Cao Bằng: Nghiên cứu, bảo tồn và phát triển đặc sản gạo nếp hương Bảo Lạc

Gạo nếp Hương là một trong các giống lúa nếp thơm ngon được người dân địa phương đánh giá là sản phẩm đặc sản. Tuy nhiên, vấn đề bảo tồn, khai thác và nâng cao giá trị cho sản phẩm gạo nếp Hương chưa được quan tâm đúng mức. Vì vậy, các nhà khoa học, doanh nghiệp, chính quyền và người dân địa phương đã và đang tập trung nguồn lực đưa sản phẩm gạo nếp Hương trở thành sản phẩm mang thương hiệu của tỉnh.

Bao bì sản phẩm gạo nếp Hương Bảo Lạc.

Giống lúa nếp Hương được trồng nhiều tại các xã Xuân Trường, Phan Thanh, Khánh Xuân (Bảo Lạc), có hương thơm, dẻo, ngon. Tuy nhiên quá trình canh tác lâu năm, nguồn giống chủ yếu do người dân địa phương tự bảo quản nên dần bị suy thoái dẫn đến năng suất, sản lượng thấp. Mặt khác, công tác thiết kế mẫu mã, quảng bá sản phẩm chưa được chú trọng nên thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo nếp Hương chưa lớn, chủ yếu là ở huyện Bảo Lạc và Thành phố.

Nhằm khôi phục, bảo tồn và phát triển nguồn gen giống lúa đặc sản nếp Hương của địa phương làm cơ sở tiến tới xây dựng thương hiệu gạo nếp đặc sản của Cao Bằng, năm 2014, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã phê duyệt cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, bảo tồn và phục tráng giống lúa nếp Hương Bảo Lạc và nếp Pì Pất Cao Bằng”.

Kết quả đã phục tráng giống lúa nếp Hương nguyên chủng chất lượng cao, năng suất tăng 20% so với giống cũ, bình quân đạt 46 tạ/ha. Để góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho sản phẩm, Sở KH&CN tiến hành xây dựng, đăng ký và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm gạo nếp Hương huyện Bảo Lạc do Hội nếp Hương Bảo Lạc làm chủ sở hữu. Đây là sự khẳng định quyền được bảo hộ pháp lý của sản phẩm, là cơ sở để người dân và chính quyền địa phương quảng bá, giới thiệu sản phẩm cũng như bảo vệ quyền lợi của người sản xuất và người tiêu dùng, nâng cao giá trị kinh tế, thị phần trên thị trường.

Với mục tiêu phát huy tối đa các điều kiện lợi thế về nông nghiệp, tập trung hình thành các vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng, giá trị cao, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập của người dân, từng bước hình thành vùng chuyên canh sản xuất đặc thù của địa phương, Sở KH&CN đã tham mưu cho UBND tỉnh đề xuất đặt hàng thực hiện Dự án “Ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình liên kết sản xuất gạo đặc sản nếp Hương tại huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng” thuộc Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn và miền núi giai đoạn 2016 - 2020, bắt đầu thực hiện từ năm 2018 do Doanh nghiệp tư nhân 668 Bảo Lâm chủ trì.

Lúa nếp hương Bảo Lạc. Ảnh: Hồng Nhung

Sau hơn một năm thực hiện, doanh nghiệp chuẩn bị mặt bằng, nhà xưởng chế biến, kho bảo quản sản phẩm, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ dây chuyền chế biến gạo nếp Hương đặc sản chất lượng cao; thiết kế, in ấn bao bì đẹp, bắt mắt, có mã số, mã vạch và địa chỉ truy xuất nguồn gốc sản phẩm để khách hàng truy cập dễ dàng về nguồn gốc sản phẩm, đăng ký bảo hộ 1 nhãn hiệu, 1 kiểu dáng công nghiệp cho sản phẩm gạo nếp Hương...

Hỗ trợ giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn kỹ thuật cho người dân nhằm tạo ra sản phẩm năng suất cao, chất lượng cao, hướng tới sản xuất đại trà theo tiêu chuẩn VietGAP đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Năm 2019, doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm cho người dân với giá 19 nghìn đồng/kg thóc nếp, thu mua gần 20 tấn thóc nếp Hương và tiêu thụ tại thị trường trong tỉnh, thành phố Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Hiện nay, doanh nghiệp đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến, mở rộng thị trường tiêu thụ với giá 45 nghìn đồng/kg gạo.

Thời gian tới, doanh nghiệp tiếp tục ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến, mở rộng thị trường phân phối sản phẩm, bao tiêu sản phẩm cho người dân, tăng cường mối liên hệ hợp tác với các doanh nghiệp, đại lý phân phối sản phẩm lúa gạo, cơ sở sản xuất, kinh doanh để tiêu thụ sản phẩm, tham gia các phiên hội chợ hàng nông nghiệp trong và ngoài tỉnh thông qua hình thức quảng bá sản phẩm; hợp tác liên kết giữa người sản xuất và nhà kinh doanh.

Nguyễn Thị Hiếu

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cao-bang-nghien-cuu-bao-ton-va-phat-trien-dac-san-gao-nep-huong-bao-lac-79369