Cao su, tiêu tính vào tỉ lệ che phủ rừng: Không ổn...

Phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai về tỉ lệ che phủ rừng thu hút sự quan tâm của dư luận và giới chuyên môn.

Mới đây, tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tổng diện tích rừng của nước ta đã tăng từ 9 triệu ha (năm 1990) lên tới hơn 14 triệu ha vào thời điểm hiện nay, đây là con số đáng phấn khởi. Hệ số che phủ rừng gần 42%, cao hơn bình quân thế giới (29%).

Tuy nhiên, nữ đại biểu tỉnh Gia Lai Ksor H’Bơ Khăp phản biện "có gì đó sai sai".

"Ít nhất là trong nhiệm kỳ Quốc hội này, mỗi kỳ họp chúng ta đều liên tục được nghe có thêm những dự án, công trình chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, tức là chuyển đổi rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ và đó đều là rừng tự nhiên.

Như thế, làm gì có chuyện diện tích rừng tự nhiên lại tăng lên được? Thực tế thì cây cao su, cây cà phê, cây tiêu cũng được tính vào tỉ lệ che phủ rừng”, ĐB Ksor H’Bơ Khăp nói và nhấn mạnh, không thể tính như vậy được.

Phát biểu của nữ đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai thu hút sự quan tâm của dư luận.

Trao đổi với Đất Việt, GS.TS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT cho hay, rừng cao su, cà phê không có thảm thực vật, trong khi đối với rừng, thứ con người cần nhất là thảm thực vật để giữ nước và chống sạt lở, chứ không phải bóng mát hay gỗ.

GS Hồng kể lại câu chuyện thời ông còn làm Thứ trưởng. Bộ trưởng Bộ NN-PTNT khi ấy có đề xuất chuyển đổi rừng tự nhiên sang rừng cà phê, cao su, song các chuyên gia lâm nghiệp cho rằng điều đó là sai lầm. Bởi lẽ đối với cao su, đất luôn phải cạo sạch, rẫy hết cỏ thì mới có thể trồng được, như thế mất hết thảm thực vật. Bởi chọn thảm thực vật là chính nên thời GS Hồng còn làm Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, người dân không được vào rừng khai hoang.

"Tôi nghe Bộ trưởng nói tỉ lệ che phủ rừng của Việt Nam cao hơn trung bình thế giới nhưng cần phải xem lại tiêu chí. Chẳng hạn, tỉ lệ che phủ rừng của Trung Quốc thấp hơn Việt Nam nhưng họ có xét đến thảm thực vật hay không.

Tôi tin rằng tỉ lệ che phủ rừng của Trung Quốc dù thấp hơn Việt Nam nhưng đó là rừng thật. Còn như Việt Nam, tính cả rừng cao su, cà phê, tiêu vào tỉ lệ che phủ rừng thì việc xảy ra lũ lớn, lũ quét... như thời gian qua chính là một bài học", GS.TS Vũ Trọng Hồng nói.

Cao su, cà phê, hồ tiêu được tính vào tỉ lệ che phủ rừng

Cao su, cà phê, hồ tiêu được tính vào tỉ lệ che phủ rừng

Cũng chia sẻ quan điểm về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung (Viện Quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng) cho biết, lúc đầu, các chuyên gia ngành lâm nghiệp như ông cũng chỉ đồng ý tính cây cao su vào tỉ lệ che phủ rừng vì cây cao su là cây gỗ cao (10-20m). không khác gì rừng, vòng đời của cây cao su từ khi trồng đến khi chặt khoảng 36 năm, và chỉ cần 4-5 năm là đã khép tán thành rừng.

Bởi vòng đời từ khi trồng đến khi chặt kéo dài hơn 30 năm nên rừng cao su có tác dụng điều chỉnh nước.

"Rừng cao su không bằng được rừng tự nhiên, nhưng nó tốt như rừng trồng, hơn hẳn đất trống đồi trọc. Với vùng đất trống đồi trọc, đến 90% nước chảy tràn trên mặt, ngấm xuống đất không được bao nhiêu", GS Lung nhận xét.

Đối với cây cà phê, tiêu, theo vị chuyên gia, chúng không được như rừng vì người dân trồng rất thưa, cách chừng 4-5m mới trồng một gốc. Như cây tiêu phải có nọc tiêu để cho cây bám vào.

"Cà phê, tiêu hơn đất trồng đồi trọc, nhưng không được như rừng. Nếu Bộ NN-PTNT có tính vào tỷ lệ che phủ rừng thì cũng chấp nhận được vì diện tích các cây này trên cả nước không đáng kể", ông nói.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cũng lưu ý về cách phân biệt rừng giàu, rừng nghèo không phải dựa trên năng lực điều chỉnh môi trường.

Nói về tác dụng điều chỉnh nước, nếu là rừng tự nhiên thì khi có một cơn mưa bình thường, khoảng 85-95% nước ngấm xuống thành nước ngầm, không chảy trên bề mặt, nước không thành lũ quét được. Điều này lợi ở chỗ: khi trời khô hanh, không mưa, có thể lấy nước ngầm tưới cho mặt đất và canh tác nông nghiệp.

Nhưng nếu là đất trống đối trọc thì hầu như tất cả nước chảy tràn trên mặt, phần ngấm xuống đất chỉ được 5-10%. Mùa mưa chính là mùa cần tích nước ngầm, song vì rừng không còn nên nước chảy tràn trên mặt đất, gặp gì cuốn trôi đó.

Rừng trồng cũng có tác dụng, nhưng GS Lung lưu ý, chúng chỉ có tác dụng bằng một nửa hoặc bằng 1/5 so với rừng tự nhiên. Theo đó, những rừng trồng cây lá rộng, cây bản địa thì có tác dụng bằng 1/2 rừng bình thường, còn nếu trồng cây lá kim hoặc các loại cây mọc nhanh, chu kỳ nhánh thì tác dụng không được bao nhiêu.

Cũng tại buổi thảo luận của Quốc hội, nữ đại biểu Ksor H’Bơ Khăp cho rằng: “Rừng là nơi hấp thụ CO2 để thải ra O2, nhưng cây cao su là loại cây hút O2 và thải ra CO2, không có một con gì sống được ở trong rừng đó”.

Tuy nhiên, GS.TSKH Nguyễn Ngọc Lung cho hay, đã là cây có lá màu xanh, tức có diệp lục, thì luôn hấp thụ CO2 trong không khí.

Trong khi đó, trả lời VietNamNet, TS Nguyễn Anh Nghĩa, Viện phó Viện Nghiên cứu cao su Việt Nam giải thích, ban ngày cây cao su quang hợp giống như các cây khác, hút CO2, nhả O2 nhưng chuyển sang dạng hút O2 và nhả CO2 vào ban đêm.

Ngày xưa người dân đi làm cao su rất sớm, khoảng từ 4 giờ sáng, khi đó cây vẫn còn hô hấp hút O2 và nhả CO2 nên công nhân rất khó chịu vì lượng O2 ở rừng cao su khi đó ít đi.

Cây cao su có mủ, độc hại đối với nhiều côn trùng và cả loài ăn thực vật. Nhiều loài côn trùng nếu ăn phải lá cao su hoặc đục thân thì một thời gian sẽ chết nên nói không có con gì sống được là như vậy. Một nguyên nhân khác là trong rừng cao su không có nhiều thức ăn như côn trùng, trái cây nên chim chóc và các loài động vật khác không thể sống được ở rừng cao su.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/cao-su-tieu-tinh-vao-ti-le-che-phu-rung-khong-on-3422157/