Cao Bằng: Cây cổ thụ lên xe tải về phố

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận được phản ánh của người dân ở Cao Bằng việc nhiều cây cổ thụ mọc tự nhiên bị khai thác, vận chuyển công khai trong thời gian dài.

Bờ sông vắng bóng cây cổ thụ

Theo tìm hiểu của phóng viên, những cây cổ thụ bị khai thác là cây mọc tự nhiên trên những bờ sông, bờ suối thuộc các xã của huyện Quảng Hòa (Cao Bằng), giáp biên giới với Trung Quốc. Những loại cây bị khai thác chủ yếu là cây vối, cây sung.

Thời gian khai thác và vận chuyển rầm rộ diễn ra từ tháng 1/2021 cho tới đầu tháng 2/2021. Theo người dân địa phương, họ chỉ được nghe nói là những người khai thác bảo mang về với mục đích bán cho đại gia và hoặc biếu cho “sếp” trồng làm cảnh.

 Cây cổ thụ được vận chuyển từ khu vực các xã biên giới về thị trấn Quảng Uyên của huyện Quảng Hòa. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cây cổ thụ được vận chuyển từ khu vực các xã biên giới về thị trấn Quảng Uyên của huyện Quảng Hòa. Ảnh: Toán Nguyễn.

Anh Tuấn năm nay 27 tuổi, một người dân ở huyện Quảng Hòa (Cao Bằng) không khỏi xót xa nói, từ bé đã thấy có hàng cây cổ thụ chạy dọc bờ sông Bắc Vọng, tạo nên nét đẹp tự nhiên đặc trưng cho quê hương Cao Bằng. Trước đây đi câu cá, rất là thích khi ngồi dưới những tán cây tỏa bóng mát, nhưng giờ không còn như vậy do những cây to đã bị khai thác.

Theo sự chỉ dẫn của anh Tuấn, phóng viên đã đến một trong những địa điểm cây cổ thụ bị khai thác, đó là xóm Nà Lòa, xã Bế Văn Đàn, huyện Quảng Hòa. Có thể thấy, để lấy được những cây cổ thụ đi, những người khai thác đã phải dùng nhiều loại máy móc cỡ lớn. Như máy xúc để sẵn sàng san gạt mở đường và đào cây, sau đó sẽ dùng xe cẩu và xe tải vận chuyển cây.

Dấu vết để lại ở hiện trường là một đoạn đường mới được cải tạo, những gốc cây đã bị đào đi để lại hố đất có đường kính khoảng hơn 3m. Toàn bộ những vị trí cây mọc trước đây nằm ngay trên bờ sông, hoặc trên những bãi soi của sông Bắc Vọng.

Xe vận chuyển cây cổ thụ cả vào buổi tối. Ảnh: Toán Nguyễn.

Cây cổ thụ được hợp pháp hóa như nào?

Để làm rõ việc khai thác cây cổ thụ tự nhiên ở xóm Nà Lòa, xã Bế Văn Đàn (huyện Hòa An, Cao Bằng), phóng viên đã đến gặp Trưởng xóm Nà Lòa là ông Nguyễn Văn Nhuận. Ông Nhuận thông tin, việc khai thác cây cổ thụ trên địa bàn xóm là có thật. Đây là những cây mọc hoang tự nhiên ở bờ sông, giáp với đất của một số người dân canh tác lâu năm ở gần đó. Nên người đến khai thác phải trả cho người dân với số tiền là 2 triệu đồng/cây, họ cũng đã khai thác 6 cây.

Ông Nhuận cho biết thêm, người mua tên là Khanh ở thị trấn Quảng Uyên, huyện Quảng Hòa tự xin giấy tờ và làm hợp đồng mua bán với người dân. Khi đến gặp Trưởng xóm, thì có cả cán bộ Kiểm lâm địa bàn dẫn người mua đến, bảo cây này trên đất của dân, không vi phạm gì cả nên cũng đã ký làm chứng theo hồ sơ mà Kiểm lâm viên đưa cho.

Một đoạn đường ở xóm Nà Lòa, xã Bế Văn Đàn mới được những người khai thác cây cổ thụ cải tạo làm đường vận chuyển. Ảnh: Toán Nguyễn.

Làm việc với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Dương Quang Đồng, Chủ tịch UBND xã Bế Văn Đàn (huyện Quảng Hòa, Cao Bằng) xác nhận vụ việc khai thác cây cổ thụ bờ sông Bắc Vọng và được Kiểm lâm địa phương xác nhận là không vào rừng đầu nguồn và rừng tự nhiên, không vào hành lanh bảo vệ sông, đều là những loại cây mọc tự nhiên.

Có 5 cây ở xóm Nà Lòa đã được được cán bộ Kiểm lâm chấp thuận, còn 1 cây do doanh nghiệp đã đào nên rồi, nên xóm đã xin ý kiến và cho bán cây này, nộp tiền vào quỹ của xóm. Còn 4 cây nữa ở dọc sông Bắc Vọng, đơn vị này đang tiến hành đào trái phép, xã nhận được thông tin đã cử cán bộ ra lập biên bản và yêu cầu dừng không được tiếp tục vi phạm.

Nhưng khi được hỏi về giấy tờ nguồn gốc đất đai của người dân có cây bán, vị trí khai thác cây, thì ông Đồng thừa nhận là người dân không có. Vấn đề này ông Đồng chỉ được nghe Phó Chủ tịch UBND xã phụ trách lĩnh vực đi về báo cáo, thêm nữa do hồ sơ đã được cán bộ Kiểm lâm hướng dẫn thực hiện nên nghĩ là làm đúng.

Dấu vết khai thác cây cổ thụ nằm giáp với bờ sống Bắc Vọng, khác hoàn toàn với hồ sơ được cán bộ Kiểm lâm huyện Quảng Hòa xác nhận là ở trong đất của người dân. Ảnh: Toán Nguyễn.

Tuy nhiên, thực tế tại hiện trường cho thấy, toàn bộ những cây cổ thụ trên đều nằm sát mép bờ sông, nằm trong hành lang bảo vệ đê điều 5m. Vì vậy có nhiều dấu hiệu cho thấy đã được hợp thức hóa để biến hành vi khai thác trái phép thành hợp pháp.

Theo Luật Đê điều quy định:

Điều 23: Phạm vi bảo vệ đê điều

Phạm vi bảo vệ đê điều bao gồm đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê, công trình phụ trợ và hành lang bảo vệ đê, kè bảo vệ đê, cống qua đê.
Hành lang bảo vệ đê được quy định như sau:
a) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp đặc biệt, cấp I, cấp II và cấp III ở những vị trí đê đi qua khu dân cư, khu đô thị và khu du lịch được tính từ chân đê trở ra 5 mét về phía sông và phía đồng; hành lang bảo vệ đê đối với các vị trí khác được tính từ chân đê trở ra 25 mét về phía đồng, 20 mét về phía sông đối với đê sông, đê cửa sông và 200 mét về phía biển đối với đê biển;
b) Hành lang bảo vệ đê đối với đê cấp IV, cấp V do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định nhưng không được nhỏ hơn 5 mét tính từ chân đê trở ra về phía sông và phía đồng.

Điều 24: rách nhiệm bảo vệ đê điều

Tổ chức, cá nhân khi phát hiện hành vi hoặc các tác động tự nhiên gây tổn hại hoặc đe dọa đến an toàn của đê điều thì phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân nơi gần nhất hoặc cơ quan nhà nước quản lý đê điều trên địa bàn để kịp thời ngăn chặn và có biện pháp xử lý.
Khi có báo động lũ từ cấp I trở lên đối với tuyến sông có đê hoặc khi có báo động lũ từ cấp II trở lên đối với tuyến sông khác, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đê phải huy động lực lượng lao động tại địa phương, phối hợp với lực lượng chuyên trách quản lý đê điều để tuần tra, canh gác và thường trực trên các điếm canh đê, phát hiện và xử lý kịp thời các sự cố đê điều. Mức thù lao cho lực lượng này do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

Toán Nguyễn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/cao-bang-cay-co-thu-len-xe-tai-ve-pho-d284471.html