Cảo thơm lần giở: Lagerlof nghĩ gì?

Ở phương Tây, phong trào phụ nữ viết văn phát triển đặc biệt mạnh từ cuối những năm 60 - đầu 70, thế kỷ 19.

Nói chung, từ xưa, ở các nước trên thế giới, binh nghiệp và văn chương dành cho nam giới. Ít dân tộc như Nhật Bản sớm có một truyền thống văn học nữ từ thời Hêi-an (Bình An), thế kỷ 8 đến thế kỷ 12; đó là thời hoàng kim của văn học Nhật Bản được đánh dấu bởi những tác phẩm của các nữ sĩ vượt hẳn nam giới.

Thụy Điển cũng có một truyền thống văn học nữ giới khởi đầu từ cuối thời Trung cổ với nữ thánh Birgitta (Biếc-ghit-ta, 1303 -1373). Ba trăm năm sau bà thánh Birgitta, nữ hoàng Kristina sáng tác những câu cách ngôn viết bằng tiếng Pháp. Đến thế kỷ 19, khoảng năm 1830, nữ sĩ Fredrika Bremer là người đi tiên phong xây dựng nền tiểu thuyết hiện thực của giai cấp trung lưu ở Thụy Điển.

Nữ văn sĩ Selma Lagerlof (1858-1940).

Trong các nhà văn nữ Thụy Điển, Selma Lagerlof là ngôi sao sáng nhất. Bà là một trong những tác giả Thụy Điển được dịch nhiều nhất trên thế giới. Năm 1909, bà là người phụ nữ đầu tiên đoạt Giải thưởng Nobel Văn học. Năm 1914, bà là nhà văn nữ đầu tiên được bầu làm Viện sĩ Viện Hàn lâm Thụy Điển.

Selma Lagerlof (La-gher’-lop, 1858-1940) ra đời ở ấp Marbacka thuộc miền Varmland. Thời thơ ấu và niên thiếu, bà sống ốm yếu, cô đơn, chìm đắm trong truyền thuyết dân gian được kể trong xóm làng. Bà thuộc gia đình địa chủ phá sản; bố ốm phải bán ấp đi; sau này có tiền, bà chuộc lại ấp. Bà học sư phạm. Làm giáo viên trong mười năm, từ năm 27 tuổi đến năm 37 tuổi. Sau đó, bà hoàn toàn theo văn nghiệp. Bà có mấy chuyến đi nước ngoài: Cận Đông, Ý... Từ năm 51 tuổi đến khi qua đời năm 82 tuổi, bà sống ở ấp cũ, tự mình trông nom công việc trong khi hoạt động văn học.

Với Truyền thuyết về Gosta Berling (Gơ-xta Bec-linh), ra năm 1891, cô giáo Selma Lagerlof 33 tuổi bỗng nhiên nổi danh. Câu chuyện đặt trong khung cảnh nông thôn Varmland đầu thế kỷ 19, còn đầy mê tín. Gosta Berling là một mục sư mới học xong, tính tình phức tạp, rượu chè be bét. Giám mục nghe tố cáo thói xấu của chàng, đến điều tra; hôm đó, chàng Berling lên giảng đạo hùng hồn đến nỗi được tha tội. Nhưng rồi chàng cũng bị kỷ luật, sống lang thang và sau được “bà chủ” Elkeby, vợ và là người quản lý giỏi của chủ một lò đúc, nhận cho sống cùng với một đám “hiệp sĩ”. Đóng vai Mạnh Thường Quân, bà khoản đãi những “hiệp sĩ” này, vốn là những cựu quân nhân, đầu óc phiêu lưu, nghệ sĩ nửa vời. Một kẻ mới đến là Sintram rất độc ác, hiện thân của quỷ dữ, quấy rối và gieo rắc bất hòa; cả bọn quay ra oán bà ân nhân; có người tố cáo bà ngoại tình khiến bà bị chồng đuổi phải đi ăn mày ở ngoài cánh đồng tuyết phủ. Các “hiệp sĩ” tự do phá phách của cải lò đúc do “bà chủ” làm ra trong bao nhiêu năm. Trong khi đó, Berling tài hoa xinh trai và ăn nói có duyên bị số phận nghiệt ngã theo đuổi; chàng đụng đến ai là mang tai họa đến cho người ấy. Chàng đã phá hoại cuộc đời nhiều phụ nữ mà mình quyến rũ. Cuối cùng, đói ăn, các “hiệp sĩ” phải lao động làm sống lại lò đúc. Lúc đó “bà chủ” xuất hiện, nhưng rồi chết sau khi tha thứ cho các “hiệp sĩ” phản bội. Mục sư hổ mang Berling phải chuộc tội qua nhục nhằn và lao động ở lò đúc; tình yêu của một phụ nữ quý tộc bị đày đọa vì yêu đã cứu vớt chàng. Giá trị của tác phẩm chủ yếu ở nghệ thuật kể chuyện đầy kịch tính, làm sống lại truyền thuyết, nửa hư nửa thực, với tính chất tượng trưng và triết lý cuộc sống. Tác giả thể hiện cái vĩnh viễn của cảm xúc Bắc Âu (Scandinavia): những băn khoăn của đạo Tin lành, cuộc đấu tranh bất tận giữa thiện và ác, mâu thuẫn giữa nghị lực và trực giác, quan hệ khi hòa hợp khi khắc nghiệt giữa thiên nhiên và con người. Berling bỏ Chúa, đi theo cái ác, do bản năng quá mạnh. Nhưng lúc thì chàng hèn hạ, ích kỷ, lúc thì lại hào hiệp; chàng phân vân giữa Chúa và quỷ dữ. Cuối cùng chàng tìm được đạo lý nội tâm bằng cách sống như mọi người.

Cuốn tiểu thuyết Những phép lạ của kẻ chống Chúa (1897) được viết sau chuyến Lagerlof đi Ý về. Bà muốn tổng hợp và hòa giải chủ nghĩa xã hội với đạo Kitô.

Một tác phẩm lớn, nổi tiếng thế giới không kém gì Gosta Berling, là Những truyện phiêu lưu kỳ lạ của Nils Holgersson (1906-1907). Đây là một cuốn sách làm theo đơn đặt hàng: nhận viết một cuốn sách dạy địa lý Thụy Điển cho học sinh tiểu học, bà đã sáng tác dưới hình thức truyện thần tiên. Có lẽ bà chú ý đến hấp dẫn hơn là kiến thức; cuộc hành trình bị lôi cuốn bởi những địa điểm hấp dẫn, luôn luôn xen đủ loại truyền thuyết. Những nhân vật chính là những con vật biết suy nghĩ, hành động với dáng dấp con người; chúng có sức mạnh giáo dục về tinh thần đoàn kết như kiểu Chuyện rừng của nhà văn Anh R. Kipling. Mặc dù mới đầu bị các giáo viên phản đối, tác phẩm dày 500 trang của Lagerlof đã chinh phục trường học Thụy Điển, trẻ em trong nước và trên thế giới; đến nay, sách đã được dịch sang hơn bốn chục ngữ, kể cả tiếng Việt. Chuyện kể về Nils, chú bé 14 tuổi tinh nghịch. Một hôm chú trêu ghẹo một con quỷ nhỏ và bị nó biến thành một cậu tí hon. Chú bá cổ một con ngỗng nhà bay theo đàn ngỗng trời di cư. Thế là chú bay trên khắp đất nước Thụy Điển, biết được người và vật, truyền thuyết các địa phương. Sau 6 tháng, chú về nhà, lại lớn lên như cũ, biết cư xử tốt với mọi người và các con vật.

Truyện Người đánh xe Thần chết (1912) nói lên sự quan tâm của Lagerlof đối với cái huyền bí. Truyện có tính phê phán xã hội đã được quay thành phim nổi tiếng (Chiếc xe ma).

Chiến tranh Thế giới 1914-1918 là một đòn đánh vào lòng tin cái thiện của Lagerlof.

Kẻ bị ruồng bỏ (1918) kể về một người tham gia một cuộc thám hiểm Bắc Cực, do hoàn cảnh sống còn buộc phải ăn thịt người. Sau đó, người ấy sống ẩn tích, cố tìm nguồn an ủi trong tình yêu mọi người.

Selma Lagerlof chiếm một vị trí đặc biệt trong văn học Thụy Điển và thế giới. Như nhà thơ Pháp Paul Valéry đã nhận định, “bà điển hình cho Thụy Điển và tính phổ biến của bà là không thể chối cãi được”. Nhà viết tiểu thuyết Thụy Điển hiện đại nổi tiếng S. Delblanc đã giải thích nhận xét ấy. Theo ông, Lagerlof tiêu biểu cho tính chất Thụy Điển, tính chất Bắc Âu, địa phương tỉnh nhỏ, tất cả bắt nguồn từ những truyền thuyết Băng Đảo được diễn tả bằng kỹ thuật kể chuyện truyền khẩu dân dã; nội dung và lời kể giản dị, hấp dẫn, chứa đựng một tư tưởng đạo lý đơn giản, kết hợp thực và hư một cách tuyệt vời. Thể loại tiểu thuyết Thụy Điển tiếp tục truyền thống cũ ấy nên không bị khủng hoảng như ở Tây Âu, nơi văn học mang tính chất hàn lâm và tư sản hơn. Nghệ thuật kể chuyện dân dã địa phương tỉnh nhỏ tồn tại trong trại ấp nông thôn. Truyện thường do phụ nữ kể; phụ nữ có thực quyền trong cuộc sống. Chủ đề của Selma Lagerlof là lòng tin vào sức mạnh giải phóng và an ủi của tình yêu, tình yêu của nữ giới; bằng tình yêu, phụ nữ cứu vớt nam giới, kéo họ về với gia đình, cộng đồng. Quan điểm này ngược với quan niệm thù ghét phụ nữ và gia đình của nhà văn Thụy Điển lớn đương thời Strinberg. Lagerlof có một nhãn quan phiếm thần; trong sáng tác, bà khai thác yếu tố thần kỳ và huyền ảo mỗi khi tình yêu của nữ giới phải đương đầu với thử thách gay go... Thần thoại Bắc Âu nơi bà nhiều khi mang tính biểu hiện chủ nghĩa.

Phong cách của Lagerlof có thể có lúc lãng mạn hơi lỗi thời, hơi ủy mị, nhưng luôn luôn hấp dẫn vì tài kể chuyện đậm đà tình người, lòng tin vào các lực lượng tích cực sẽ đem lại hài hòa cho cuộc sống hỗn mang.

Sau đây là một số suy nghĩ của Lagerlof:

Đã có nhiều ngôn từ đẹp chống chiến tranh, đã có những người vì hòa bình nêu những tấm gương tuyệt vời, và đã có những tính toán thông thái nhất chứng minh chiến tranh là điên rồ, nhưng chiến tranh vẫn luôn luôn không chấm dứt.

Văn hóa là cái gì còn lại sau khi người ta quên hết tất cả những gì người ta đã học.

Hành động có giá trị hơn lời nói.

Không hạnh phúc nào hơn là được ở nơi đó, trong tay cầm một cuốn sách hay là quà giáng sinh, một cuốn sách mà trước đây chưa được thấy, tất cả mọi người trong nhà chẳng ai được biết, và biết rằng có thể đọc hết trang nọ đến trang kia, chừng nào vẫn tỉnh ngủ.

Như vậy, phải chăng sợ Edith muốn cấy trong đất tốt một hạt giống của một loại cây cho đến thời gian đó vẫn mọc trong bụi gai.

Tất cả mọi người đều biết là vũ trụ của các tư tưởng hết sức lạ lùng. Có thể nghĩ là có một bàn tay vô hình đã gieo rắc các ý nghĩ xuống mặt đất. Và ta có thể có cảm tưởng là mình tìm thấy cái gì đó đẹp và độc đáo, và ta thấy tự hào, sung sướng cho đến khi ta nhận thấy là ý nghĩ đó đã xuất hiện đồng thời trong hàng trăm khối óc khác.

Cụ già nói: Các người biết giá trị của ánh nắng và hoa đối với những ai được sống trong tự do; thế đấy, các người cũng như ánh nắng và hoa đối với những người ở tù như chúng tôi.

Này, nếu phải luôn luôn nghĩ đến những người đau khổ thì người ta sẽ không có nhiều khoảnh khắc vui trong cuộc đời.

Khóc lóc và chuộc lỗi bằng những lời nuối tiếc và thở than, đó không phải là việc của tôi. Tất cả sự sám hối mà tôi có thể làm được là mang niềm vui đến cho người nghèo khổ.

Kẻ không thấy trái tim mình đập khi buồn và khi vui, thì không thể coi là một con người được.

Ai muốn có uy quyền đối với người khác phải luôn luôn sẵn sàng tự hy sinh. Nếu không thì không thể làm được.

Hữu Ngọc

Nguồn PLO: http://suckhoedoisong.vn/cao-thom-lan-gio-lagerlof-nghi-gi-n142749.html