Cao Bằng: Mai một nghề chạm bạc của người Dao Đỏ ở Vũ Minh

Bên cạnh các nghề thủ công truyền thống khá phát triển như nghề rèn, nghề làm giấy... thì chạm bạc là một nghề thủ công xuất hiện khá sớm và phát triển trong đời sống của người Dao Đỏ ở xã Vũ Minh (Nguyên Bình, Cao Bằng) cho đến ngày nay. Nhưng do nhiều nguyên nhân nên nghề chạm bạc của người Dao Đỏ hiện đang đứng trước nguy cơ mai một, thất truyền.Tuy nhiên, trong nền kinh tế thị trường hiện nay, một số sản phẩm của nền văn minh công nghiệp đã thay thế một số sản phẩm thủ công. Sản phẩm công nghiệp đã có những tác động và ảnh hưởng đến một số hoạt động kinh tế, văn hóa của đồng bào làm cho nhiều nét văn hóa bị thay đổi.

Tại xã Vũ Minh chỉ còn duy nhất gia đình ông Lý Vần Sinh hiện còn duy trì nghề chạm bạc truyền thống.

Tại xã Vũ Minh chỉ còn duy nhất gia đình ông Lý Vần Sinh hiện còn duy trì nghề chạm bạc truyền thống.

Di sản quý báu của người Dao Đỏ

Cộng đồng người Dao Đỏ ở xã Vũ Minh hiện có khoảng trên 1.700 người cư trú tại 5 xóm: Lũng Chang, Lũng Ỉn, Lũng Quang, Lũng Rảo, Lũng Kèng (trước sáp nhập là xã Thái Học). Nghề chạm bạc của người Dao Đỏ nơi đây xuất hiện từ bao giờ thì chưa có tài liệu nào ghi chép, qua khảo sát tại địa phương và dựa vào lời kể của ông Lý Kiệm On, xóm Lũng Chang, xã Vũ Minh, là đời thứ 3 trong gia đình có 4 đời làm nghề chạm bạc tại xã được biết, có thể nghề này đã tồn tại được khoảng 80 năm.

Vào những năm 1960, trang sức bạc là vật “bất ly thân” của người phụ nữ Dao Đỏ, Dao Tiền, Mông, là những sản phẩm không thể thiếu với người con gái Dao, đặc biệt là cô dâu trong ngày cưới... nên nghề chạm bạc ở miền núi khá thịnh hành. Để đáp ứng nhu cầu của đồng bào, một số thợ bạc người Dao còn mở các cửa hàng chuyên chạm bạc ở thị trấn, chợ huyện nơi có đông dân cư. Các sản phẩm chạm bạc được mang đi bán ở các chợ huyện như: Bảo Lạc, Hà Quảng, Nguyên Bình... Sản phẩm chạm bạc của người Dao Đỏ là những đồ trang sức: vòng cổ, vòng tay, nhẫn, xà tích... và những đồ trang trí trên y phục như hoa bạc, cúc bạc...

Để tạo nên một sản phẩm bạc hoàn chỉnh, nghệ nhân chạm bạc mất rất nhiều công sức, sự tỷ mỉ và nhẫn nại.

Đối với người Dao Đỏ, bạc là đồ trang sức không thể thiếu, hầu như mọi sinh hoạt trong cộng đồng người Dao đều gắn với bạc, từ lúc đứa trẻ mới lọt lòng, ông bà, cha mẹ đã làm mũ đính những chiếc chuông nhỏ bằng bạc để âm thanh đầu tiên lọt vào tai đứa bé là tiếng của dòng họ. Khi đứa trẻ lớn lên, mỗi giai đoạn của cuộc sống đều gắn liền với bạc trắng, từ việc cưới, cúng lễ, đến ma chay đều có các sản phẩm được chế tác từ bạc. Bạc được coi là vật làm đẹp cho phụ nữ, được dùng làm của hồi môn cho con gái khi về nhà chồng.

Trong hôn nhân của người Dao, bạc trắng là vật để định giá người con gái khi gả bán, vì vậy người ta thường thách cưới bằng bạc trắng. Ngoài ra, trang sức bạc còn mang giá trị nhân văn, ý nghĩa tâm linh, tín ngưỡng. Người Dao quan niệm đeo bạc sẽ trừ được tà ma, chữa được bệnh (tránh gió) và được thần linh phù hộ. Theo phong tục của người Dao, các gia đình thường cất giữ bạc để sau này cưới vợ, gả chồng cho con cái, có bạc để phòng khi già ốm và khi mất đi có một đồng bạc để ngậm, có như vậy mới về được với tổ tiên.

Nghề chạm bạc truyền thống vẫn tồn tại, đóng vai trò quan trọng trong đời sống của người Dao Đỏ ở Vũ Minh. Những sản phẩm chạm bạc với hoa văn trang trí một cách tinh tế trở thành những vật có giá trị phục vụ nhu cầu làm đẹp. Các sản phẩm chạm bạc ở Vũ Minh đã đạt đến độ tinh xảo, được người dân trong vùng ưa chuộng và tin tưởng vào chất lượng.

Để làm được một bộ trang sức bạc, phải mất nhiều thời gian, công sức, vì vậy đòi hỏi người thợ chạm phải cần cù, nhẫn nại, khéo léo và tỉ mỉ. Tuy chỉ là nghề phụ trong gia đình nhưng nghề chạm bạc đã đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho những gia đình làm nghề, góp phần cải thiện đời sống.

Nguy cơ mai một và giải pháp bảo tồn, phát huy nghề

Trải qua quá trình tồn tại và phát triển lâu dài, các sản phẩm chạm bạc của người Dao Đỏ trở thành một sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng của cộng đồng, là một thành tố không thể thiếu trong văn hóa vật chất của người Dao.

Chủ tịch UBND xã Vũ Minh Triệu Tòn Sinh cho biết: Nghề chạm bạc truyền thống của người Dao Đỏ chỉ là nghề phụ, mang tính tự cấp tự túc nên hiện nay đang có nguy cơ bị mai một. Hiện, xã chỉ còn duy nhất hộ ông Lý Vần Sinh, xóm Lũng Chang duy trì nghề chạm bạc. Lớp trẻ không muốn học nghề và gắn bó với nghề; thị trường tiêu thụ là các chợ phiên tại địa phương và làm theo đơn đặt hàng của khách; mỗi sản phẩm chạm bạc được hoàn thiện đòi hỏi sự đầu tư lớn về công sức, vốn... nên hiện nay còn rất ít người ở Vũ Minh làm nghề chạm bạc.

Có thể thấy, việc bảo tồn và phát huy nghề chạm bạc thủ công truyền thống là cần thiết không chỉ với người Dao Đỏ ở Vũ Minh mà còn liên quan đến phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Muốn vậy, cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền và có giải pháp hữu hiệu để bảo tồn, phát huy và làm giàu thêm cho nghề chạm bạc ở Vũ Minh. Trước hết, thực hiện chính sách cho vay vốn, khuyến khích đầu tư; có chính sách hợp lý, hấp dẫn thu hút vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân vào việc bảo tồn và phát triển nghề chạm bạc của người Dao Đỏ.

Nhà nước cần xây dựng một chiến lược toàn diện, tiến hành điều tra, khảo sát quy hoạch tổng thể cho sự phát triển nghề. Tạo điều kiện và khuyến khích thành lập phường, hội nghề nghiệp, giải quyết vấn đề lao động và việc làm của người thợ, tạo điều kiện cho nghề chạm bạc ở Vũ Minh phát triển. Có chính sách bồi dưỡng thu hút thợ giỏi; tham quan du lịch làng nghề. Tổ chức các tour du lịch kết hợp với mua bán sản phẩm, giúp du khách được chiêm ngưỡng việc chế tác sản phẩm, giao lưu trực tiếp với những người thợ, giúp họ hiểu hơn về quy trình chế tác sản phẩm chạm bạc.

Xuân Lam

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cao-bang-mai-mot-nghe-cham-bac-cua-nguoi-dao-do-o-vu-minh-83908