Cao Bằng thực hiện ba đột phá chiến lược

Là tỉnh miền núi có nhiều lợi thế về tài nguyên, thiên nhiên, thời gian qua tỉnh Cao Bằng đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh phục vụ sản xuất. Các cấp ủy, chính quyền đổi mới phương thức lãnh đạo phát triển kinh tế theo hướng tìm thế mạnh phát triển, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Nhiều địa phương tích cực kêu gọi xúc tiến đầu tư vào các ngành nghề như nông nghiệp sạch, công nghiệp chế biến, kinh tế cửa khẩu và du lịch, dịch vụ. Toàn tỉnh hiện có 293 dự án với tổng số vốn đăng ký hơn 40 nghìn tỷ đồng. Hầu hết các dự án mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy kinh tế của tỉnh ngày một phát triển. Giai đoạn từ năm 2011 - 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt hơn 7%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm khoảng 4%/năm.

Thời gian tới, tỉnh xác định tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn về kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; tăng cường giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Quyết tâm thực hiện ba đột phá chiến lược về du lịch - dịch vụ, nông nghiệp thông minh và kinh tế cửa khẩu. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh. Đây sẽ là những giải pháp giúp tỉnh phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh phục vụ sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân.

* Thời gian qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được tỉnh Ninh Thuận quan tâm, triển khai hiệu quả. Tỉnh hiện có gần 20 cơ sở tham gia đào tạo nghề nông nghiệp và phi nông nghiệp cho lao động nông thôn, chủ yếu là các ngành, nghề như: Kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao; đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên đi biển; đào tạo nghề may, đan len công nghiệp; lái xe ô-tô; kỹ thuật xây dựng…

Năm 2010, tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo đạt 43,7%, đến nay đạt gần 56,86%. Hiệu quả đào tạo nghề được nâng lên đã góp phần không nhỏ giải quyết việc làm cho người trong độ tuổi lao động ở nông thôn, hướng đến giảm nghèo bền vững ở khu vực này.

Tỉnh Ninh Thuận đề ra mục tiêu đến hết năm 2020, phấn đấu đào tạo nghề cho 17 nghìn lao động; trong đó chiếm tỷ lệ chủ yếu là lao động nông thôn. Việc đào tạo nghề sẽ được chuyển hóa mạnh mẽ từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu của người học, phù hợp với điều kiện kinh tế và trình độ học vấn của người lao động. Tỉnh tiếp tục rà soát, lựa chọn các cơ sở có kinh nghiệm dạy nghề nông nghiệp, có điều kiện giảng dạy tốt để tham gia công tác đào tạo. Qua đó, phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/41790902-cao-bang-thuc-hien-ba-dot-pha-chien-luoc.html