Cao tốc 34.000 tỷ bong tróc, đừng hỏi sao phí logistics cao?

Chi phí làm đường cao, đua nhau làm cảng biển... mà không nhìn vào tổng thể cả chuỗi phát triển sẽ là gánh nặng cho ngân sách, gánh nặng cho DN

Container hàng từ Hải Phòng lên Hà Nội đắt gấp 3 lần từ Hàn Quốc về

Ngày 14/12, Hội thảo "Hội nhập quốc tế: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logictics tại Việt Nam" diễn ra tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Tại hội thảo nhiều vấn đề về công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực logictics đã được đặt ra.

Logictics Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ. Ảnh VnMedia

Tham gia thảo luận, GS.TS Đặng Đình Đào (Trường ĐH KTQD) cho rằng, phát triển ngành logistics Việt Nam còn rất nhiều thách thức. Từ vấn đề nhận thức, cơ chế chính sách chưa phù hợp cho tới các vấn đề về quy hoạch, chính sách phí và lệ phí đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, rồi đến việc kết nối cơ sở hạ tầng giao thông còn kém và đặc biệt là chính sách đào tạo phát triển nguồn nhân lực còn hạn chế... đó là tất cả những nguyên nhân khiến ngành logistics Việt Nam chưa phát triển.

"Chính những bất cập trong kết nối, chi phí ngoài luồng... khiến hàng hóa Thái Lan và Singapore đến Việt Nam ngày càng giảm. Theo thống kê, lượng hàng hóa từ hai nước này cập Cảng Tiên Sa một vài năm trở lại đây chỉ đạt chưa tới 30%. Rất ít", vị GS cho biết.

Đề cập tới vấn đề xây dựng kết nối hạ tầng, vị GS đặc biệt bức xúc với cách thực hiện manh mún, thiếu sự kết nối, mạnh ai nấy làm.

Vị GS chỉ rõ, trong khi cơ sở hạ tầng (phần cứng và phần mềm) chưa tạo được hành lang cho vận tải đa phương thức phát triển nhằm giảm bớt chi phí cho logistics thì vẫn có những công trình, dự án, những đề xuất bất hợp lý, lãng phí được đưa ra.

Đây là nguyên nhân khiến một container hàng hóa chuyển từ Hải Phòng lên Hà Nội đang phải chịu mức phí đắt gấp 3 lần so với container chở từ Hàn Quốc về Việt Nam. Rất bất cập.

GS Đặng Đình Đào nhấn mạnh, rõ ràng ở đây là do đầu tư cơ sở hạ tầng thiếu kết nối, quan tâm quá nhiều tới phát triển đường bộ nhưng lại ít quan tâm tới các phương thức vận tải khác.

Thiếu các trung tâm logistics kết nối các phương thức vận tải, hành lang kinh tế, thiếu đường sắt kết nối với các cảng biển trong khi đó, tình trạng quy hoạch cảng biển lại đang có tình trạng bị chia cắt bằng nhiều dự án kiểu "phân lô, chia nền".

Nêu ví dụ cụ thể, ông nói: "Mỗi địa phương đều muốn ôm một cảng biển, sân bay nhưng thiếu sự kết nối gây lãng phí, không hiệu quả.

Điển hình tại Đà Nẵng, Cảng Tiên Sa là cơ sở hạ tầng có sẵn nhưng đã không tận dụng, khai thác được mà để khu này phát triển thành khu du lịch rồi lại đề xuất gần 33.000 tỷ để làm một cảng mới tại Liên Chiểu.

Tại sao Đà Nẵng không liên kết với Cảng Chân Mây và các cảng miền Trung để khai thác, vận hành cho hiệu quả hơn mà lại phải đề xuất xây thêm một cảng biển mới?

Tình trạng phân lô, chia nền, mỗi địa phương xí một dự án đang xảy ra với đầu tư cảng biển là nguyên nhân băm nát quy hoạch cảng biển, khiến Việt Nam bị bội thực cảng biển nhưng hoạt động lại không hiệu quả.

Trong mỗi cái cảng be bé đó lại có dăm ba nhà đầu tư, mỗi ông xí một góc khiến việc quản lý trở nên vô cùng khó khăn.

Nếu không cẩn thận, quy hoạch cảng biển sẽ giống với ngành nông nghiệp, chia đều đất cho dân, ai cũng có phần rồi đi gom lại", vị GS lo ngại.

Nhận diện bất cập

Nhắc lại câu chuyện chi phí logistics hiện đang quá cao, vị GS cho biết, bất cập vẫn xảy ra tại các dự án, cơ sở hạ tầng được đầu tư nghìn tỷ nhưng hiệu quả khai thác thấp, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước phát triển.

Cao tốc 34.000 tỷ xả trạm để vá: Vẫn bóc từng mảng

Tiếp tục nêu ví dụ về dự án cao tốc 34.000 tỷ nối Đà Nẵng-Quảng Ngãi dù vừa được đưa vào khai thác nhưng đã phải tạm dừng thu phí để sửa chữa hư hỏng nặng.

"Với những dự án đầu tư thì khổng lồ, nhưng lại không hiệu quả không những không thúc đẩy được phát triển mà còn tạo gánh nặng cho doanh nghiệp.

Điều này cho thấy, bản thân các dự án được cho là kết nối phát triển logistics đã chưa quán triệt được tư duy logistics, tức là đầu tư dàn trải, ồ ạt, chưa tính tới yếu tố hiệu quả mà chủ yếu vẫn tư duy theo lợi ích nhóm, tư duy lợi ích địa phương. Chính vì thế, dễ thấy nhiều dự án nghìn tỉ được đầu tư nhưng lại không mang lại hiệu quả, không tạo ra sự kết nối, lan tỏa, thúc đẩy nền kinh tế phát triển", GS Đặng Đình Đào phân tích.

Vị GS cho rằng, nếu mang theo tư duy trên theo tiến trình hội nhập quốc tế thì chắc chắn ngành logistics sẽ phải trả giá đắt, nền kinh tế Việt Nam khó có thể phát triển được.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/cao-toc-34000-ty-bong-troc-dung-hoi-sao-phi-logistics-cao-3371087/