Cao Nguyên Quyền ghi ngược dấu tích từ miền hoang hóa

Nhà thơ – Đại tá Cao Nguyên Quyền dường như bị 'buộc' vào thơ từ đầu năm 2018, khi ông đã chạm vào đáy thẳm nỗi cô đơn của một kiếp người. Ra mắt bạn đọc vào tháng 10-2021, 'Rêu sương Cẩm Thủy' là thi phẩm nhiều sáng tạo, mới lạ trên một phông nền truyền thống và bản sắc văn hóa Mường cộng với bản chất người lính Cụ Hồ... Cao Nguyên Quyền tuy mới làm thơ nhưng tâm hồn người lính già ấy giống như một dải ăng-ten bén nhạy đã thu phát mọi âm vọng cuộc đời, mọi ngõ ngách buồn vui của một kiếp đơn côi..., tạo ra những quy tắc nghệ thuật riêng cùng một phong cách ngôn ngữ thi ca độc lạ, nhiều ám gợi...!!!

Tập thơ “Rêu sương Cẩm Thủy” của tác giả Cao Nguyên Quyền.

“Rêu sương Cẩm Thủy” là một tư chất lạ, có sức hút dẫn người đọc về một vùng quê mà Cao Nguyên Quyền suốt đời gắn bó. Thơ của ông đã tìm được một cách nói thật riêng, kính trọng sự tự do tuyệt đối của cảm xúc, cảm nhận và suy tư về những giá trị nhân văn và những gì tốt đẹp của cõi người. Thơ Cao Nguyên Quyền một chút lạ về ngôn từ, một chút lạ về suy tưởng, có những “kỳ quái” về diễn đạt, câu từ, thi ảnh: “Miền cổ tích - em về/ bếp cóng lạnh đôi tay/ ta lệch nếp nhăn/ dày xéo” (Thắp cho ngày xa). Hoặc "Đồng bãi tuổi thơ/ Mối dây ngày buộc trâu nghé/ Củ khoai lang kỷ niệm/ Lum lem chiều...” (Gom nhặt đồng quê).

Nhà thơ Cao Nguyên Quyền đang thả mình vào không gian tự do của cảm xúc và tư tưởng, không buộc bó mình trong vần, trong sự nhịp nhàng của tiết tấu... Tuy nhiên, đọc kỹ vẫn thấy có tiết tấu bên trong của tâm hồn, có vần điệu được bắt vào nhau rất tinh vi. Những câu thơ cô đọng, vừa giản đơn vừa phức điệu, luôn gợi cho người đọc một điều gì đó về tâm trạng, về xúc cảm, có độ mở của sự liên tưởng và suy tư. Chẳng hạn “hình dáng như cán mai, cán thuổng” - một vùng quê khốn khó, nhà cửa lác đác, xác xơ... Tất cả những điều đó hiện ra sau lớp ngôn từ tưởng chừng như cằn mộc. Từ đó, hình ảnh thơ đánh thức một ngày xưa văn vắt và kỷ niệm trong veo của đứa trẻ xứ Mường chỉ biết chơi với núi, đùa với sông, lăn lóc với rêu xanh, mơ màng cùng sương trắng.

Trong thơ ông, hình tượng chiều cũng được luống gợi cùng sự mô tả của ngôn từ nghệ thuật khá mới lạ: “Lum lem chiều, loi doi, lềnh lâng” khiến người đọc hình dung ra buổi chiều ấy đẹp và mơ ảo đến thế nào. Vì vậy, việc sáng tạo, tìm mới theo cái bản thể thi sĩ luôn làm cho nhà thơ mở tạo được những từ ngữ, thi ảnh mới. Nhìn chung, thơ Cao Nguyên Quyền tưởng chừng vẫn đi theo những thi cảm quen thuộc, vẫn gắn chặt với đời thường bằng những sự vật, hiện tượng, núi, sông, cây cỏ, quê hương... Nhưng lại đầy gợi ám và mở ra nhiều chiều liên tưởng.

Ở “Rêu sương Cẩm Thủy”, có nhiều câu thơ rất ngắn, ba chữ, hai chữ, thậm chí một chữ. Tuy nhiên, cái sự ngắn này lại bắt nhịp và đồng điệu với nhịp tâm hồn tác giả. Điều này không bao giờ do kỹ thuật làm thơ đem lại, mà là do sự đột khởi của hồn thơ - điều mà nhiều nhà thơ lớn vẫn thường nói là do ma làm, thần linh mách bảo hoặc trời xui, đất khiến...: “Khi mặt trời mỏi ngày gác núi/ quầng sáng lắc lư trên đầu các mẹ/ Bắt đầu của những ngón tay/ rạch đêm/ cấy/ mùa!!!” (Đồng đêm). Dẫu vậy, điều lạ lùng là dòng xúc cảm, điệu tâm hồn của ông vẫn không bị gãy hẫng, luôn luôn tuôn chảy thành một dòng, có thể cồn nổi, có thể âm trầm mà vẫn hoàn toàn nhất quán.

Ta đã bắt gặp một không gian nghệ thuật rất riêng, một thế giới lạ lùng của ý thức và vô thức, một cái tôi thi sĩ ngỡ già mà rất trẻ, ngỡ trẻ mà rất đa đoan, khao khát: “Lềnh lềnh sương/ Vỡ dưới chân chiều/ Mõ lốc cốc/ Dắt hoàng hôn về bản/ Om om tiếng khèn/ Thơm eo đá/ Sương bệch bạc nguồn thơ/ Lật hồn quanh lũng núi...” (Sương núi).

Đọc “Rêu sương Cẩm Thủy”, những lát cắt của nỗi buồn như thể đã rơi thành nhiều mảnh nhỏ. Và, những mảnh nhỏ ấy bắn thẳng vào hồn tôi: “Bóng của tấm lưng cong nở một nụ cười/ tiếng cười là phẳng chiều cương/ chỉ còn từng đốm xanh ý nghĩ/ ngày mai/ ngày mai...!!!” (Mưu sinh). Dường như tất cả những mảnh vỡ ấy đã nối dài thành một sợi dây hàm chứa những nút thắt với khoảng cách không đồng đều... Đấy là điều kỳ quái mà tôi rất ít gặp ở những tập thơ khác. Có lẽ, từ khi tôi yêu thơ và say đọc thơ đến bây giờ, tôi mới thấy có vài tập thơ như thế...? Điều kỳ diệu là Cao Nguyên Quyền có nỗi đau không nhỏ: “Kim hoen góa vá bấy lâu/ chỉ vương tay rối/ Se nhàu lóng đêm/ Sứt tà treo móc lặng yên/ So le chùng vạt vắt lên tháng ngày” (Áo mồ côi)... Thì ra, sự buồn của một phận người gắn chặt với những gì cụ thể, bình dị, thân thương nhất và cả những khát vọng, ước mơ và lối sống của một kiếp thi nhân...

Lẫn lạc giữa “Mênh mông căn nhà/ âm u điều tịch mịch/ khuya khoắt mài lõi buồn trăn trở/ từng ren, từng ren xoáy kín chỏm trời/ Miền cổ tích - em về/ bếp cóng lạnh đôi tay/ ta lệch nếp nhăn/ dày xéo” (Thắp cho ngày xa). Từng hơi thở, nhịp đập đâu ai nghe được, chắc có lẽ chỉ có mình em - người đã xa rời thế nhân này hiểu được mà thôi. Sự cô trầm những ngày mưa gió, cái rạc buồn trong tiếng côn trùng khuya khoắt, cái trống trơn vô nghĩa của một kiếp đời dư... đã giằng xé và phủ nhận nhau trên những dòng thơ ân tình và thắt nghẹn của Cao Nguyên Quyền. Thơ Cao Nguyên Quyền đã phất nghĩ ra ngoài vùng giá lạnh để ấm áp lòng mình và cả lòng người đọc nữa: “Rợn lòng trên những đường tay/ Cỏ gai nhằng nhịt chẳng hay được mình” (Lục bát ngày mưa); “Anh thương em lời nói thật/ về làm vợ không/ em hãy nói để anh được yên lòng” (Mùa pồn pôông tiếng cồng giục gọi). Tôi nghe nhịp tâm hồn ở thơ Cao Nguyên Quyền thường được thể hiện ở hai hình tượng rất chủ quan, đó là “vợ” và “sự cô độc”. Nó góp phần quan trọng tạo nên một “bản thể” lạ, để rồi ông được thơ chọn như nhà thơ Võ Sa Hà đã nhận định trong lời mở của tập thơ: “Nỗi đau mất người bạn đời yêu quý và sự cô đơn trong chính ngôi nhà của mình tưởng chừng sẽ khiến anh gục ngã...? Nhưng không! Thơ đã kéo anh đứng dậy, làm hồi sinh cái BẢN THỂ THI SĨ ở trong anh!!!”.

Ngay từ nhan đề tập thơ đã thấy sự thôi thúc không hề nhỏ khiến ông viết về Cẩm Thủy. Tên tập thơ là Rêu và Sương mang thương hiệu Cẩm Thủy..., khiến người đọc phải ngẫm nghĩ... Cẩm Thủy là gì? Cẩm Thủy ở đâu? Rêu sương Cẩm Thủy là thế nào? Tại sao tên tập thơ lại có một thứ ở tận đáy đất gắn kết với một thứ ở tận đỉnh giời? Đúng như những vần thơ: “Lum hum hốc tối/ lôộc khôộc - lạc khạc/ bầy trâu đi ngập ngõ/ đỉnh Làn Ai (*) bồi hồi/ Păng Póp (**) liệng bay/ Ới à Ờm ơi!/ Ới ơi Ờm hỡi!/ Cái vía nàng khôn/ Cái vong nàng kheo/ Linh thiêng tỉnh lại!/ Ới ơi Ờm à!/ Ới à Ờm ơi!/ về thôi, về thôi/...” (Về thôi nàng Ờm).

Cao Nguyên Quyền được sống và yêu ở quê mình: Hai xã Cẩm Giang cộng Cẩm Tú – Cẩm Thủy – Thanh Hóa. Nơi đây - một vùng bán sơn địa đậm chất văn hóa Mường với kho tàng văn nghệ dân gian đặc sắc. Từ thuở bé thơ, chú bé Cao Nguyên Quyền đã được nuôi dưỡng trong các bài mo, những câu tục ngữ, thành ngữ Mường, những bài hát ru em, những trường ca dân gian,... và cả biết bao lễ hội Mường tuyệt vời: Lễ pồn pôông; mừng cơm mới; trao duyên... Bởi vậy, ông đã đưa những giá trị văn hóa ấy vào thi ca Việt một cách nhuần nhị và gợi ám: “Một vùng bán sơn địa/ loi doi mấy chục nếp sàn/ nghèo đói nên gọi: Làng Gầm/ hình dáng như cán mai, cán thuổng/ Xiên chen dãy núi, dòng sông/... Câu xường đổ ướt tuổi thơ/ chúng tôi lớn lên áo manh quần vá/ tuổi chớm yêu! Hũm nước làm gương” (Ký ức làng tôi).

Cao Nguyên Quyền bị ám ảnh từ nền văn hóa cổ xưa và bền vững của dân tộc mình. Khi ông làm thơ, tất cả những thành tố văn hóa đó đã hồi sinh, thức dậy cồn cào và mãnh liệt. Đó chính là điều khiến cho thơ ông luôn gợi tìm cho độc giả những điều tưởng chừng đã khuất lấp với thời gian. Hơn nữa khi đọc thơ ông, từ thị giác, khứu giác, vị giác, hay thính giác và cả xúc giác đều được kích ứng. Chúng ta có thể cảm nhận từ hình tượng đa chiều Mẹ quê: “Mẹ quây bao hạt ngọc/ Cùng giọt mỏi mặn cay/ Thêm này! Hương của đất/ Thành xanh trời ngất ngây (Bánh chưng của Mẹ); Mo cơm gói lẫn ôi thiu/ Đường xa bữa tạm liêu xiêu tháng cùng...!!!/ Rũ chiều tạc dáng mẹ cong/ bao nhiêu tượng võng vào trong tủi hờn” (Mơ trưa).

Nhiều khi ông đứng ở mảnh đất nhà mình mà trở trăn, day dứt trước nỗi bi thảm của dịch bệnh COVID-19: “Ôi núi mòn hơi thở/ Ôi hồn người trên lưng/ Ôi sông buồn thế kỉ/ Tàn tích hòa lâng khâng...” (Lửa đen).

Hình tượng, biểu tượng và dòng tâm cảm của Cao Nguyên Quyền đã nhập hòa với những gì thẳm sâu và bền vững của bản Mường, tộc người mình mà vẫn đậm chất văn hóa Việt trong sự hội nhập tuyệt vời của 54 dân tộc trên mảnh đất Việt Nam này. “Rêu sương Cẩm Thủy” mới chỉ in có 45 bài theo chủ đề Rêu và Sương của xứ Mường Cẩm Thủy. Đó là ẩn ức, trăn trở về quê hương, phận người dựa trên cách thể hiện ngôn từ riêng khác.

Bài và ảnh: Nguyên Như

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/van-hoa-giai-tri/cao-nguyen-quyen-ghi-nguoc-dau-tich-tu-mien-hoang-hoa/164377.htm