Cao tốc Bắc – Nam: Kỳ vọng lớn vào nhà thầu quân đội

Dự án có 2 nhà thầu quân đội do đó càng phải phát huy tính gương mẫu, kiểu mẫu trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng, đảm bảo tiến độ, chất lượng.

“Đoạn cao tốc này phải là hình mẫu để chúng ta không có tội với nhân dân”. Đó là một trong những phát biểu nhận được sự quan tâm, ủng hộ của dư luận dành cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi lễ khởi công dự án đường cao tốc Bắc – Nam đoạn La Sơn – Cam Lộ.

Đoạn La Sơn – Cam Lộ là một hợp phần của cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020. Tuyến cao tốc được xác định là dự án giao thông có ý nghĩa đặc biệt của đất nước. Dự án hoàn thành sẽ trở thành sợi dây liên kết giữa các vùng kinh tế, từ đó mở ra nhiều cơ hội lớn nhằm thu hút đầu tư.

Đáng chú ý, đơn vị trúng thầu hai nhà thầu thuộc Bộ Quốc phòng đó là Binh đoàn 11 - Tổng công ty Thành An và Binh đoàn 12 - Tổng công ty xây dựng Trường Sơn, nên nhận được sự kỳ vọng, tin tưởng của nhân dân nói chung và Thủ tướng nói riêng.

Được biết, cả 2 doanh nghiệp Quân đội nói trên đều là những nhà thầu từng thi công xây lắp ở nhiều công trình dự án lớn như cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, QL18, QL1, QL14 (đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên), cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây, đường vượt biển Tân Vũ – Lạch Huyện dài nhất Đông Nam Á…

Như Thủ tướng nhấn mạnh dự án có 2 nhà thầu quân đội do đó càng phải phát huy tính gương mẫu, kiểu mẫu trong công tác quản lý, điều hành, xây dựng, đảm bảo tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo không có hư hỏng khi đưa vào khai thác..v..v.

Kiểu mẫu ở đây chắc chắn không phải là những cung đường 10-20 làn xe phẳng lỳ. Mà chính là quá trình, từ đền bù giải tỏa, thi công... đều phải bài bản, chất lượng, đúng tiến độ. Không để tái diễn những lùm xùm, bất cập đã xảy ra ở những tuyến cao tốc được xây dựng trước đây mà cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là một điển hình.

Thực ra, không chỉ riêng cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi mới có tiêu cực phía sau. Nói thẳng ra, hầu hết các công trình đầu tư công ở Việt Nam ít nhiều đều có những sự rút ruột. Thậm chí, việc “rút ruột” đã được người ta nâng lên thành một thứ “văn hóa”. Chẳng vậy mà chi phí đầu tư cho xây dựng cơ sở hạ tầng của chúng ta là rất cao nhưng chất lượng công trình nhận lấy được lại thấp đến khó tin. Nói như cha ông đã dạy thì chúng ta đang bị “tiền mất tật mang”.

Và kiểu mẫu là phải tránh để mình có tội với nhân dân, điều này được Thủ tướng chỉ rõ: "Không để xảy ra tình trạng các đơn vị thiết kế, thi công, giám sát thông đồng cùng với sự buông lỏng, tiêu cực của chủ đầu tư, hoặc chủ đầu tư bị mua chuộc, không phát hiện ra các quy trình, việc làm sai, dẫn tới rút ruột công trình, làm công trình hư hỏng, xuống cấp nhanh sau khi thi công. Tất cả các biểu hiện trên sẽ khiến công trình sử dụng sau ít năm đã xuống cấp hoặc nứt nẻ, ổ gà, ổ trâu. Làm như vậy là chúng ta có tội, có lỗi với nhân dân"...

Từ “kiểu mẫu” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần bởi vì bấy lâu nay ai cũng hiểu tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản xảy ra ở hầu hết các khâu, từ lập dự án, khảo sát, thiết kế, đầu tư đến thi công, nghiệm thu, quyết toán công trình, diễn biến rất phức tạp và ngày càng nghiêm trọng.

Nhìn thẳng vào xã hội hiện nay, có thể thấy niềm tin của người dân vào chuyện đầu tư công đang vô cùng thấp. Khi một dự án nghìn tỉ được công bố, điều mà người ta bàn luận không phải là nó sẽ mang lại hiệu quả như thế nào mà người ta sẽ bàn luận ngay về chuyện bao nhiêu phần trăm trong số nghìn tỉ kia được đưa vào công trình, bao nhiêu phần trăm sẽ bị đổ vào túi riêng của một vài người nào đó. Cùng với đó, cái người ta bàn luận cũng sẽ là chuyện công trình đó sau bao lâu thì sẽ bị hư hỏng và phải sửa chữa vì mọi người đã tiên đoán được tương lại ngắn ngủi của công trình được đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân từng nói: “Xây dựng cơ bản đang là lĩnh vực nhạy cảm, nhức nhối nhất hiện nay. Tham nhũng có thể xuất hiện qua việc ký kết hợp đồng, qua đấu thầu và qua thi công. Như vậy, chúng ta có thể nhìn thấy cả 3 công đoạn từ chạy vốn, chạy Dự án; đến “quân xanh, quân đỏ” trong mở thầu và cuối cùng là gian lận, bớt xét khi thi công, giám sát thi công”.

Vì thế như lời Thủ tướng thì đầu tiên, chống tiêu cực, tham nhũng trong đầu tư xây dựng cơ bản, mà biểu hiện là ăn cắp vật tư, vật liệu thi công để hạ định mức trên một đơn vị diện tích, làm cho đường bị chất lượng xấu, bán thầu B thành B phẩy, B hai phẩy, thậm chí B ba phẩy.

Có thể nói, các công trình cơ sở hạ tầng khi hỏng thì có thể sửa chữa. Tuy nhiên, vấn đề không chỉ đơn giản dừng lại ở chuyện sai thì sửa, nó liên quan trực tiếp đến vấn đề niềm tin trong xã hội hiện nay. Để lấy lại niềm tin, có lẽ chúng ta cần một thời gian rất dài. Và hai nhà thầu của quân đội đang nhận được sự kỳ vọng lớn như mũi tiên phong.

Chúng ta cần một hình mẫu trong giải phóng mặt bằng, trong thi công là vì thế. Khi đã có hình mẫu, đó là khuôn thước cho hàng chục dự án xây dựng các tuyến cao tốc còn lại của phía đông, bất kể được đầu tư bằng nguồn vốn nào, chủ đầu tư trong hay ngoài nước và nhà thầu là những đơn vị nào.

Sông Hàn

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/cao-toc-bac-nam-ky-vong-lon-vao-nha-thau-quan-doi-158167.html