Cao điểm bảo vệ an toàn lưới điện

Mùa hè cùng với thời tiết nắng nóng nguy cơ cháy nổ cao, áp lực cung cấp điện lớn, cũng là khi học sinh được nghỉ học với nhiều trò chơi có thể gây mất an toàn lưới điện. Vì vậy, đây cũng là mùa cao điểm bảo vệ an toàn hành lang lưới điện với lực lượng 'lính' truyền tải cả nước.

Ảnh minh họa.

Nắng nóng kỷ lục, nhu cầu điện tăng cao nhất lịch sử

Với nhận định tháng 6 là tháng cao điểm mùa khô, EVN dự kiến sản lượng điện bình quân toàn hệ thống trong tháng 6/2017 dự kiến ở mức 578 triệu kWh/ngày, công suất phụ tải lớn nhất khoảng 31.700 MW. Mục tiêu vận hành là đảm bảo vận hành an toàn, tin cậy lưới điện truyền tải, đặc biệt là hệ thống 500kV Bắc - Nam trong điều kiện duy trì truyền tải cao liên tục trong mùa khô.

Ngay từ đầu tháng 6 (từ ngày 01 đến 05/6) ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Phú Yên đã xảy ra nắng nóng gay gắt và đặc biệt gay gắt trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất phổ biến 37-40 độ, một số nơi ở Bắc Bộ nhiệt độ cao vượt mức lịch sử (39,5 - 42,5 độ), thời gian có nhiệt độ trên 35 độ từ 10-18 giờ trong ngày. Điều này đã dẫn đến nhu cầu tiêu thụ điện toàn quốc tăng cao kỷ lục vào ngày 2/6/2017 với công suất đỉnh của hệ thống điện đạt 30.182 MW và sản lượng điện tiêu thụ đạt 629 triệu kWh, tạo áp lực cung cấp điện lớn cả về nguồn và lưới điện.

Để đảm bảo vận hành an toàn hệ thống lưới điện truyền tải trên địa bàn, Truyền tải điện Đà Nẵng (thuộc Công ty Truyền tải điện 2) thường xuyên mở các đợt tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tổ chức dán poster tại UBND xã, trường học, chợ; sử dụng xe lưu động gắn băng rôn, biểu ngữ diễu hành qua các thôn bản, xã có đường dây truyền tải điện chạy qua; phát tờ rơi tuyên truyền vận động, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân trong phạm vi có lưới điện truyền tải tham gia chung tay bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp…

Từ trước thềm bế giảng năm học 2016 - 2017 tại các trường tiểu học, Truyền tải điện Đà Nẵng đã phối hợp với Quận đoàn Cẩm Lệ (TP. Đà Nẵng), UBND các phường, các trường tiểu học tổ chức chiếu phim hoạt hình tuyên truyền bảo vệ hành lang an toàn lưới điện và cấp phát tờ rơi truyên truyền đến các các em học sinh, thầy cô và phụ huynh.

Hiện nay, Truyền tải điện Đà Nẵng đang quản lý vận hành 04 đoạn ĐZ 500 kV dài 125,7 km, 05 đoạn ĐZ 220 kV dài 246,9 km, 02 đoạn ĐZ 110 kV dài 6,9 km; 01 TBA 500 kV Đà Nẵng công suất 1.400 MVA, 02 TBA 220 kV Hòa Khánh và Ngũ Hành Sơn công suất 778 MVA trên địa bàn TP. Đà Nẵng và các huyện Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên - tỉnh Quảng Nam.

Đây là khu vực có thời tiết khắc nghiệt thường xuyên xảy ra nắng nóng kéo dài có khả năng gây cháy rừng vào mùa hè và mưa bão, lũ lụt gây sạt lở vào mùa mưa… Bên cạnh đó, việc đô thị hóa phát triển rộng khu vực ngoại ô thành phố; khai thác đất trái phép gần chân móng cột đường dây điện; người dân trồng các loại cây phát triển nhanh, có lợi về kinh tế như bạch đàn, keo... ngoài hành lang tuyến, có nguy cơ ngã đỗ vào đường dây; đến mùa thu hoạch, khai thác tại những khu vực này thường xuyên có phương tiện qua lại dưới đường dây và sau khi khai thác người dân tự ý đốt thực bì gần đường dây dễ gây cháy rừng ảnh hưởng đến vận hành an toàn của đường dây cao áp.

Do đó, nhằm bảo vệ an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia, trong thời gian qua, Truyền tải điện Đà Nẵng đã tăng cường công tác quản lý kỹ thuật, kiểm tra tuyến, sửa chữa hệ thống lưới điện để đảm bảo vận hành liên tục, đồng thời đẩy manh tuyên truyền toàn dân tích cực tham gia bảo vệ hành lang an toàn lưới điện.

Tại thành phố Sơn La, Truyền tải điện Tây Bắc 2 (thuộc Công ty Truyền tải điện 1) phối hợp với Công ty Điện lực Sơn La và Chi nhánh lưới điện Cao thế Sơn La vừa tổ chức hội nghị phối hợp phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT & TKCN) đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh, đồng thời ký Quy chế phối hợp đảm bảo vận hành an toàn lưới điện trên địa bàn tỉnh Sơn La giữa 3 đơn vị.

Nội dung Quy chế nêu rõ, các đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch và biện pháp triển khai công tác phối hợp PCTT & TKCN; chủ động phối hợp với chính quyền, công an địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền bảo vệ hành lang lưới điện; đảm bảo thông tin liên lạc, đảm bảo sự phối hợp điều hành trong công tác quản lý vận hành trong mùa mưa lũ; hỗ trợ kịp thời về phương tiện, công cụ, dụng cụ, vật tư và nhân lực khi có đề xuất của các bên để giúp đỡ hỗ trợ xử lý sự cố và ứng phó kịp thời để phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.

Thợ điện kiêm tuyên truyền viên

Truyền tải điện Phú Yên (thuộc Công ty Truyền tải điện 3) cũng vừa phối hợp với Xã đoàn Suối Bạc, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên tổ chức đợt ra quân tuyên truyền bảo vệ lưới điện truyền tải trên địa bàn xã Suối Bạc và các xã lân cận có đường dây truyền tải điện đi qua khu vực.

Tại các địa phương miền núi như huyện Sơn Hòa, vẫn còn tình trạng người dân trồng cây cao, để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không; vẫn còn hiện tượng thả diều, vật bay gần lưới điện cao áp, đốt rẫy gần đường dây gây sự cố mất điện, hư hỏng đường dây…

Trong đợt tuyên truyền vừa qua, Chi đoàn Truyền tải điện Phú Yên đã phát 1.000 tờ rơi đến tận tay bà con nhân dân sinh sống trên địa bàn xã Suối Bạc và các xã lân cận thuộc huyện Sơn Hòa. Các đoàn viên trong Chi đoàn được dịp tiếp xúc, giải thích cặn kẽ những việc làm có thể gây sự cố cho lưới điện mà do thiếu kiến thức bà con đã mắc phải, như: đốt rẫy, mía, lá mía dưới hoặc gần hành lang đường dây hay trồng cây cao chưa đảm bảo khoảng cách an toàn là 6m...

Cũng trong chương trình, các đoàn viên Chi đoàn Truyền tải điện Phú Yên còn sửa chữa điện sinh hoạt cho Nhà Rông văn hóa thôn Tân Lập (xã Suối Bạc) và 9 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn dọc tuyến đường dây truyền tải đi qua.

Ông Huỳnh Huệ, một người dân xã Suối Bạc tham gia chương trình tâm sự: “Nội dung tuyên truyền về vấn đề bảo vệ lưới điện thường khô cứng, nhưng qua cách thể hiện của các bạn, bằng các hình thức nghệ thuật như kịch, hát, múa… dễ nghe, dễ nhìn nên thu hút đông đảo khán giả đến xem, mang lại hiệu quả tuyên truyền cao. Đơn vị tổ chức đã rất công phu trong việc tạo ra một đêm văn nghệ tuyên truyền đi vào lòng người về ý thức giữ gìn lưới điện quốc gia”.

Phụ tải điện khu vực phía Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng cao, dự kiến năm 2017 sẽ tăng khoảng 12,78% so với năm 2016. Hệ thống truyền tải điện Bắc - Nam tiếp tục giữ vai trò quan trọng, đảm bảo tiếp nhận khoảng 20 tỷ kWh điện từ miền Bắc và miền Trung vào cung ứng cho khu vực miền Nam. Vì vậy, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) yêu cầu các đơn vị bằng mọi giá phải đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt hệ thống đường dây 500 kV Bắc - Nam và hệ thống đường dây 220 kV đấu nối với các nhà máy điện cũng như lưới điện liên kết các khu vực, bởi chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng sẽ gây ra những hậu quả không lường. Một trong những giải pháp quan trọng trong việc đảm bảo an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia chính là nâng cao ý thức của người dân trong công tác bảo vệ an toàn hành lang lưới điện.

Trộm cắp, phá hoại lưới truyền tải điện quốc gia là hành vi phá hoại các công trình quan trọng an ninh quốc gia; ngoài việc bị xử lý hành chính còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật. Nghị định số 14 NĐ/CP của Chính phủ (ban hành năm 2014) cũng đã quy định rõ 14 hành vi bị nghiêm cấm nhằm bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. Tuy nhiên, các hành vi này vẫn diễn ra cho dù ngành Điện luôn quan tâm, chú trọng tuyên truyền và cảnh báo tới cộng đồng bằng nhiều hình thức.

BẢO NGỌC

Nguồn BizLIVE: http://bizlive.vn/thuong-truong/cao-diem-bao-ve-an-toan-luoi-dien-2908785.html