Cao Bằng: Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn

Sau hai ngày làm việc khẩn trương, tích cực, ngày 12/7, Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Cao Bằng khóa XVI, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã bế mạc.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng. Ảnh: hdndcaobang.gov.vn

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 9 Hội đồng nhân dân tỉnh Cao Bằng. Ảnh: hdndcaobang.gov.vn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp, nhiều đại biểu đặc biệt quan tâm các vấn đề như: Việc bố trí kinh phí hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã; tiến độ thực hiện đề án "Chương trình mỗi xã một sản phẩm".

Giải đáp câu hỏi của cử tri về việc nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chưa được bố trí kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết số 58 của HĐND tỉnh về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, Phó Giám đốc chuyên trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng Vũ Đình Quang cho biết, sau thời điểm ban hành hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 58 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng đã tiếp nhận 5 hồ sơ đề nghị; hiện đã có 2 hồ sơ được UBND tỉnh Cao Bằng quyết định hỗ trợ với tổng số tiền trên 2,6 tỷ đồng; 1 hồ sơ đủ điều kiện thẩm định; 2 hồ sơ đang trong quá trình thẩm định đầu tư.

Phó Giám đốc chuyên trách Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đề nghị các doanh nghiệp cần sớm đăng kí danh mục dự án đề nghị hỗ trợ với cơ quan quản lý nhà nước; nghiên cứu nắm rõ các thủ tục, hồ sơ đề nghị hỗ trợ đầu tư, tránh tình trạng phải bổ sung, sửa đổi nhiều lần…

Trước yêu cầu của cử tri về báo cáo tiến độ thực hiện Đề án “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) trên địa bàn tỉnh; giải pháp kết nối doanh nghiệp với các địa phương thực hiện đề án OCOP, Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cao Bằng Bế Xuân Tiến nêu rõ: Hiện Đề án OCOP đang trong quá trình xây dựng, trình phê duyệt. Các huyện đã đề xuất 76 sản phẩm tiềm năng có thể phát triển thành sản phẩm OCOP của 78 xã, huyện, thành phố theo các nhóm sản phẩm (nông sản, dược liệu, lưu niệm, dịch vụ du lịch nông thôn). Trong năm, Sở sẽ chuẩn hóa 15 sản phẩm từ đề xuất của các huyện.

Về việc kết nối doanh nghiệp với các địa phương, Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tăng cường hỗ trợ 28 dự án đã được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh thu hút các nhà đầu tư sản xuất quy mô lớn; củng cố thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, xây dựng công nhận hỗ trợ các làng nghề trong sản xuất, liên kết tiêu thụ các sản phẩm OCOP; nâng cao chất lượng các sản phẩm được đề xuất; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đưa các sản phẩm nông sản vào các cửa hàng, siêu thị lớn…

Cũng tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn, nhiều nội dung được các đại biểu đặt ra là: Xây dựng các công trình thủy lợi; bố trí vốn hỗ trợ xây dựng các công trình đã được phê duyệt; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình dân sinh; quản lý, sử dụng đất; chính sách đặc thù trong tuyển dụng công chức, viên chức là người dân tộc thiểu số ít người làm việc trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh...

Trước đó, HĐND tỉnh Cao Bằng đã thông qua báo cáo về phát triển kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm 2019. Theo đó, kinh tế của tỉnh tiếp tục duy trì phát triển, một số chỉ tiêu cơ bản tăng khá so với kế hoạch. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 7,17%, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,04% so với cùng kỳ năm 2018. Du lịch tăng cao về lượng khách và doanh thu (có trên 736.000 lượt khách tham quan du lịch, tăng 31,3% so với cùng kỳ). Công tác giáo dục, y tế, an sinh xã hội có nhiều chuyển biến, công tác giảm nghèo được quan tâm. Lĩnh vực cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đạt được những kết quả quan trọng. Chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh tăng so với năm 2017...

Để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm, UBND tỉnh tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp: Ổn định sản xuất nông, lâm nghiệp; tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh sản xuất công nghiệp; phát triển mạnh lĩnh vực dịch vụ; tăng cường quản lý đầu tư, xây dựng, quy hoạch đô thị; khai thác, bảo vệ tài nguyên, môi trường; đẩy mạnh thu ngân sách, bảo đảm nguồn vốn cho nền kinh tế; tăng cường thực hiện các hoạt động văn hóa - xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại; bảo đảm, giữ vững quốc phòng - an ninh...

Kỳ họp đã thông qua 17 Nghị quyết. Cụ thể như: Nghị quyết về việc ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Cao Bằng; Nghị quyết Quy định mức chi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016 - 2020...

Phát biểu bế mạc, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cao Bằng Đàm Viết Hà đề nghị UBND tỉnh, các cấp, ngành khẩn trương khắc phục những tồn tại, hạn chế, tăng cường đoàn kết, thống nhất, phát huy nội lực để tạo chuyển biến rõ nét các nhiệm vụ, mục tiêu đã đặt ra; khuyến khích phong trào khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp địa phương, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các cấp, ngành tăng cường thanh, kiểm tra các hoạt động xây dựng, quản lý quy hoạch xây dựng, hoạt động khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án trọng điểm; quan tâm xây dựng hạ tầng các khu kinh tế, khu du lịch; tăng cường công tác quốc phòng an ninh; kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế…

Chu Hiệu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/chinh-tri/cao-bang-ho-tro-cac-doanh-nghiep-hop-tac-xa-dau-tu-vao-nong-nghiep-nong-thon-20190712221509219.htm