Cao su Tây Bắc, cây đa mục đích mở ra nhiều hy vọng cho đồng bào dân tộc

Theo VRG, ngày 17/10 tới đây sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng khi đơn vị này chính thức làm lễ khai thác mủ cao su tại Nông trường Lùng Thàng (Sìn Hồ – Lai Châu). Việc này không chỉ có ý nghĩa đối với VRG và chính quyền địa phương mà còn làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào dân tộc tham gia góp đất trồng cao su.

Không chỉ Tập đoàn công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG), các Cty cao su mà ngay cả lãnh đạo địa phương, người dân đều ấp ủ, hy vọng vào loại cây này. Ông Hà Văn Um, GĐ Sở NN-PTNT Lai Châu khẳng định, cao su vẫn luôn được tỉnh xác định là 1 trong 2 loại cây công nghiệp thế mạnh.

Ông Hà Văn Um

Đây sẽ là “đòn bẩy” để thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp, từng bước góp phần tăng thu nhập cho người dân và xây dựng NTM.

Cây “đa mục đích”

Theo ông Um, năm 2006, khi đó ông là Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ, lãnh đạo tỉnh Lai Châu đã đặt vấn đề phát triển cây cao su trên mảnh đất này. Bên kia biên giới là Trung Quốc, họ đã trồng hiệu quả 50 – 60 năm nay, tại sao ta lại không. Có những gia đình 4 khẩu nhưng chỉ trồng đúng 99 cây cao su, vẫn đủ sống. Tất nhiên, thời điểm đó, giá cao su còn ở mức tương đối cao.

Nhận lệnh, ông yêu cầu cấp dưới nhập giống, phát triển vùng cao su tiểu điền với diện tích 100ha. “Diện tích đó, tới nơi người dân đã cạo mủ và đem bán sang Trung Quốc. Mỗi năm cũng lãi được 50 – 60 triệu đồng/ha”.

Giơ 2 ngón tay, ông Um bảo, đất đai ở Lai Châu, nói về cây công nghiệp, nếu không trồng rừng thì chỉ có thể trồng cây cao su mà thôi. Trước đây, tỉnh cũng có chủ trương đưa nhiều loại cây công nghiệp về trồng. Tiêu biểu là cây thông, nhưng dài ngày quá, bà con không chờ được nên bỏ.

Hiện tại, toàn tỉnh Lai Châu có 13.426ha cây cao su, được xác định là cây công nghiệp trọng điểm của địa phương này. Trở lại thực tế, ông Um bảo, đã là nông sản, chuyện giá lên hay xuống, là điều bình thường. “Đó là quy luật, nó giống như dạng đồ thị hình sin, có lúc xuống rồi có lúc lại phải lên”.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Hồng Thắng, Phó TGĐ Cty CP Cao su Lai Châu cho rằng, đó là điều tất yếu. Nhưng để thành công, có hai điều cần phải làm đó là kiên trì và phải có quy hoạch. Trồng cao su là không thể ào ào, dễ đi vào vết xe đổ của bài toán “trồng chặt” hay “được mùa, mất giá – được giá, mất mùa”. Về chuyện quy hoạch, ông Um khẳng định, Lai Châu là một trong những tỉnh chỉ đạo quy hoạch vùng trồng cao su thành công nhất vùng Tây Bắc.

Ông Nguyễn Hồng Thắng

Theo VRG, dù có những kết quả nhất định nhưng vẫn còn rất nhiều khó khăn trong thời gian tới do giá bán thấp, tình hình khí hậu thời tiết ngày càng phức tạp, cơ chế dân góp đất , chính sách của địa phương… Chính vì vậy, VRG rất cần sự hỗ trợ từ Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.

Cũng theo ông Um, dù giá thị trường hiện nay, mủ cao su chỉ khoảng 31 – 32 triệu đồng/tấn nhưng người dân vẫn có lãi cao hơn trồng rừng. Có thể như thế là thấp, nhưng người dân vẫn có thu nhập. Ngoài vấn đề nâng cao thu nhập cho người dân, ở Lai Châu nói riêng, cây cao su luôn được gọi bằng một cái tên là cây “đa mục đích”.

Thứ nhất, việc trồng cao su giúp tăng độ che phủ rừng, đảm bảo hệ sinh thái, môi trường rừng. Từ đó, hạn chế tình trạng cháy rừng, lũ quét, lũ ống xảy ra vào mùa mưa bão. Ông Um nhớ lại, cách đây vài năm, có một vị lãnh đạo cấp cao đi máy bay qua vùng Lai Châu, gọi điện khen, rừng của các anh độ che phủ tốt lắm. Vị GĐ Sở NN-PTNT mới thật thà, báo cáo, đó là nhờ cao su đấy ạ.

Thứ hai, bên cạnh chè, cao su được tỉnh Lai Châu xác định là “đòn bẩy” cho công cuộc tái cơ cấu ngành NN. Cây cao su đã và đang góp phần thúc đẩy kinh tế – văn hóa – xã hội của tỉnh. Cây cao su đứng chân ở đâu là ở đó đường sá khang trang, nhà cửa sạch đẹp. Bộ mặt từ cơ sở thay đổi, nhận thức thay đổi, góp phần không nhỏ vào tiến trình xây dựng NTM của cả tỉnh.

Dấu mốc quan trọng

Theo VRG, ngày 17/10 tới đây sẽ trở thành một dấu mốc quan trọng khi đơn vị này chính thức làm lễ khai thác mủ cao su tại Nông trường Lùng Thàng (Sìn Hồ – Lai Châu). Sự kiện đánh dấu chặng đường 9 năm VRG triển khai dự án phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc (2007 – 2016). Việc này không chỉ có ý nghĩa đối với VRG và chính quyền địa phương mà còn làm thỏa lòng mong đợi lâu nay của đồng bào dân tộc tham gia góp đất trồng cao su.

Giám sát, hướng dẫn thao tác cạo mủ của công nhân

Khi thực hiện dự án trồng cao su tại Tây Bắc, VRG đã thấy trước những khó khăn. Bởi đây là khu vực có điều kiện tự nhiên (địa hình, đất đai, khí hậu) không thuận lợi, kinh tế kém phát triển, đời sống văn hóa – xã hội còn thấp, tình hình an ninh trật tự còn tiềm ẩn nhiều bất ổn…

Định hướng của VRG, năm 2017 và các năm tiếp theo, các Cty cao su sẽ tiếp tục đưa thêm các diện tích đảm bảo đạt yếu tố kỹ thuật vào khai thác. Cùng với việc mở rộng diện tích khai thác, năng suất và sản lượng mủ cũng sẽ tăng lên. Năm 2017, VRG sẽ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến mủ, trước tiên tại Lai Châu và Sơn La.

Vượt qua khó khăn, VRG mong muốn tri ân những công lao của thế hệ cán bộ và nhân dân đã đóng góp cho cách mạng, chung tay cùng với địa phương, Chính phủ, chăm lo đời sống đồng bào miền núi phía Bắc. Đặc biệt, chương trình phát triển cao su ở miền núi phía Bắc không chỉ mang ý nghĩa đột phá về kinh tế, mà còn kỳ vọng sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về an sinh xã hội, xây dựng NTM, giữ gìn quốc phòng an ninh…

Tính đến ngày 31/6/2016, 9 Cty cao su trực thuộc VRG tại các tỉnh miền núi phía Bắc đã trồng, chăm sóc kiến thiết cơ bản 28.622 ha (Tây Bắc 23.149 ha), (Đông Bắc 5.472 ha) với tổng số vốn đầu tư trên 4.000 tỷ đồng.

Trong 28.622 ha cao su kiến thiết cơ bản, Cty CP Cao su Lai Châu chiếm diện tích lớn nhất với 6.958 ha, tiếp đến lần lượt là: Lai Châu 2 (4.585 ha), Điện Biên (3.193 ha), Sơn La (3.177 ha), Yên Bái (2.267 ha), Hà Giang (1.514 ha), Dầu Tiếng – Lào Cai (1.497 ha), Dầu Tiếng – Lai Châu (1.220 ha), Mường Nhé – Điện Biên (934ha)…

Theo VRG, nhờ áp dụng giống cao su phù hợp, tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật nên đa phần chất lượng vườn cây của các Cty cao su miền núi phía Bắc hiện nay phát triển và sinh trưởng tốt, đạt yêu cầu VRG ban hành.

Những cây đầu hàng sẽ được đánh số

Trên cơ sở rà soát, kiểm tra và đánh giá thực trạng diện tích, chất lượng vườn cây hiện có, VRG chỉ đạo các Cty phân loại chất lượng vườn cây chăm sóc, định hình diện tích có khả năng khai thác ngay trong năm 2016 để ổn định phát triển trong thời gian tới.

Đến nay, đã có 4 Cty đưa một số diện tích cao su vào khai thác, gồm: Cty CP Cao su Sơn La (150 ha), Cty CP Cao su Lai Châu (71 ha), Cty CP Cao su Điện Biên (42,5 ha), Hà Giang (1 ha). Qua đánh giá ban đầu, vườn cây khai thác cho mủ khá tốt, năng suất đạt khoảng 0,6 tấn/ha trong năm khai thác đầu tiên và sẽ tăng lên trong các năm khai thác tiếp theo, chất lượng mủ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật.

Như vậy, đã có cơ sở để khẳng định, đến nay, cây cao su đã sinh trưởng được ở miền núi phía Bắc và chính thức cho mủ. Do đây chỉ mới là thời điểm mở cạo, năng suất vườn cây còn thấp, chưa có nhà máy chế biến thành phẩm, thị trường tiêu thụ đang không thuận lợi… nên bước đầu có thể đánh giá về những diện tích khai thác này đạt yêu cầu. Ngoài ra, cao su là cây công nghiệp dài ngày nên hiệu quả kinh tế phải tính trên cả chu kỳ và xem xét hiệu quả tổng hợp.

Theo chủ trương của VRG, kể từ năm 2013 đã giảm dần diện tích trồng mới hàng năm. Riêng khu vực Đông Bắc, mỗi tỉnh trồng không quá 2.000 ha cao su. Đặc biệt từ năm 2015, VRG kiên quyết dừng trồng mới cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc để tập trung củng cố nâng cao chất lượng vườn cây.

Rừng cao su bạt ngàn tại Nông trường Lùng Thàng (Sìn Hồ – Lai Châu)

Trong năm 2015, VRG đã thành lập Tổ thường trực của Ban chỉ đạo phát triển cao su tại các tỉnh miền núi phía Bắc. Tổ có nhiệm vụ thực hiện rà soát, đánh giá các hoạt động đầu tư, SX của Cty cao su khu vực này, đặc biệt là về diện tích và chất lượng vườn cây. Đồng thời rà soát, kiện toàn bộ máy tổ chức, công tác nhân sự theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Đến nay, 9 Cty cao su trực thuộc VRG tại miền núi phía Bắc đã giải quyết việc làm cho hơn 20.000 lao động, hầu hết là đồng bào dân tộc tại chỗ. Dù đang trong giai đoạn kiến thiết cơ bản, các Cty vẫn nỗ lực đảm bảo thu nhập với mức bình quân gần 3 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/cao-su-tay-bac-cay-da-muc-dich-mo-ra-nhieu-hy-vong-cho-dong-bao-dan-toc-post177546.html