Cao huyết áp đột ngột: Dấu hiệu, nguyên nhân, nguy cơ và cách xử trí khẩn cấp

Cao huyết áp đột ngột gây nhiều ảnh hướng xấu đến cơ thể người bệnh, nhất là khi tình trạng này xảy ra liên tục.

NỘI DUNG::

1. Cao huyết áp đột ngột là gì?
2. Cao huyết áp đột ngột có nguy hiểm không?
3. Triệu chứng của cơn cao huyết áp đột ngột
4. Nguyên nhân gây cao huyết áp đột ngột
4.1. Sử dụng một số loại thuốc gây tăng huyết áp
4.2. Uống rượu, hút thuốc lá
4.3. Chế độ dinh dưỡng
5. Nên làm gì khi bị cao huyết áp đột ngột?
6. Phòng tránh cơn cao huyết áp đột ngột
6.1. Hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê
6.2. Không nên ăn quá mặn
6.3. Giảm bớt cholesterol xấu và chất béo bão hòa
6.3. Thường xuyên tập thể dục

Huyết áp là một trong những thông số thể hiện tình trạng sức khỏe, khi chỉ số này tăng cao so với mức bình thường được gọi là cao huyết áp. Tình trạng cao huyết áp đột ngột không chỉ gây ảnh hưởng xấu cho cơ thể mà còn là nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.

Do đó, người bệnh cao huyết áp cần tìm hiểu rõ mọi thứ về tình trạng cao huyết áp đột ngột để có phương án xử trí nhanh chóng và đúng cách nếu gặp phải.

1. Cao huyết áp đột ngột là gì?

Ở người trưởng thành có sức khỏe bình thường, huyết áp thường ở mức 120/80mmHg. Một người được xác định mắc cao huyết áp là lúc chỉ số huyết áp tâm thu tăng lên từ 140/80mmHg hoặc chỉ số huyết áp tâm trương tăng từ 90mmHg trở lên.

Và khi các chỉ số huyết áp bất thương tăng cao, có khi tăng trên 200mmHg thì được chẩn đoán là tình trạng cao huyết áp đột ngột.

Khi huyết áp tăng trên 200mmHg thì được chẩn đoán là tình trạng cao huyết áp đột ngột - Ảnh: Internet

Khi huyết áp tăng trên 200mmHg thì được chẩn đoán là tình trạng cao huyết áp đột ngột - Ảnh: Internet

2. Cao huyết áp đột ngột có nguy hiểm không?

Huyết áp được hình thành từ lực co bóp của tim với sức cản của mạch máu. Huyết áp không phải là một chỉ số cố định mà thường thay đổi theo hoạt động của cơ thể, theo tình trạng sức khỏe ngay lúc đo.

Chỉ cần một số hoạt động nhỏ hay chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng cũng có thể khiến huyết áp tăng cao. Thế nhưng, cơ thể luôn hoạt động với nhiều cơ chế để giúp điều tiết huyết áp về mức bình thường.

Tình trạng cao huyết áp đột ngột được xác định khi huyết áp tăng cao và liên tục, lúc này áp lực dòng máu trong lòng mạch máu sẽ tăng lên quá lớn; dễ gây ra các biến chứng về tim mạch. Đáng sợ hơn, cao huyết áp đột ngột có thể gây ra tình trạng vỡ mạch máu; nếu mạch máu não bị vỡ sẽ gây ra việc xuất huyết nào.

Bệnh nhân bị xuất huyết não do cao huyết áp đột ngột gây vỡ mạch máu não thường bị yếu người, liệt, nói năng lú lẫn, hôn mê hoặc tỉnh thì khó khăn trong việc nói.

Đối với một số người bệnh có tiền sử tình trạng phình bóc tách động mạch chủ, khi bị áp lực máu lớn sẽ dễ bị vỡ gây tử vong. Cao huyết áp đột ngột cũng có thể gây bong tróc một số các mảng xơ vữa động mạch, làm nghẽn mạch máu gây nhồi máu cơ tim và nhồi máu não. Ngoài ra, huyết áp tăng đột ngột cũng có thể gây suy tim cấp, chảy máu mũi, suy thận cấp, phù phổi…

Hầu hết người bệnh đến bệnh viện khi bị cao huyết áp đột ngột đều đã bị tổn thương đến các cơ quan đích - Ảnh: technocodex

3. Triệu chứng của cơn cao huyết áp đột ngột

Theo các bác sĩ cấp cứu, hầu hết người bệnh đến bệnh viện khi bị cao huyết áp đột ngột đều đã bị tổn thương đến các cơ quan đích. Cụ thể, người bệnh thường đến bệnh viện cấp cứu khi bỗng dưng thấy cơ thể yếu hơn, bán thân bất toại, miệng méo, khó thở, mất thị lực, đau ngực, chảy máu mũi, người lơ mơ và lú lẫn.

Thường các trường hợp đã tổn thương cơ quan địch sẽ khó khôi phục lại như thường dù đã kiểm soát được chỉ số huyết áp về mức bình thường.

Ở một số người bệnh nhận biết nhạy cảm hơn, họ có thể nhận biết được dấu hiệu cao huyết áp đột ngột như: đau gáy, đau đầu, chóng mặt, cứng cổ, nôn ói, buồn nôn hoặc cảm giác lo lắng, bứt rứt khó chịu. Lúc này, người bệnh nên tìm chỗ mát mẻ để ngồi và kiểm tra huyết áp ngay lập tức.

4. Nguyên nhân gây cao huyết áp đột ngột

Huyết áp là chỉ số thường xuyên có sự thay đổi tùy vào cảm xúc, sức khỏe và hoạt động co bóp của tim. Do đó, việc cao huyết áp đột ngột xảy ra có khá nhiều nguyên nhân gây nên.

4.1. Sử dụng một số loại thuốc gây tăng huyết áp

Có khá nhiều loại thuốc điều trị chứng bệnh khác vô tình khiến huyết áp của bạn bị tăng cao bất ngờ, chẳng hạn như NSAIDs có trong aspirin hoặc iburofen. Ngoài ra, việc tự ý kết hợp các loại thuốc cũng gây ra hiện tượng phản ứng, gây tăng huyết áp. Do đó, bất cứ loại thuốc nào khi sử dụng cần được tư vấn của bác sĩ, nhất là đối với người bị cao huyết áp.

Tìm hiểu thêm về nguyên nhân gây tăng huyết áp đột ngột ngay cả khi dùng thuốc qua bài viết: 4 nguyên nhân khiến huyết áp tăng đột ngột ngay cả khi bạn đang dùng thuốc.

Có khá nhiều loại thuốc điều trị chứng bệnh khác vô tình khiến huyết áp của bạn bị tăng cao bất ngờ - Ảnh: narayanahealth

4.2. Uống rượu, hút thuốc lá

Nhiều nghiên cứu cho thấy, khói thuốc lá có chứa trên 7000 chất độc khác nhau. Điển hình là nicotine có khả năng gây tổn thương các mao mạch, dẫn đến tình trạng mạch máu bị giảm đi tính đàn hồi vốn có; điều này khiến mạch máu khó thích nghi được với sự thay đổi của huyết áp.

4.3. Chế độ dinh dưỡng

Một chế độ ăn uống hợp lý và lành mạnh vô cùng quan trọng với bệnh nhân cao huyết áp. Những thói quen xấu trong việc ăn uống, chẳng hạn như ăn các thức ăn chứa nhiều chất béo bão hòa, ăn nhiều muối; có thể là nguyên nhân gây nên tình trạng cao huyết áp đột ngột.

5. Nên làm gì khi bị cao huyết áp đột ngột?

Việc đầu tiên khi bị cao huyết áp đột ngột chính là phải hết sức bình tĩnh, đặt người bệnh nằm nghỉ hoặc nghỉ ngơi ở nơi mát mẻ. Nếu tình trạng cao huyết áp đột ngột diễn ra khi bạn đang di chuyển ngoài đường hoặc làm việc ngoài trời, hãy nhanh chóng di chuyển đến nơi có bóng mát để ngồi nghỉ.

Tốt nhất, nên cho người bệnh ngồi nghỉ ở nơi tránh được tiếng ồn hoặc nhiệt độ nắng nóng. Nên thực hiện cởi bỏ bớt quần áo để bệnh nhân được thoải mái nhất, sau đó ngay lập tức đo huyết áp để xác định tình trạng.

Nếu huyết áp tăng cao trên 160mmHg, hãy cho bệnh nhân uống thuốc hạ huyết áp có sẵn (thuốc được bác sĩ kê đơn trước đó). Đây là biện pháp giúp hạ huyết áp nhanh chóng nhất, các loại thuốc này thường có dạng thuốc nhỏ giọt hoặc viên ngậm.

Trong thời gian chờ thuốc có tác dụng, người bệnh nên tuyệt đối tránh đi lại, hãy nằm nghỉ ngơi tuyệt đối và nhờ người thân đo huyết áp lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau đó, nếu huyết áp vẫn không hạ, hãy đến bệnh viện ngay lập tức để được bác sĩ chăm sóc y tế toàn diện.

Ngoài ra, đối với người bệnh bị cao huyết áp đột ngột cùng lúc với việc xuất hiện các dấu hiệu như đau tức ngực, giảm thị lực, người yếu liệt, máu mũi chảy, hôn mê hoặc lừ đừ thì nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện để cấp cứu nhanh chóng.

Đọc thêm kiến thức để Xử trí khi bị cao huyết áp đột ngột như thế nào? Cần lưu ý gì? để không gây nguy hiểm cho người bệnh.

6. Phòng tránh cơn cao huyết áp đột ngột

Việc phòng tránh cao huyết áp đột ngột sẽ đơn giản nếu bạn có thể tuân thủ theo hướng dẫn sử dụng thuốc của bác sĩ cùng với việc thực hiện một số điều dưới đây:

6.1. Hạn chế rượu, thuốc lá, cà phê

Bị cao huyết áp không có nghĩa là bạn phải kiêng hoàn toàn rượu, cà phê nhưng liều lượng nên thích hợp để tránh cơn cao huyết áp đột ngột xảy ra. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về liều lượng cồn và caffeine cho phép. Ngoài ra, bạn nên bỏ thuốc lá sớm để cải thiện được tình trạng cao huyết áp.

Để đề phòng cơn cao huyết áp đột ngột, người bệnh nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống - Ảnh: nutritionreview

6.2. Không nên ăn quá mặn

Ăn nhiều muối là một trong những nguyên nhân gây nên bệnh cao huyết áp. Do đó, để đề phòng cơn cao huyết áp đột ngột, người bệnh nên giảm lượng muối trong chế độ ăn uống. Bạn có thể nghiên cứu các loại gia vị khác thay thế cho muối để món ăn được ngon hơn và vẫn đảm bảo chỉ số huyết áp không bị ảnh hưởng.

6.3. Giảm bớt cholesterol xấu và chất béo bão hòa

Các loại thức ăn nhanh, đồ ăn vặt hay đồ chiên rán được xem là thực phẩm vô cùng xấu đối với người mắc bệnh cao huyết áp. Do đó, nên hạn chế tối đa các loại thực phẩm này để phòng ngừa huyết áp tăng cao đột ngột. Thay vào đó, nên bổ sung vào chế độ dinh dưỡng nhiều loại rau quả và chất béo không bão hòa.

6.4. Thường xuyên tập thể dục

Tập thể dục thể thao vô cùng có lợi cho sức khỏe nói chung và sức khỏe tim mạch nói riêng. Việc luyện tập sẽ giúp người bệnh đốt cháy được chất béo dư thừa và giúp cơ thể dẻo dai hơn. Do đó, bạn nên tham khảo bác sĩ về môn thể thao hoặc các bài tập tốt cho người cao huyết áp.

Tiểu Quyên

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/cao-huyet-ap-dot-ngot-dau-hieu-nguyen-nhan-nguy-co-va-cach-xu-tri-khan-cap-41202112372426321.htm