Cao Bằng ngày mới: Bài 2 – Một nhiệm kỳ bứt phá

Trước yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Cao Bằng quyết tâm phát huy tiềm năng, thế mạnh, huy động nguồn lực thực hiện 03 nhiệm vụ đột phá chiến lược.

03 nhiệm vụ đột phá chiến lược bao gồm: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc; Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến; Phát triển kinh tế cửa khẩu.

Đồng thời xác định rõ 03 chương trình trọng tâm nhằm tháo gỡ 3 điểm nghẽn, nút thắt: Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng; Chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Chương trình xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, để khai thác tối đa những lợi thế chính, có tính khác biệt so với các địa phương khác trong cả nước, thực hiện các định hướng lớn mang tính chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh.

Tầm vóc mới

Đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết, bước vào thời kỳ đổi mới, Đảng bộ Cao Bằng tiếp tục đoàn kết, tự lực, tự cường, sáng tạo, tập trung khai thác tiềm năng, thế mạnh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh có sự bứt phá với nhiều kết quả nổi bật, tạo nên một Cao Bằng thực sự mạnh mẽ vươn lên.

 Người dân Cao Bằng phát triển nghề làm miến dong - một trong những nông sản được thị trường ưa chuộng

Người dân Cao Bằng phát triển nghề làm miến dong - một trong những nông sản được thị trường ưa chuộng

Kinh tế của tỉnh phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt bình quân trên 7,0%/năm. Toàn tỉnh thu hút 43 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn với tổng vốn đăng ký đầu tư 6.259 tỷ đồng.

Hạ tầng khu kinh tế cửa khẩu, trọng tâm là cửa khẩu quốc tế Tà Lùng và cửa khẩu Trà Lĩnh tiếp tục được quan tâm đầu tư và hoàn thiện. Khu kinh tế cửa khẩu thu hút 74 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 14.000 tỷ đồng; có 35 dự án đi vào hoạt động, tạo nhiều việc làm và góp phần hoàn thiện cơ sở hạ tầng kinh tế cửa khẩu.

Đặc biệt, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng nhấn mạnh, Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) theo hình thức đối tác công - tư (PPP) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư và đã được triển khai các thủ tục để khởi công xây dựng, tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông, mở ra nhiều cơ hội để Cao Bằng phát triển nhanh và bền vững.

Đến nay, toàn tỉnh có 1.650 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 20.000 tỷ đồng và 356 hợp tác xã với số vốn đăng ký trên 500 tỷ đồng. Giai đoạn 2016 - 2020, các doanh nghiệp, hợp tác xã đóng góp cho ngân sách Nhà nước trên 3.300 tỷ đồng, tăng bình quân gần 10%/năm.

Công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh trọng điểm được chú trọng. Dựa trên lợi thế với những “địa chỉ đỏ”, đó là 03 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, 214 di tích, trong đó có 23 di tích xếp hạng cấp quốc gia và 66 di tích xếp hạng cấp tỉnh, cùng nhiều điểm, khu du lịch danh lam, thắng cảnh nổi tiếng; Công viên địa chất toàn cầu non nước Cao Bằng với hàng trăm điểm di sản địa chất độc đáo có giá trị tầm cỡ quốc tế, giá trị lịch sử trên 500 triệu năm hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Tỉnh đã và đang đẩy mạnh khai thác, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút 1,2 triệu lượt khách/năm, doanh thu bình quân 5 năm (2015 - 2020) đạt trên 300 tỷ đồng.

Hiện nay, với 10 đơn vị hành chính cấp huyện, 161 đơn vị hành chính cấp xã. Các địa phương, đơn vị sau gần một năm sắp xếp, sáp nhập đã đi vào hoạt động ổn định, ngày càng phát huy tốt hơn chức năng, nhiệm vụ. Khối đại đoàn kết các dân tộc thường xuyên được củng cố và phát huy. Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố vững chắc, hiệu lực, hiệu quả hoạt động được nâng cao hơn trước.

… và những kỳ vọng

Từ ngày 26 - 28/10/2020, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã được tổ chức thành công tốt đẹp. Đại hội đề ra những quyết sách đột phá, quan trọng trong lĩnh vực chính trị, phát triển kinh tế - xã hội.

Đặc biệt, Đại hội được đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự và chỉ đạo. Đại hội vinh dự đón nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương đến dự.

Dấu ấn Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đi vào cuộc sống tạo bước đột phá phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh được đồng chí Lại Xuân Môn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh báo cáo trước toàn thể Đại hội và nhân dân.

Với tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phát huy truyền thống quê hương cách mạng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã nhận diện, xác định rõ 05 lợi thế chính và những khó khăn, thách thức đối với sự phát triển của tỉnh. Từ đó đề ra quyết sách đột phá, phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII; triển khai hiệu quả 6 chương trình trọng tâm Nghị quyết Đại hội.

Đồng chí Lại Xuân Môn - Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng

Theo đồng chí Lại Xuân Môn, tiếp tục đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân đạt trên 7,0%/năm; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo đúng định hướng; GRDP bình quân đầu người đạt 37,2 triệu đồng/năm. Chương trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, 25 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Diện mạo nông thôn có nhiều đổi mới, đời sống người dân nông thôn được cải thiện, nâng lên rõ rệt. Thu hút một số dự án lớn trong lĩnh vực nông nghiệp đến đầu tư, trong đó lớn nhất là Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa.

Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho biết: “Trở lại Cao Bằng tôi rất vui mừng chứng kiến thêm nhiều đổi mới của tỉnh. Đặc biệt rõ nét nhất là Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh quyết tâm thực hiện 3 đột phá về phát triển du lịch; phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu; kinh tế cửa khẩu đã thu hút khách du lịch đến Cao Bằng ngày càng tăng”.

Ông Lý A Xóa, dân tộc Mông, Bí thư Đảng ủy xã Hồng An (Bảo Lạc) phấn khởi bày tỏ: “Bà con rất vui mừng từ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được chính quyền các cấp cụ thể hóa bằng các chính sách, dự án hỗ trợ đầu tư sản xuất để đời sống bà con ngày càng được cải thiện, dân trí nâng lên rõ rệt”.

Đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định: “Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ tiếp tục đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống quê hương cội nguồn cách mạng, ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, quyết tâm đổi mới, hành động quyết liệt, nỗ lực thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh đã đề ra”.

Từ những thành tựu đạt được, kỳ vọng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Cao Bằng sẽ tập trung triển khai, thực hiện tốt các mục tiêu nghị quyết đại hội Đảng các cấp, đưa tỉnh Cao Bằng lên tầm cao mới./.

Bài, ảnh: Việt Bắc

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/xa-hoi/cao-bang-ngay-moi-bai-2-mot-nhiem-ky-but-pha-569972.html