Cao Bằng: Ô nhiễm nghiêm trọng trong sản xuất miến dong Án Lại

Cứ đến mỗi vụ xát bột dong là dòng suối Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An (Cao Bằng) lại chuyển màu đen sì gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Từ nhiều năm nay, người dân nhiều xóm thuộc xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An phát triển kinh tế chủ yếu từ nghề trồng dong, làm miến. Sản phẩm miến dong Án Lại chất lượng không hề thua kém miến dong Nguyên Bình, được nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên, vấn đề chất thải chưa được xử lý tốt nên chưa được các cấp ngành của tỉnh Cao Bằng công nhận là làng nghề.

 Nghiền dong tại Hợp tác xã Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An.

Nghiền dong tại Hợp tác xã Án Lại, xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An.

Ông H.V.T, xã Nguyễn Huệ bức xúc kể: Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11, dòng suối Án Lại chuyển màu đen sì, lúc có gió lên bốc mùi hôi thối khắp nơi. Trước đây, chúng tôi vẫn dùng nước suối Án Lại để tưới ruộng cả năm nhưng mấy năm nay cứ đến mùa xát củ dong là không dám sử dụng vì ô nhiễm. Dù đã phản ánh nhiều lần lên xã nhưng đến nay tình trạng trên vẫn tiếp diễn.

Theo phản ánh, chúng tôi đến xóm Nà Danh, xã Nguyễn Huệ, là nơi xát củ dong số lượng lớn nhất xã. Trên đường vào xóm hàng trăm bao củ dong xếp dọc hai bên đường. Hai máy nghiền dong công suất lớn của người dân đang hoạt động hết công suất. Có hộ thì xây thêm 1 - 2 bể chứa nước thải, khi tràn sẽ hút ra dòng suối Án Lại. Có hộ không xây bể mà để nước thải chảy trực tiếp ra suối.

Bể chứa nước thải của hộ gia đình anh Trịnh Hoàng Ninh, xóm Nà Danh, xã Nguyễn Huệ không đạt tiêu chuẩn.

Anh Trịnh Hoàng Ninh, xóm Nà Danh, một hộ dân nghiền bột dong cho biết: Mỗi ngày, máy của gia đình nghiền từ 5 - 10 tấn củ dong. Trước đây gia đình tôi còn để nước thải chảy vào ruộng của nhà nhưng sợ nước ngấm xuống các mạch nước ngầm ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt của dân nên hiện nay nước thải ban đầu sẽ cho vào bể chứ. Khi nước thải ở các bể chứa đầy thì lại cho chảy ra suối. Dù biết xả nước thải ra suối sẽ gây ô nhiễm môi trường nhưng do không có chỗ xử lý nên gia đình tôi vẫn phải xả nước thải ra dòng suối Án Lại.

Hợp tác xã Án Lại là nơi đầu tiên trong xã đầu tư máy xát dong công suất lớn. Ông Hoàng Văn Tư, Giám đốc HTX thông tin: Mỗi ngày, HTX xát khoảng 10 tấn củ dong. Gia đình tôi có bể chứa thải rộng hơn 700 m2 nhưng vẫn không đủ để chứa nước thải. Mong các cấp chính quyền sớm đầu tư bể chứa thải diện tích lớn để hỗ trợ các hộ có máy xát dong, không để nước thải chảy ra suối như hiện nay.

Đầu cống chảy ra suối Án Lại ngay sát đường Quốc lộ 3 gây mùi khó chịu cho người dân và người qua đường.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hoàng Văn Hương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Huệ cho biết: Nhiều năm trước đây, những hộ làm sản phẩm miến dong Án Lại sẽ tự thành lập các nhóm để mua máy xát nhưng máy công suất nhỏ nên lượng chất thải ra suối chưa nhiều. Mấy năm gần đây, thấy nghề trồng dong, làm miến đem lại hiệu quả kinh tế cao nên người dân mở rộng diện tích trồng dong.

Thấy nhu cầu bột dong ngày càng cao, nhiều hộ dân, hợp tác xã đầu tư máy xát công suất lớn để xát củ dong nên lượng nước thải mỗi ngày quá lớn không có chỗ xử lý nên đã cho chảy ra suối Án Lại. Xã đã nhiều lần báo cáo tình trạng này lên huyện Hòa An. Tuy nhiên, kinh phí để xây các bể chứa thải quá cao nên huyện vẫn chưa tìm được nguồn kinh phí hợp lý để đầu tư cho địa phương, ông Hương cho biết thêm.

Dòng suối Án Lại bị chuyển màu đen sì, bốc mùi hôi thối vì nước thải của hoạt động sản xuất miến dong Án Lại

Việc giữ nghề truyền thống để phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương là tốt. Tuy nhiên, hàng trăm khối nước thải từ hoạt động xát dong chảy ra suối Án Lại gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến nhiều hộ dân sống quanh khu vực xã Nguyễn Huệ, huyện Hòa An. Do đó, chính quyền địa phương huyện Hòa An và xã Nguyễn Huệ cần sớm có giải pháp giải quyết tình trạng trên kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân xung quanh.

Công Hải

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cao-bang-o-nhiem-nghiem-trong-trong-san-xuat-mien-dong-an-lai-d279240.html