Cao Bằng cần tận dụng lợi thế du lịch, nông nghiệp và kinh tế cửa khẩu

Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch của tỉnh Cao Bằng vào ngày 25-11.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư thương mại, du lịch tỉnh Cao Bằng. Ảnh: Tiến Trung

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt niềm tin chính trị vào nơi đây, khởi đầu cho sự nghiệp kháng chiến hào hùng và cách mạng đã thành công. Ngày nay chúng ta sẽ quyết tâm tìm ra những “đòn bẩy” chiến lược để phát triển kinh tế của Cao Bằng, nhằm khai thác một thị trường lớn liền kề là tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với quy mô GDP trên 350 tỷ USD và đang có tốc độ tăng trưởng rất cao, khả năng kết nối với các tỉnh, thành trong nước, khối ASEAN, đặc biệt lợi thế có 333 km đường biên giới, 1 cửa khẩu quốc tế, 3 cửa khẩu quốc gia.

Thủ tướng cho rằng, Cao Bằng cần tập trung vào 3 hướng đi chính: Dịch vụ du lịch; nông nghiệp, lâm nghiệp chế biến; ứng dụng công nghệ cao và kinh tế cửa khẩu. Trong đó, du lịch cần trở thành ngành mũi nhọn mang bản sắc Cao Bằng như du lịch lịch sử, tâm linh, du lịch sinh thái, địa hình,… được khai thác dựa trên yếu tố bền vững, độc đáo riêng có của Cao Bằng, phát huy giá trị Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng mới được công nhận.

Chính quyền địa phương cùng với nhà đầu tư và các chuyên gia bàn cách để những di sản này phục vụ cho quốc kế dân sinh. Mô hình du lịch của Cao Bằng phải có sự cộng hưởng, tương tác chiến lược các giá trị văn hóa, lịch sử, lòng yêu nước, cảnh quan thiên nhiên, ẩm thực... Tạo ra ngành du lịch đa dạng, phong phú, có bản sắc để du khách “một lần đi, nhiều lần nhớ”, để du khách hiểu được những giá trị và kể những câu chuyện về thác Bản Giốc, núi Các Mác, suối Lê nin, rừng Trần Hưng Đạo và những điều thú vị khác về Cao Bằng. Làm sao để du khách mong muốn quay trở lại Cao Bằng sớm nhất có thể? Làm sao để người dân, nhất là đồng bào dân tộc được hưởng lợi từ văn hóa, nghệ thuật, từ du lịch? Đây cũng là câu hỏi mà nhà đầu tư cần nghiên cứu.

UBND tỉnh Cao Bằng trao Bản ghi nhớ đầu tư cho các doanh nghiệp. Ảnh: Tiến Trung

Ngoài ra, Cao Bằng có tiềm năng rất lớn về đất phát triển lâm nghiệp và nông nghiệp. Nhiều vùng sinh thái và gắn liền với các cây trồng, vật nuôi đặc hữu riêng có, với nguồn gen phong phú như lúa nếp hương Xuân Trường, cam Trưng Vương, quýt Hà Trì, hồi Thạch An, Trà Lĩnh, lê Đông Khê, bưởi Phục Hòa, hạt dẻ Trùng Khánh; giống gà xương đen của đồng bào Mông, lợn đen Táp Ná, ngựa Nước Hai, chó lùn Bảo Lạc.... đây là lợi thế lớn nhất của Cao Bằng mà các tỉnh khác không có được.

Thủ tướng gợi ý phát triển nông nghiệp Cao Bằng cần dựa trên ba trụ cột gồm: Sản xuất theo mô hình hữu cơ, sạch; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến (công nghệ gen, công nghệ chế biến…) và liên kết chuỗi giá trị và liên kết cụm ngành. Xây dựng và nâng cấp thương hiệu là phương cách hữu hiệu để nâng tầm giá trị cho các sản phẩm nông nghiệp địa phương. Thủ tướng nhấn mạnh một ngành nghề có thế mạnh, có nguồn nguyên liệu, có thị trường lớn, là trồng rừng, chế biến gỗ rừng trồng.

Với lợi thế đường biên giới dài, có nhiều cửa khẩu kết nối với tỉnh Quảng Tây có tốc độ phát triển cao, do đó Cao Bằng cần tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu. Kinh tế cửa khẩu có vai trò chiến lược trong phát triển sản xuất, thương mại, kết nối với thị trường Trung Quốc rộng lớn và tiềm năng.

Thủ tướng cho biết, hàng hóa từ Cao Bằng đi Nam Ninh (thủ phủ của Quảng Tây) chỉ có 180 km, bằng 1/2 quãng đường về Hà Nội. Cao Bằng phải tận dụng tốt điều này. “Chúng ta thực hiện nghiêm túc nguyên tắc thúc đẩy hòa bình, hợp tác cùng phát triển, hai bên cùng có lợi và tôn trọng chủ quyền của nhau. Cần đề cao hợp tác thương mại xuyên biên giới, đặc biệt là với thị trường đông dân nhất thế giới. Cao Bằng phải thấy được cơ hội chiến lược của mình trong đó để đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà phát triển” - Thủ tướng nhấn mạnh.

V.H - CTV

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/cao-bang-can-tan-dung-loi-the-du-lich-nong-nghiep-va-kinh-te-cua-khau/