Cao tốc 21.000 tỷ đồng Lạng Sơn - Cao Bằng: Tạo xung lực cho kinh tế cửa khẩu

Khi cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị được thông xe sau đó kết nối với Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh thì tuyến biên giới phía Bắc sẽ thông suốt, hàng hóa nhờ đó lưu thông nhanh hơn, kinh tế cửa khẩu khu vực này sẽ sôi động hơn.

QL4A nối Lạng Sơn - Cao Bằng nhiều đoạn quanh co, gấp khúc và xuống cấp

QL4A nối Lạng Sơn - Cao Bằng nhiều đoạn quanh co, gấp khúc và xuống cấp

Cuối tuần qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý chủ trương triển khai Dự án cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP), dài 115km.

Hiện tại, Lạng Sơn nối với Cao Bằng qua QL4A - một con đường độc đạo, nhưng rất quanh co và hiểm trở. Đoạn từ thị trấn Đồng Đăng đi TP Cao Bằng dài trên 90km nhưng phải chạy xe cả nửa ngày mới đến nơi. Do vậy, nếu tuyến đường được xây mới sẽ rút ngắn thời gian đi lại, thúc đẩy kinh tế hai tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn phát triển, dễ dàng kết nối với Hà Nội và các tỉnh miền xuôi.

“Cao Bằng có nhiều cửa khẩu, nhiều hàng hóa nhưng việc vận chuyển xuống dưới xuôi tiêu thụ rất khó khăn”, lời ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng. Cũng theo lãnh đạo tỉnh này, Cao Bằng có nhiều phong cảnh đẹp, nhiều tài nguyên phong phú, nếu giao thông thuận tiện, những tiềm năng này sẽ được phát huy. “Lãnh đạo và nhân dân Cao Bằng rất mong chờ và ủng hộ dự án cao tốc này”, Chủ tịch Hoàng Xuân Ánh nói và cho biết thêm, nếu Dự án trên được triển khai, tỉnh sẽ chủ trì công tác giải phóng mặt bằng.

Theo ông Lương Quốc Toản - Phó Chủ tịch UBND huyện Tràng Định (Lạng Sơn), QL4A từ Đồng Đăng đến Cao Bằng qua huyện này dài khoảng 50km. Thời gian qua đường đã được đầu tư, nhưng hệ thống xe tải, xe container đi lại nhiều khiến người dân lưu thông khó khăn. Ngoài ra, do mặt đường nhỏ, hay cua gấp khúc, độ dốc lớn nên việc di chuyển của người dân đến các địa phương lân cận không được thuận lợi.

Ưu tiên tuyến Đồng Đăng – TP Cao Bằng

Liên quan vấn đề này, ông Nghiêm Văn Hải - Giám đốc Sở GTVT Lạng Sơn cho biết, chủ trương đầu tư Dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh là cần thiết, vì tuyến đường hiện hữu cua hẹp, khó khăn trong vận chuyển hành khách và hàng hóa. “Dù Dự án sẽ được Cao Bằng chủ trì thực hiện nhưng người dân Lạng Sơn cũng sẽ được hưởng lợi”, ông Hải nói và cho biết, khi cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị được thông xe, Dự án Đồng Đăng – Trà Lĩnh được nối vào thì tuyến biên giới phía Bắc sẽ được thông suốt, tạo huyết mạch để kinh tế, xã hội phát triển.

Báo cáo của đơn vị tư vấn thiết kế cho biết, Dự án cao tốc Cao Bằng – Lạng Sơn có điểm đầu tại thị trấn Đồng Đăng (điểm nút giao với cao tốc Hữu Nghị - Lạng Sơn – Bắc Giang), điểm cuối tại ngã ba đường vào Khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đường có 4 làn xe, rộng 17m, tốc độ 80km/h. Theo phương án mới của Dự án, tổng mức đầu tư sẽ khoảng 20.938 tỷ đồng. Tỉnh Cao Bằng sẽ đầu tư phần giải phóng mặt bằng từ vốn ngân sách, với kinh phí khoảng 7.500 tỷ đồng; nhà đầu tư sẽ góp hơn 13.000 tỷ đồng.

Tỉnh Cao Bằng đề xuất sẽ phân kỳ Dự án thành hai giai đoạn. Giai đoạn 1 năm 2019 – 2020, thực hiện đoạn từ Đồng Đăng đến TP Cao Bằng, dài khoảng 80km, kinh phí khoảng 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn hai từ TP Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh. Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với phương án này của Cao Bằng.

Theo đó, giai đoạn 1, ngân sách TƯ sẽ hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương 2.000 tỷ đồng; 6.000 tỷ đồng còn lại sẽ do nhà đầu tư tư nhân đảm nhiệm. Được biết, nhà đầu tư sẽ tham gia dự án này là Tập đoàn Đèo Cả. Doanh nghiệp này cũng đang là một trong những đơn vị góp vốn thực hiện tuyến cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn – Hữu Nghị.

Minh Hữu

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/chuyen-llam-an/cao-toc-21000-ty-dong-lang-son-cao-bang-tao-xung-luc-cho-kinh-te-cua-khau-426187.html