Cao Bằng ngày mới: Bài 1 – Những đổi thay nơi cội nguồn cách mạng

Năm 2019, Tỉnh ủy Cao Bằng đã thực hiện hướng đi nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp khi ban hành Đề án Nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và xác định, đây là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã bế mạc và thành công tốt đẹp. Đại hội đã thông qua Nghị quyết Đại hội, trong đó Đảng bộ tỉnh Cao Bằng tập trung vào ba nội dung đột phá: Phát triển du lịch - dịch vụ bền vững, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm du lịch của các tỉnh khu vực trung du, miền núi phía Bắc. Phát triển nông nghiệp thông minh và nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa đặc hữu gắn với chế biến, hướng đến xuất khẩu ra thị trường trong và ngoài nước. Phát triển kinh tế cửa khẩu, xây dựng Cao Bằng trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa.

Đồng thời, Đại hội cũng đề ra 3 chương trình trọng tâm, gồm: Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng; Chương trình xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt các cấp và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chương trình xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược.

Với những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, Cao Bằng có tiền đề để tiếp tục bứt phá, tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ, thực hiện thắng lợi Nghị quyết mà Đại hội Đảng bộ tỉnh Cao Bằng lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Bài 1 – Những đổi thay nơi cội nguồn cách mạng

Cao Bằng là chiếc nôi của Cách mạng Việt Nam. Địa phương có đường biên giới tiếp giáp Trung Quốc dài trên 333 km. Có 92 di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Pác Bó, Rừng Trần Hưng Đạo và địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950 huyện Thạch An.

 Cảnh đẹp Cao Bằng.

Cảnh đẹp Cao Bằng.

Cao Bằng còn có Thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, hồ Thang Hen…và Công viên Địa chất toàn cầu được UNESCO công nhận. Cao Bằng được định hình với trùng điệp núi non hùng vĩ, với hơn 95% dân số là đồng bào các dân tộc thiểu số. Mặc dù vậy, tại thời điểm này có thể nói rằng kinh tế xã hội, đời sống người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn. Cao Bằng chưa được quan tâm đầu tư tương xứng với tiềm năng và lợi thế vốn có của mình. Vậy câu hỏi đặt ra với Cao Bằng, với lãnh đạo tỉnh là sẽ làm gì để Cao Bằng hết nghèo, Cao Bằng phát triển?

Đột phá

Năm 2019, Tỉnh ủy Cao Bằng đã thực hiện hướng đi nhằm tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp khi ban hành Đề án Nông nghiệp thông minh giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và xác định, đây là giải pháp đột phá thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Cao Bằng đã xác định hướng đi riêng là nông nghiệp thông minh, theo hướng sản xuất hàng hóa gắn với chế biến, phát huy lợi thế của hàng loạt nông sản đặc hữu có tiếng trên địa bàn. Không chỉ hợp tác xã và doanh nghiệp nhỏ, mà đã có những dự án quy mô hàng nghìn tỷ đồng đến với Cao Bằng, mở ra triển vọng mới về một nền nông nghiệp hiện đại, tập trung.

Nằm giữa cánh đồng ngô lúa bên bờ sông Bằng, khu nhà lưới của hợp tác xã nông nghiệp Trường Anh (xã Hưng Đạo, thành phố Cao Bằng) nổi bật với những luống dâu tây xanh mướt, vườn hoa hồng khoe sắc rực rỡ. Chỉ trong 2 năm qua đã có rất nhiều mô hình như hợp tác xã phát triển, áp dụng công nghệ thông minh như dưa lưới, cà chua, nho, các loại hoa, lan... khi mở rộng mô hình, các hợp tác xã được hỗ trợ vay vốn sản xuất, tập huấn về quản trị, quản lý, đào tạo nhân công,…

Nhiều sản phẩm nông sản của Cao Bằng được thị trường ưa chuộng.

Cao Bằng vốn nổi tiếng với nhiều nông sản được thị trường ưa chuộng như lê vàng Đông Khê, miến dong Nguyên Bình, cam quýt Trà Lĩnh, hạt dẻ Trùng Khánh, thạch đen Thạch An...được quy hoạch, tỏa rộng trên diện tích hàng 100.000 ha đất sản xuất nông nghiệp.

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Bằng cho biết hiện địa phương đang thu hút ngày càng nhiều dự án rau an toàn tiêu chuẩn VietGap, hữu cơ; cấy mô trồng thạch, rau, hoa, chanh leo… bằng phương pháp vòm che, tưới nhỏ giọt, trồng trong nhà màng có thể điều chỉnh ánh sáng, nhiệt độ, kiểm soát sâu bệnh; hay các mô hình chăn nuôi lợn giống, lợn thịt theo tiêu chuẩn công nghiệp và hữu cơ; bước đầu áp dụng công nghệ tự động, giám sát, giúp cây trồng, vật nuôi phát triển an toàn với năng suất, chất lượng cao hơn. Hiện Cao Bằng đã có nhiều cây trồng đạt giá trị cao, tiêu biểu như chanh leo đạt trên 160 triệu đồng/ha, gừng hữu cơ trên 140 triệu đồng/ha... nâng cao thu nhập, bình quân 40 triệu đồng/ha/năm.

Đồng chí Bế Xuân Tiến, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng nhấn mạnh: "Có 9 nhóm giải pháp, chủ thể để thực hiện là doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết với người dân và có sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước". Nhờ đẩy mạnh thu hút đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, Cao Bằng đã thu hút được 43 dự án đăng ký đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn với tổng số vốn đăng ký đầu tư 6.259 tỉ đồng, trong đó đáng chú ý có: Dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa công nghệ cao tại huyện Quảng Hòa có tổng vốn đầu tư trên 2.500 tỉ đồng; Dự án nông nghiệp thông minh của Hàn Quốc trị giá hơn 25 triệu USD.

Đường sáng tương lai

Những chuyển động và thay đổi đã được nhìn thấy, kiểm chứng trong nông nghiệp mang dấu ấn sáng tạo và chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo địa phương. Đồng chí Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng khẳng định, mục tiêu chủ chốt của Đề án nông nghiệp thông minh là phải gắn kết việc xây dựng các mô hình tổ chức sản xuất, bảo quản, chế biến và tiêu thụ hàng hóa có giá trị và sức cạnh tranh cao để nâng cao thu nhập cho người dân.

Người dân Cao Bằng với các hoạt động lao động sản xuất thường ngày.

Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng cho rằng chiến lược tập trung cho xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp thông minh công nghệ cao, phải quan tâm đến mô hình sản xuất từ hộ nông dân, hộ gia đình cá thể cho đến trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp. Nông nghiệp thông minh chính là tư duy, nhận thức, cách làm.

Sau 10 năm, cuối năm 2020 này, chúng tôi trở lại huyện Thạch An, tỉnh Cao Bằng, từng là một huyện nghèo nhưng đến nay đã có những thay đổi lớn. Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất từ chương trình 30a đã mang lại hiệu quả tích cực, nhưng quan trọng hơn là sự quyết liệt của hệ thống các cấp chính quyền tỉnh Cao Bằng làm người dân đã thay đổi được nhận thức về phương thức sản xuất mới trong phát triển kinh tế nông nghiệp.

Chỉ trong thời gian ngắn, Thạch An đã tập trung triển khai nhiều chính sách hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập phù hợp với nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân, đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu cây trồng góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo. 100% tuyến đường huyện Thạch An được nâng cấp, cải tạo đảm bảo quy mô kết cấu đường giao thông nông thôn loại A và cơ bản trên 80% các tuyến đường giao thông nông thôn từ trung tâm xã đến các thôn xóm được sửa chữa, cải tạo đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Cùng với sự thay da đổi thịt của Thạch An, tại huyện Quảng Hòa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tăng cường đầu tư. Khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng có 35 dự án được cấp chứng nhận đầu tư hoặc chủ trương đầu tư với tổng nguồn vốn 5.615 tỷ đồng và 20 triệu USD của 27 công ty, doanh nghiệp. Trong đó có 7 dự án FDI đăng ký đầu tư 399 tỷ đồng và 20 triệu USD, 28 dự án trong nước đăng ký đầu tư 5.216 tỷ đồng.

Công viên địa chất non nước Cao Bằng .

Công viên địa chất non nước Cao Bằng chứa đựng nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, đặc biệt là các di tích lịch sử cách mạng, trong đó có Di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó - nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về nước năm 1941 để lãnh đạo phong trào cách mạng sau hơn ba mươi năm bôn ba ở nước ngoài; Di tích Quốc gia đặc biệt Rừng Trần Hưng Đạo - nơi năm 1944 Đại tướng Võ Nguyên Giáp thành lập đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay; Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Địa điểm Chiến thắng Biên giới năm 1950...

Nhờ sự vào cuộc quyết liệt, quyết tâm của Đảng bộ và nhân dân, ngày 12/4/2018, Hội đồng Chấp hành UNESCO tại Kỳ họp lần thứ 204 tại Paris, Pháp đã thông qua Nghị quyết công nhận Công viên địa chất Non nước Cao Bằng là Công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đây là một thắng lợi to lớn đối với Cao Bằng, mở ra cơ hội phát triển du lịch. Non nước Cao Bằng là một miền đất hiếm có, để tìm hiểu lịch sử trên 500 triệu năm của trái đất qua các dấu tích còn lại ở đây.

Đồng chí Lại Xuân Môn khẳng định những kết quả đã đạt được trong nhiệm kỳ qua là tiền đề để Cao Bằng tiếp tục bứt phá, tiếp tục phát triển vươn lên mạnh mẽ hướng về tương lai trên con đường sáng đang mở ra phía trước./.

Bài, ảnh: Việt Bắc

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/kinh-te/cao-bang-ngay-moi-bai-1-nhung-doi-thay-noi-coi-nguon-cach-mang-569962.html