trí đặt trạm, công nghệ thu phí minh bạch và đúng số km sử dụng...

ĐB Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) thì lo lắng về nguồn vốn đầu tư khi cho rằng số tiền 118.700 tỷ đồng là chưa đủ, cần nghiên cứu kỹ để tránh tình trạng ''đầu chuột, đuôi voi'' phải xin thêm kinh phí.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể

Giải trình trước Quốc hội, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, về quy mô đầu tư, do kinh phí có hạn nên phân kỳ đầu tư và chia thành các dự án thành phần trong đó ưu tiên những đoạn cao tốc có lưu lượng xe cao.

Bên cạnh đó, 8 dự án BOT đã được Bộ Giao thông Vận tải rút kinh nghiệm bằng cách đấu thầu toàn bộ các dự án BOT, nếu đấu thầu lần một không được thì sẽ tiến hành đấu thầu lần 2, lần 3 để phát huy ưu thế của việc đấu thầu đó là có thể lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án BOT đảm bảo tính công bằng, cạnh tranh, minh bạch trong việc thực hiện dự án BOT.

''Đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là công cụ rất quan trọng để nâng cao hiệu quả đầu tư công thông qua việc khai thác hiệu quả nguồn lực, sự sáng tạo của khu vực tư nhân; tìm kiếm và chọn lựa được nhà đầu tư BOT có năng lực, uy tín, đảm bảo khả năng về vốn để đảm bảo tiến trình và chất lượng của dự án'', Bộ trưởng nhấn mạnh.

Người đứng đầu ngành giao thông cũng cam kết, các dự án sau khi đưa vào khai thác sẽ không tạo ra các điểm bức xúc cho người dân thông qua việc chỉ làm đường mới và tổ chức thu phí. Nếu người dân chấp nhận trả phí thì đi đường cao tốc, còn không có thể đi đường cũ hiện nay.

Thực tế khác

Những gì Bộ trưởng nói cũng là điều mà người dân mong muốn từ rất lâu. Tuy nhiên, trên thực tế người dân không có lựa chọn.

Nếu các phương tiện không chọn đi tuyến cao tốc mới (cao tốc Bắc-Nam) thì vẫn phải trả phí cho các BOT trên tuyến đường cũ. Minh chứng rõ ràng nhất là tuyến quốc lộ 1, trên tuyến quốc lộ này có khoảng 40 trạm thu phí.

Thậm chí có những nơi, chủ đầu tư chặn hết các tuyến đường nhánh, ép người dân phải đi vào đường BOT. Trường hợp này đã từng xảy ra ở tuyến quốc lộ 5 đoạn qua xã Đại Bản, Huyện An Dương, TP.Hải Phòng.

Trước đây, có đường đi tắt để đi từ Đại Bản xuống huyện An Dương, sẽ đi đường xã An Hồng qua bờ đê hoặc qua đường xã An Hưng về, nhưng nhà đầu tư đã xây các trụ chắn ở các đầu đường, các loại xe ô tô 4 chỗ trở lên là không đi qua được, buộc phải đi đường BOT qua quốc lộ 5.

Tại Phú Thọ, đầu năm 2016, chủ đầu tư BOT cầu Hạc Trì đổ 3 trụ bê tông, ngăn ô tô đi vào cầu Việt Trì cũ để buộc người dân phải đi cầu mới và trả phí. Vụ việc đã khiến dư luận bức xúc và phản ứng mạnh mẽ đối với quyết định của chủ đầu tư.

Hay như mới đây, người dân tập trung phản ứng BOT Cai Lậy với lý do, vị trí đặt trạm không hợp lý và mức giá quá cao. Để thu hồi vốn cho dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1 đoạn tránh thị xã Cai Lậy và tăng cường mặt đường quốc lộ 1, chủ đầu tư đã đặt trạm trên tuyến quốc lộ 1. Người dân đi tuyến tránh hay đi quốc lộ 1 đều phải trả phí.

Việc chủ đầu tư biến những con đường BOT thành những con đường độc đạo đã khiến người dân không còn lựa chọn nào khác ngoài việc cắn răng trả phí.

Ngọc Hà

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cao-toc-bac-nam-va-quyen-luc-nhap-nhem-cua-bot-3347149/