Cao Bằng và Cà Mau bàn việc làm đường cao tốc

Cao Bằng và Cà Mau - hai tỉnh địa đầu đất nước vừa có cuộc gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm đầu tư phát triển đường cao tốc theo hình thức PPP.

Khởi công cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh đầu tháng 10/2020

Ngày 21/8/2020, trước cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo hai tỉnh Cao Bằng và Cà Mau ít giờ đồng hồ, Ban chỉ đạo Dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh đã tổ chức cuộc họp lần thứ 9, ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, Trưởng ban chỉ đạo dự án đường cao tốc này mở đầu: “Hôm nay, chúng ta chỉ bàn tiến, không bàn lùi”.

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ kết nối với cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng.

Tinh thần “chỉ bàn tiến” không phải bây giờ mới được nêu ra mà từ khi dự án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư thì tinh thần ấy đã trở thành phương châm hành động và xuyên suốt ở những cuộc họp trước của Ban chỉ đạo dự án. “Bởi, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng từ lâu của người dân, của nhiều khóa lãnh đạo Cao Bằng”, ông Lại Xuân Môn khẳng định.

Nhìn vào thực tế, mạng lưới giao thông liên kết với Cao Bằng chỉ có 2 tuyến, Quốc lộ 3 và Quốc lộ 4A.Vì thế, tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh sẽ kết nối Cao Bằng nhằm đảm bảo quốc phòng, an ninh vừa gỡ nút thắt cho việc phát triển kinh tế - xã hội cho tỉnh.

“Tuy đã cấp “giấy khai sinh” nhưng một dự án với tổng vốn đầu tư hơn 20.000 tỷ đồng ở một địa phương nghèo như Cao Bằng thì việc thực hiện hoàn thành dự án với địa hình chia cắt, đồi núi chập chùng cũng cho thấy muôn vàn khó khăn phía trước”.

Cao Bằng kiên trì 2 năm qua, có những lúc nản lòng, có những lúc tưởng như thất bại. Nhưng với khát vọng, quyết tâm đúng với truyền thống quê hương cách mạng, nhờ vậy, công trình đã có bước chạy đà quan trọng, khi ngày 10/8/2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án”, ông Lại Xuân Môn chia sẻ.

Để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư dự án, UBND tỉnh Cao Bằng và Tập đoàn Đèo Cả - doanh nghiệp đề xuất đầu tư dự án đã có biên bản làm việc để chủ động triển khai ngay việc khảo sát địa hình, khảo sát địa chất công trình, khảo sát địa vật lý và tiến hành lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án, lập hồ sơ cắm mốc phân giới.

Đến nay, khối lượng công việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã hoàn thành. Đồng thời, tỉnh cũng phối hợp với doanh nghiệp mời đối tác là Tập đoàn Leonhardt, Andrä und Partnernghiên cứu, khảo sát thực hiện thiết kế kiến trúc cảnh quan một số công trình trên tuyến đường.

Tại cuộc họp, ông Lại Xuân Môn yêu cầu các sở, ngành, thành phố, huyện nêu những khó khăn vướng mắc để khắc phục, lập các tổ công tác lên kế hoạch hành động sẵn sàng khởi công công trình Dự án đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh trong đầu tháng 10/2020.

“Kéo” dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau về giai đoạn đầu tư 2021 - 2025

Là thành viên tham dự buổi làm việc giữa hai địa phương, PGS.TS Trần Đình Thiên,thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam chia sẻ: “Hai tỉnh nghèo nhất “xung phong” làm đường trong bối cảnh đầu tư cao tốc gặp khó. Chuyện đó là có đặc thù. Cùng khó khăn nhưng cùng nhau đương đầu thì tạo nên sức mạnh”.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, phát biểu ở hội nghị trao đổi kinh nghiệm đầu tư phát triển cao tốc theo hình thức PPP tại Cao Bằng

Ông Nguyễn Tiến Hải, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chia sẻ rằng, nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau có nhiều điểm nghẽn về giao thông khi chỉ có tuyến độc đạo từ TP.HCM về Cà Mau, song mặt đường hẹp, lưu lượng đông, trong khi đây là vựa lúa, vựa trái cây, vựa thủy hải sản của cả nước. Không những vậy, trên tổng chiều dài toàn tuyến thì đoạn tuyến TP.HCM - Trung Lương xuống cấp; Đoạn tuyến Trung Lương - Mỹ Thuận chậm tiến độ đã 10 năm; Đoạn Mỹ Thuận - Cần Thơ về đến Cà Mau, theo kế hoạch ban đầu thì sau năm 2030 mới triển khai.

“Hạ tầng giao thông yếu kém và thiếu đồng bộ tiếp tục kìm hãm Cà Mau phát triển, điều này phải sớm được khai thông. Vì vậy, trong cuộc làm việc với Thủ tướng hồi đầu tháng 8/2020, tỉnh Cà Mau đã mạnh dạn đề xuất rút ngắn thời gian thực hiện. Chúng tôi thấy cần thiết phải “kéo” dự án về giai đoạn 2021-2025 và Thủ tướng đã đồng ý”.

Trước đó, ngày 31/7/2020, tận mắt chứng kiến những khởi sắc tại Trung Lương - Mỹ Thuận (tỉnh Tiền Giang), Thủ tướng đã có chỉ đạo vượt khuôn khổ dự án này: “Tôi yêu cầu Bộ Giao thông - Vận tải phải tiếp tục triển khai cầu Mỹ Thuận 2 sớm nhất vì đã có tiền. Bộ đảm nhận việc triển khai công trình từ Mỹ Thuận đến Cần Thơ, giải ngân hết số vốn, đồng thời nghiên cứu tuyến Cần Thơ - Cà Mau, đưa vào kế hoạch 2021 - 2025 để hoàn thiện tuyến từ TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau”.

Sau đó, ngày 18/8, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Thủ tướng tại hội nghị với lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL giao UBND tỉnh Cà Mau là cơ quan nhà nước có thẩm quyền đoạn Bạc Liêu - Cà Mau của dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, trong đó nghiên cứu phương án xã hội hóa đầu tư giai đoạn 2021 - 2025 theo quy định của pháp luật về đầu tư PPP. Theo kết luận này, đoạn cao tốc Cần Thơ - Bạc Liêu sẽ thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.

Tuy tỉnh Cà Mau đã có những bước khởi đầu triển khai dự án khá thuận lợi khi có sự quan tâm của Chính phủ, nhưng PGS.TS. Trần Đình Thiên cho rằng: “Phương án tài chính cho dự án vùng chưa phát triển là khó. Cà Mau phải “săn” cho được doanh nghiệp “yểm trợ”, phải chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, giàu khát vọng song hành thì dự án mới thành công”.

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cao-bang-va-ca-mau-ban-viec-lam-duong-cao-toc-d128232.html