Cao tốc Bắc – Nam: Làm không được bị thu hồi và kỷ luật

'Đối với dự án cao tốc Bắc – Nam Bộ GTVT sẽ lựa chọn các Ban Quản lý dự án có năng lực, uy tín, điều hành tốt qua kiểm nghiệm thực tế. Tất cả được đo bằng năng lực, không có cơ chế xin – cho ở đây'.

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi họp về dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017 – 2020.

Theo ông Nguyễn Văn Thể, cao tốc Bắc - Nam gồm 11 dự án thành phần. Bộ GTVT sẽ đưa ra các tiêu chí, căn cứ để chọn các Ban Quản lý dự án nhằm quản lý các dự án thành phần này. Cụ thể, ưu tiên Ban Quản lý dự án tham gia nghiên cứu dự án từ những năm trước. Tiếp đó là tiêu chí về uy tín, điều hành tốt qua kiểm nghiệm thực tế tại các đại dự án như Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh qua Tây nguyên…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trường xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: L.Tuyến

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng kiểm tra công trường xây dựng tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Ảnh: L.Tuyến

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, đây là một dự án trọng điểm quốc gia, vì vậy, không thể giao cho những đơn vị chưa từng có khái niệm về dự án, không có kinh nghiệm, năng lực thực hiện các dự án lớn cần trình độ quản lý và điều hành, hoặc không đáp ứng được yêu cầu cao để đảm nhiệm.

“Thậm chí, kể cả các Ban quản lý dự án có hồ sơ năng lực tốt, được giao nhiệm vụ mà không đảm trách được nhiệm vụ, chậm tiến độ, sai sót trong quản lý sẽ bị thu hồi và kỷ luật người đứng đầu. Việc giao các dự án cao tốc Bắc - Nam được đo bằng thước đo năng lực, không có cơ chế xin - cho ở đây”, ông Thể khẳng định.

Trước đó, Bộ GTVT có tờ trình Chính phủ nghị quyết của Chính phủ về triển khai dự án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc-Nam.

Theo đó, cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 1 được chia thành 11 dự án thành phần, trong đó có ba dự án đầu tư công, tám dự án đầu tư theo hình thức PPP.

Giai đoạn 1 của dự án (2017-2020) sẽ triển khai đầu tư ba đoạn: Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế) và Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) với chiều dài 654 km, tổng mức đầu tư hơn 118.700 tỉ đồng. Trong đó, vốn nhà nước 55.000 tỉ đồng và vốn nhà đầu tư hơn 63.700 tỉ đồng.

Liên quan đến góp vốn, Bộ GTVT cho rằng để tăng tính khả thi trong huy động nguồn vốn theo yêu cầu của các ngân hàng, đồng thời lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, bộ này kiến nghị tăng vốn chủ sở hữu nhà đầu tư tham gia dự án với tỉ lệ 25% tổng vốn đầu tư (trước đây là 10%-15%).

Đối với trường hợp chỉ có một nhà đầu tư tham gia, Bộ GTVT cho biết sẽ trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.

Đặc biệt, đối với nhà đầu tư không thu xếp được nguồn vốn tín dụng, làm chậm tiến độ dự án, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung quy định “Hợp đồng dự án sẽ hết hiệu lực nếu sau ba tháng nhà đầu tư chưa ký được hợp đồng tín dụng với ngân hàng, tổ chức tín dụng đủ phần vốn vay theo quy định để triển khai dự án”. Trong trường hợp này, Bộ GTVT sẽ báo cáo Ủy ban Thường vụ QH xem xét, quyết định.

Tiến độ dự án còn vướng mắc

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ đối tác công tư, cho biết tiến độ hoàn thành báo cáo nghiên cứu khả thi của 8 dự án cao tốc Bắc - Nam thực hiện theo hình thức PPP, hiện chỉ có dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn đáp ứng tiến độ trình báo cáo khả thi trong tháng 3, hai dự án Mai Sơn - quốc lộ 45 và Dầu Giây - Phan Thiết tiến độ chậm khoảng một tháng so với yêu cầu; các dự án còn lại dự kiến trình Bộ trong tháng 5.

Đối với 5 dự án nhóm 2, có hai dự án đoạn Nghi Sơn - Bãi Vọt dự kiến trình Bộ GTVT ngày 16-5. Còn lại 3 dự án đoạn Nha Trang - Phan Thiết do phải điều chỉnh hướng tuyến, các Ban QLDA cam kết trình Bộ GTVT khoảng cuối tháng 5.

V.Long (theo plo.vn)

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/cao-toc-bac-nam-lam-khong-duoc-bi-thu-hoi-va-ky-luat-12995.html