Cao Bằng: Định cư mà chưa định canh, an cư nhưng không lạc nghiệp

Thiếu đất canh tác là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân không về ở tại các khu định canh, định cư tại tỉnh Cao Bằng.

Chủ trương xây dựng các khu định canh, định cư đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng miền núi đặc biệt khó khăn có điều kiện cải thiện cuộc sống.

Tuy nhiên, cách làm thiếu khoa học, thiếu trách nhiệm, không tính đến hiệu quả thực tiễn...đã khiến người dân ở nhiều nơi không thể sống được ở những nơi định cư mới, đành quay về nơi ở cũ.

 Căn nhà tái định cư cửa đóng then cài, mặc cho mưa gió làm xuống cấp.

Căn nhà tái định cư cửa đóng then cài, mặc cho mưa gió làm xuống cấp.

Dự án định canh định cư Bành Tổng - Phiêng Phát, xã Thành Công, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng khởi công từ năm 2008, với tổng mức đầu tư 7,2 tỷ đồng. Hoàn thành và bàn gia từ năm 2013, thế nhưng đến nay nơi đây chỉ có những ngôi nhà khóa cửa, cỏ dại um tùm.

Lý do người dân nhận nhà tái định cư rồi bỏ đi là không có đất canh tác. Ban đầu theo đề án, mỗi hộ sẽ được cấp 2.000 - 3.000 m2 đất nông nghiệp, nhưng sau đó mỗi hộ chỉ nhận được 800 - 900 m2. Diện tích đất canh tác nhỏ lại cằn cỗi, lớp đất mặt mỏng nên hầu như không canh tác được.

Anh Lý Kiềm Phúc, người dân sống tại khu tái định cư Bành Tổng - Phiêng Phát (huyện Nguyên Bình), cho biết: Cả xóm chỉ còn 2 hộ dân chật vật mưu sinh vì nhà cửa, đất đai nơi ở cũ đã bán hết.

Phân trường Mầm non xóm Bành Tổng - Phiêng Phát vắng bóng học sinh.

“Đấy, bây giờ nhà nào cũng bỏ hoang hết rồi, đất thì ít, không đủ canh tác thì người ta bỏ về không làm ăn được, không sinh sống được đâu”, anh Phúc cho biết.

Còn tại làng hạ sơn Lũng Đắc (xã Quốc Phong, huyện Quảng Uyên), hàng chục ngôi nhà kiên cố được xây dựng từ hàng tỉ đồng vốn hỗ trợ của Nhà nước và đóng góp của các hộ gia đình nhưng bao năm nay, nhiều nhà vẫn cửa đóng, then cài.

“Sau khi được Đảng, Nhà nước vận động xuống sinh sống lại làng hạ sơn, năm 2015 tôi cùng gia xuống đây ở, nhưng xuống không có đất trồng ngô, không có đất chăn gà, chăn lợn, không có củi đốt, nên không co gì ăn cả nhà lại vào lại lũng để canh tác thôi. Bây giờ con trai tôi lấy vợ cũng ở trong lũng để trồng ngô chứ ra đây không có gì ăn đâu, còn nhà ở làng hạ sơn thì để đấy khi nào ngày chợ, đi qua thì ngó vào thôi không ở đây đâu”, chị La Thị Dung ở xóm Lũng Đắc cho biết.

Diện tích canh tác cũng bị bỏ hoang do cằn cỗi, không thể canh tác được.

Làng hạ sơn Lũng Đắc được đầu tư hơn 31 tỷ đồng, được xây dựng với mục đích tạo điều kiện cho 15 hộ đồng bào Mông an cư lạc nghiệp. Được đầu tư điện lưới quốc gia, hệ thống nước sinh hoạt; các hộ dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế và hưởng nhiều chính sách ưu đãi với đồng bào dân tộc thiểu số, thế nhưng hiện chỉ có 7 gia đình cố bám trụ nơi đây. Số còn lại đành quay trở lại làng cũ với những ngôi nhà cheo leo trên vách núi.

Bí thư chi bộ xóm Lũng Đắc - Ngô Văn Quân khẳng định: Thiếu đất canh tác là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng người dân không về ở, đất đai bỏ hoang như thế này.

“Xuống đây, đầu tiên là thuận lợi cho con cháu đi học, có điện thắp sáng và nghe nhìn, nhưng lại thiếu đất sản xuất. Một số bà con lại lên lũng canh tác”, ông Ngô Văn Quân cho hay.

Cao Bằng là một trong những tỉnh có tỉ lệ nghèo cao của cả nước. Những tưởng từ những dự án tái định canh, định cư sẽ giúp nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây có điều kiện cải thiện cuộc sống, thế nhưng mục tiêu này đang còn rất xa vời, bởi thực trạng có chỗ định cư chứ chưa định canh, có nơi an cư mà không thể lạc nghiệp./.

CTV Diệp Anh/VOV-Đông Bắc

Nguồn VOV: http://vov.vn/xa-hoi/cao-bang-dinh-cu-ma-chua-dinh-canh-an-cu-nhung-khong-lac-nghiep-804837.vov