Cao su Việt Nam tăng thị phần tại Trung Quốc

Thị phần cao su Việt Nam chiếm 17,71% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với mức 16,95% của 4 tháng đầu năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc.

Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 2,81 triệu tấn cao su (HS 4001, 4002, 4003, 4005), trị giá 4,16 tỷ USD, tăng 14% về lượng nhưng giảm 10,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Bờ Biển Ngà và Nga là 5 thị trường lớn nhất cung cấp cao su cho Trung Quốc, lượng cao su nhập khẩu từ các thị trường này đều tăng khá so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su lớn thứ 2 cho Trung Quốc với 497,5 nghìn tấn, trị giá 675,01 triệu USD, tăng 19,1% về lượng, nhưng giảm 6,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su Việt Nam chiếm 17,71% trong tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023, cao hơn so với mức 16,95% của 4 tháng đầu năm 2022.

Trung Quốc tăng nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và tổng hợp

Về chủng loại nhập khẩu, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su tự nhiên, tăng nhập khẩu hỗn hợp của cao su tự nhiên và tổng hợp. Nhập khẩu cao su tự nhiên có xu hướng giảm và chiếm 30,61% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc. Trong khi đó, nhập khẩu cao su tổng hợp có xu hướng tăng, chiếm 50,52% tổng lượng cao su nhập khẩu của Trung Quốc trong 4 tháng đầu năm 2023. Phần còn lại là cao su tái sinh và cao su tổng hợp.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu 859,82 nghìn tấn cao su tự nhiên (HS 4001), với trị giá 1,12 tỷ USD, giảm 2,5% về lượng và giảm 25,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022, chủ yếu nhập khẩu từ các thị trường như: Thái Lan, Bờ Biển Ngà, Indonesia, Malaysia và Việt Nam. Trừ Thái Lan và Malaysia, lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc từ các thị trường này đều tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Thị phần cao su tự nhiên Việt Nam tăng

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp cao su tự nhiên lớn thứ 5 cho Trung Quốc với 52,86 nghìn tấn, trị giá 60,56 triệu USD, tăng 14,9% về lượng, nhưng giảm 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần cao su tự nhiên của Việt Nam chiếm 6,15% trong tổng lượng cao su tự nhiên nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 5,22% của 4 tháng đầu năm 2022.

Ngoài ra, trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu cao su tự nhiên từ các thị trường: Bờ Biển Ngà, Indonesia, Myanmar, Ghana, Philippines, Cameroon, Sri Lanka… Trong khi đó, Trung Quốc giảm nhập khẩu cao su tự nhiên từ một số thị trường như: Thái Lan, Malaysia, Campuchia… so với cùng kỳ năm 2022.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc nhập khẩu gần 1,42 triệu tấn hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp (HS 400280), với trị giá 1,96 tỷ USD, tăng 34,4% về lượng và tăng 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thái Lan, Việt Nam, Malaysia, Myanmar và Lào là 5 thị trường lớn nhất cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp cho Trung Quốc.

Trong 4 tháng đầu năm 2023, Việt Nam là thị trường cung cấp hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp lớn thứ hai cho Trung Quốc với 441,32 nghìn tấn, trị giá 609,24 triệu USD, tăng 19,7% về lượng, nhưng giảm 5,4% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Việt Nam chiếm 31,1% trong tổng lượng nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, thấp hơn so với mức 34,9% của 4 tháng đầu năm 2022.

Đáng chú ý, trong 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc từ Thái Lan tăng mạnh, với 756 nghìn tấn, trị giá 1,05 tỷ USD, tăng 62,6% về lượng và tăng 27% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022. Thị phần hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Thái Lan chiếm tới 53,27% trong tổng lượng nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp của Trung Quốc, tăng mạnh so với mức 44,01% của 4 tháng đầu năm 2022.

Trong thời gian này, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu hỗn hợp cao su tự nhiên và cao su tổng hợp từ các thị trường như: Malaysia, Lào, Indonesia, Philippines; trong khi giảm nhập khẩu từ Myanmar, Campuchia… so với cùng kỳ năm 2022.

Việt Hằng

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/cao-su-viet-nam-tang-thi-phan-tai-trung-quoc-105877.htm