Cao Bằng thúc đẩy phát triển du lịch bền vững

Nằm ở miền đất địa đầu Tổ quốc, tỉnh Cao Bằng có vị trí quan trọng về quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế đối ngoại.

Cùng với đó, mảnh đất này có bề dày về lịch sử văn hóa, có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh. Sở hữu điều kiện thuận lợi, nhiều tiềm năng, lợi thế, Cao Bằng hội tụ những yếu tố đặc trưng, thế mạnh để phát triển du lịch bền vững.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh.

Theo thống kê, toàn tỉnh Cao Bằng hiện có 215 di tích, trong đó có 3 di tích Quốc gia đặc biệt, 27 di tích xếp hạng cấp Quốc gia, 65 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Trong đó có nhiều di tích nổi tiếng như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó, huyện Hà Quảng; Khu di tích Quốc gia đặc biệt rừng Trần Hưng Đạo, huyện Nguyên Bình; Khu di tích chiến thắng Đông Khê, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh với Chiến dịch biên giới 1950, huyện Thạch An...

Ngoài ra, tạo hóa thiên nhiên ban tặng cho Cao Bằng nhiều danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, hấp dẫn du khách: Thác Bản Giốc nằm trên sông biên giới hai nước Việt - Trung thuộc xã Đàm Thủy; động Ngườm Ngao, Khu du lịch sinh thái Phia Oắc - Phia Đén, hồ Thang Hen...

Mới đây, Hội đồng Chấp hành UNESCO đã chính thức công nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng, mở ra cơ hội cho Cao Bằng trở thành điểm nhấn mới trong bản đồ di sản, du lịch của Việt Nam.

Là điều kiện để tỉnh tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong thời gian tới. Ông Hoàng Xuân Ánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ: Nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của du lịch, nhằm đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh du lịch, thúc đẩy các ngành kinh tế - xã hội khác cùng phát triển, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Cao Bằng nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định du lịch là một trong 6 chương trình trọng tâm để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2020, định hình cơ bản mô hình phát triển du lịch tỉnh với các giá trị đặc trưng, riêng biệt được định vị rõ ràng, đưa du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng trong cơ cấu dịch vụ, hoạt động dịch vụ du lịch chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng thu nhập xã hội.

Tỉnh Cao Bằng tham vọng đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế với hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu mạnh, có sức cạnh tranh cao; mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, thân thiện với môi trường.

Nhờ làm tốt định hướng phát triển du lịch, trong năm 2018, lần đầu tiên Cao Bằng đón 1,2 triệu lượt khách du lịch (tăng 30%), tổng doanh thu từ du lịch đạt 360 tỷ đồng, tăng 90% so với năm 2017. Bước sang năm 2019, chỉ trong 6 tháng đầu năm, lượng khách du lịch đến với Cao Bằng đã đạt 736.018 lượt, tăng 31,3% so với cùng kỳ.

Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng (Ảnh sưu tầm).

Công viên địa chất Non Nước Cao Bằng được UNESCO công nhận trở thành Công viên địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018. Với danh hiệu này, Công viên Địa chất (CVĐC) Non Nước Cao Bằng trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai ở Việt Nam, sau CVĐC toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

CVĐC Non Nước Cao Bằng có nhiều danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử văn hóa nổi tiếng trong nước và quốc tế như hang Pác Bó, suối Lê Nin, thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen, Vườn quốc gia Phia Oắc – Phia Đén, Khu bảo tồn loài sinh cảnh vượn Cao Vít…

Trong đó, khách quốc tế là 87.844 lượt, khách nội địa là 648.174 lượt, doanh thu ước đạt 198,52 tỷ đồng. Mặc dù là địa bàn xa Thủ đô và các thành phố lớn, điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn do hạ tầng giao thông còn yếu kém do chỉ có loại hình duy nhất là đường bộ. Nhưng để giải quyết vấn đề này, lãnh đạo Cao Bằng đang tích cực thúc đẩy quá trình nghiên cứu và khảo sát phương án tối ưu nhất cho tuyến đường cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh, giải phóng được điểm nghẽn lớn về giao thông để đột phát trong phát triển kinh tế và du lịch.

Gần đây nhất, Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Cao Bằng. Phó Thủ tướng yêu cầu Cao Bằng tập trung phát triển hạ tầng du lịch trong đó trọng tâm là xây dựng chiến lược, quy hoạch, du lịch, xây dựng môi trường, sản phẩm du lịch phong phú đa dạng.

Cùng với đó là phát triển mạnh ngành du lịch theo hướng bền vững, lấy màu xanh của thiên nhiên, các cảnh quan kỳ vỹ còn được bảo tồn nguyên vẹn, lấy các giá trị lịch sử, văn hóa, bản sắc dân tộc, truyền thống cách mạng là giá trị cốt lõi, là yếu tố khác biệt để định vị các sản phẩm du lịch mà không có địa phương nào có được. Xây dựng khu du lịch thác Bản Giốc, Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng trở thành khu du lịch trọng điểm, kiểu mẫu về du lịch biên giới, du lịch xanh, du lịch thông minh.

Xuân Thái

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/cao-bang-thuc-day-phat-trien-du-lich-ben-vung-d105658.html