Cáo buộc làm thiệt hại 505 tỷ đồng:Trầm Bê sắp hầu tòa

Bị cáo buộc cho vay trái luật, thiệt hại hơn 505 tỷ đồng, ông Trầm Bê và nhiều người sắp phải hầu tòa.

Ông Trầm Bê (61 tuổi, nguyên Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Phương Nam);
Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam, đã sáp nhập vào Sacombank) cùng 9 người khác bị TAND TP HCM đưa ra xét xử về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng, khung hình phạt 10-20 năm tù.

Trước đó, cơ quan tố tụng xác định hành vi của ông Bê và cấp dưới phạm tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng có khung hình phạt từ 12-20 năm tù, nhưng sau đó VKS chuyển tội danh, áp dụng các quy định có lợi cho bị cáo theo Nghị quyết của Quốc hội.

Có vai trò chủ mưu cầm đầu trong vụ án, Dương Thanh Cường (nguyên Tổng giám đốc Công ty CPXD TM Bình Phát) bị truy tố tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Gần 20 luật sư sẽ bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi ích cho bị hại trong vụ án.

Phiên tòa do thẩm phán Nguyễn Thị Hà (Phó chánh tòa Hình sự) làm chủ tọa. HĐXX còn có thẩm phán Trần Minh Châu và 3 hội thẩm nhân dân. Ba kiểm sát viên đại diện VKSND TP HCM tham gia phiên tòa gồm bà Đoàn Thị Xuân Mai, ông Trương Bảo Ngọc và Võ Đức Trí.

Hiện, ông Bê thi hành bản án 4 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng vì giúp sức cho Phạm Công Danh gây thiệt hại cho VNCB khoảng 1.800 tỷ đồng.

Trầm Bê (trái) và Phan Huy Khang

Trầm Bê (trái) và Phan Huy Khang

Theo cáo trạng, sai phạm của 10 bị cáo đã khiến ngân hàng thất thoát hơn 505 tỉ đồng. Cụ thể, 2 doanh nghiệp gồm: Công ty CP Xây dựng và Thương mại Bình Phát (gọi tắt là Công ty Bình Phát) và Công ty TNHH Sản xuất - Xây dựng và Thương mại Thanh Phát (gọi tắt là Công ty Thanh Phát) đều do Dương Thanh Cường thành lập và trực tiếp điều hành. Tháng 10/2007, Cường lấy danh nghĩa Công ty Thanh Phát mua 10,5 ha đất nông nghiệp (thuộc 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất - GCNQSDĐ) tại xã Phong Phú (huyện Bình Chánh, TP HCM) với ý định đầu tư dự án.

Đến năm 2008, Ban Quản lý khu Nam TP HCM không chấp thuận việc Cường xây dựng dự án vì khu đất 10,5 ha nằm trong khu quy hoạch. Lúc này, Cường mang 23 GCNQSDĐ đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Chi nhánh 6 (Agribank CN 6) thế chấp vay 628 tỉ đồng.

Dù biết rõ thông tin quy hoạch, khu đất trên đã có quyết định thu hồi nhưng Dương Thanh Cường tiếp tục nại ra lý do hòng mượn lại 23 GCNQSDĐ và các hợp đồng chuyển nhượng từ Agribank CN 6. "Xin mượn toàn bộ 23 GCNQSDĐ để trình UBND TP HCM phê duyệt dự án, thời gian mượn là 30 ngày" - đó là lý do Cường "vẽ" ra. Kết quả, Agribank CN 6 đồng ý giao lại 23 GCNQSDĐ cùng hợp đồng chuyển nhượng.

Từ tháng 4 đến tháng 6/2009, Cường dùng 23 GCNQSDĐ làm tài sản bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Phương Nam. Thông qua 3 hợp đồng tín dụng, Cường vay trót lọt hơn 185 tỉ đồng dù hồ sơ tín dụng toàn những thông tin gian dối về tình hình tài chính, khả năng trả nợ cũng như thực trạng pháp lý của 23 tài sản bảo đảm.

Ba hợp đồng vay vốn sai luật trầm trọng nói trên có thể qua nhiều cửa thẩm định, phê duyệt phải kể đến sự hậu thuẫn từ lãnh đạo Ngân hàng TMCP Phương Nam thời điểm đó, cụ thể là ông Trầm Bê.

Đầu tháng 4/2008, Dương Thanh Cường đến gặp ông Trầm Bê (khi đó là Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Nam), mang theo bản sao 23 GCNQSDĐ. Hai bên thống nhất việc vay vốn với tài sản bảo đảm là giấy tờ 10,5 ha đất nông nghiệp ở xã Phong Phú. Ông Trầm Bê đồng ý việc Cường vay tiền với điều kiện hồ sơ tín dụng đầy đủ giấy tờ, có tài sản thế chấp. Sau đó, ông Trầm Bê giao sở giao dịch thẩm định hồ sơ vay vốn.

Làm việc với cơ quan điều tra, Trầm Viết Trung (nguyên Giám đốc Trung tâm Xét duyệt tín dụng, Ủy viên thường trực Hội đồng tín dụng Ngân hàng Phương Nam) cho biết, vì áp lực và bất đồng quan điểm với cấp trên nên đã xin nghỉ việc sau khi duyệt hợp đồng tín dụng lần một. Tuy nhiên, VKSND Tối cao hoàn trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung xem xét trách nhiệm của ông. Hồi tháng 2, cơ quan điều tra khởi tố bổ sung bị can Trung.

Theo VKS, hành vi của Trầm Bê, Trầm Viết Trung và các đồng phạm ký duyệt hồ sơ giải ngân cho công ty của Cường vay trước khi công chứng và đăng ký giao dịch bảo đảm, trong khi hồ sơ của doanh nghiệp không đủ điều kiện đã vi phạm quy chế cho vay của Ngân hàng Nhà nước, gây thiệt hại cho Ngân hàng Phương Nam tính đến thời điểm hiện nay là hơn 505 tỷ đồng.

Ông Bê thừa nhận khi làm việc với cơ quan điều tra mới biết hành vi của mình là sai phạm. Ông không biết các tài sản này đã được Cường thế chấp cho ngân hàng khác. Lúc cho vay chỉ nghĩ khách hàng có tài sản đủ đảm bảo cho khoản vay, nên ông đã ký duyệt dù 23 giấy chứng nhận QSDĐ vẫn là đất nông nghiệp, chưa công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm...

Ông cũng thừa nhận việc cho công ty của Cường vay không đúng quy định, chủ yếu do mình cùng Phan Huy Khang (nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Nam) và Nguyễn Thị Xuân Trang bàn bạc và quyết định. Các nhân viên khác chỉ làm theo chỉ đạo.

Thu Trang (Tổng hợp)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/phap-luat/phap-dinh/cao-buoc-lam-thiet-hai-505-ty-dongtram-be-sap-hau-toa-3414770/