Cao tốc Bắc Nam - 'huyết mạch' thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An

Tuyến cao tốc Bắc – Nam là tuyến giao thông huyết mạch, đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa kinh tế - xã hội, chính trị to lớn, giúp cải thiện hạ tầng giao thông, kết nối nền kinh tế nhiều địa bàn trên cả nước, trong đó có Nghệ An.

Ở Nghệ An, cao tốc Bắc - Nam đi qua 39 xã của tỉnh, kết nối các trung tâm kinh tế, chính trị của các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa nói riêng và khu vực Bắc miền Trung nói chung, từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Trung nói chung và Nghệ An nói riêng.

Dự án cao tốc Bắc - Nam, đoạn qua Nghệ An có 87,84 km, qua thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên.

Trong đó, qua đất nông nghiệp 79,31 km, đoạn qua đất khu dân cư 8,53 km, số hộ tái định cư khoảng 642 km. Kinh phí giải phóng mặt bằng tổng thể dự kiến là 2.762 tỷ đồng, trong đó đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu 1.261 tỷ đồng và Diễn Châu - Bãi Vọt 1.501 tỷ đồng; phê duyệt dự án là 2.191 tỷ đồng.

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu

Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Diễn Châu. Ảnh: Trân Châu

Cao tốc Bắc - Nam qua Nghệ An gồm 2 dự án thành phần: Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, tổng chiều dài 50 km, tổng mức đầu tư 8380 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng là 1.423 tỷ đồng; Dự án thành phần đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có tổng mức đầu tư 13338 tỷ đồng, chiều dài tuyến 49,3 km, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng đoạn qua tỉnh Nghệ An 1.102 tỷ đồng.

Hiện tại, vốn giải phóng mặt bằng đã cấp cho dự án qua Nghệ An là 696,5 tỷ đồng đã chi trả được 541,4 tỷ đồng, Nghệ An đã GPMB được khoảng 52,5/87,84 km, đạt 59,77%.

Mới đây, tại cuộc làm việc với tỉnh Nghệ An, đồng chí Nguyễn Nhật - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực và kết quả của cấp ủy, chính quyền Nghệ An trong giải phóng mặt bằng cho dự án cao tốc Bắc - Nam. Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư. “Mặc dù chỉ mới giải phóng được gần 60% chiều dài nhưng Nghệ An là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về tiến độ giải phóng mặt bằng (sau Ninh Thuận)” - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật cho biết.

UBND tỉnh họp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Nguyễn Hải.

Thứ trưởng Bộ GTVT cũng nhấn mạnh, quá trình GPMB phải được thực hiện cẩn thận, chu đáo, gắn với sắp xếp lại dân cư. Các địa điểm tái định cư phải được xây dựng theo tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng nông thôn mới.

Cao tốc Bắc - Nam, ảnh minh họa từ Internet.

Theo tiến độ GPMB, thị xã Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Hưng Nguyên, Nghi Lộc bàn giao mặt bằng đất lâm nghiệp, nông nghiệp cho dự án trước ngày 31/12/2019, chi trả tiền, bàn giao toàn bộ mặt bằng, giải phóng mặt bằng vị trí tái định cư xong trước ngày 31/12/2019. Di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (đường điện, cáp viễn thông): Bàn giao toàn bộ mặt bằng trước ngày 30/6/2020.

Đường cao tốc Bắc – Nam (ký hiệu toàn tuyến là CT.01 là tên gọi thông dụng nhất của một tuyến đường cao tốc Việt Nam nằm rất gần với Quốc lộ 1A huyết mạch, thông suốt giữa 2 miền Nam và Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, khác với Quốc lộ 1A nối dài từ Lạng Sơn đến Cà Mau, đường cao tốc Bắc – Nam chỉ nối từ Hà Nội tới Cần Thơ.

Giai đoạn 2017 - 2020, dự án cao tốc Bắc - Nam được đầu tư 654 km, chia làm 11 dự án thành phần, với các đoạn từ Cao Bồ (Nam Định) đến Bãi Vọt (Hà Tĩnh); từ Cam Lộ (Quảng Trị) đến La Sơn (Thừa Thiên Huế); từ Nha Trang (Khánh Hòa) đến Dầu Giây (Đồng Nai), Cầu Mỹ Thuận 2, Tiền Giang và Vĩnh Long.

P.V

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/cao-toc-bac-nam-huyet-mach-thuc-day-kinh-te-xa-hoi-tinh-nghe-an-261410.html