Cảnh tượng đặc biệt tại làng gốm lâu đời bên bờ sông Hồng

Xã Bát Tràng đã chính thức được công nhận là điểm du lịch vệ tinh của Hà Nội. Nhưng từ lâu, làng nghề gốm cổ Bát Tràng và Giang Cao đã là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước để khám phá và trải nghiệm cách làm gốm truyền thống của người Việt xưa.

Xã Bát Tràng có 2 làng Giang Cao và Bát Tràng đều làm gốm. Theo người dân nghề gốm đã có từ hơn 500 năm trước, Bát Tràng mở đầu rồi tiếp đến Giang Cao. Nghề làm gốm nơi đây là một trong số ít làng nghề truyền thống vẫn phát triển cho đến ngày nay và ngày càng thịnh vượng.

Xã Bát Tràng có 2 làng Giang Cao và Bát Tràng đều làm gốm. Theo người dân nghề gốm đã có từ hơn 500 năm trước, Bát Tràng mở đầu rồi tiếp đến Giang Cao. Nghề làm gốm nơi đây là một trong số ít làng nghề truyền thống vẫn phát triển cho đến ngày nay và ngày càng thịnh vượng.

Ngay từ con đường chính dẫn vào xã Bát Tràng, san sát các cửa hàng buôn bán đồ gốm vô cùng sầm uất. Nằm bên bờ tả ngạn sông Hồng, thuộc huyện Gia Lâm, Bát Tràng cũng được biết đến là vùng địa linh, có 9 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc có giá trị như: chùa Tiêu Giao, đình Giang Cao, miếu Bản, đình Bát Tràng, đền Mẫu, chùa Kim Trúc, văn chỉ Bát Tràng.

Làng gốm Bát Tràng sản xuất nhiều mặt hàng phong phú cả về chủng loại và kiểu dáng, trong đó có cả những mặt hàng mỹ nghệ như: tượng và phù điêu công nghệ cao, con giống, lọ hoa, đĩa treo tường…

Điều thú vị nhất khi tham quan làng gốm Bát Tràng là du khách được trực tiếp tham quan các nghệ nhân làm ra những sản phẩm vô cùng tinh tế, đặc biệt họ có thể tự tay nặn những sản phẩm mà mình yêu thích. Trong ảnh là những người thợ thủ công đang vẽ hình trang trí cho các sản phẩm gốm trước khi tráng men và cho vào lò nung.

Cách thức làm ra sản phẩm gốm của người Bát Tràng đã thay đổi khá nhiều, từ thô sơ như vuốt, nặn chuyển sang làm máy. Lò nung than thay bằng lò ga giúp loại bỏ gần như hoàn toàn phế phẩm. Tuy nhiên, du khách vẫn có thể được xem và trải nghiệm cùng các thợ thủ công điêu luyện với cách làm gốm tuyền thống ở một số xưởng gốm.

Khu làng cổ rộng 5,2ha có hàng trăm năm tuổi với 23 nhà cổ, 16 nhà thờ họ được xây dựng bằng gạch Bát Tràng cổ; với đường ngõ, xóm ngoằn nghèo, chật hẹp và những bức tường cao chót vót gắn với những câu chuyện bảo vệ làng của người dân. Đây cũng là những địa điểm hấp dẫn đối với du khách khi đến tham quan Bát Tràng.

Làng nghề với hơn 1.000 hộ sản xuất, kinh doanh gốm sứ; có hệ thống cửa hàng, cửa hiệu dọc theo tuyến đường từ làng Giang Cao đến làng Bát Tràng giới thiệu và bán các sản phẩm gốm sứ đẹp, phong phú, đa dạng, phù hợp với nhiều đối tượng khách tham quan, mua sắm. Trong ảnh là một vị trí rất đẹp hướng ra sông Hồng từ ngôi miếu làng.

Bát Tràng cũng vừa khai trương tổ hợp văn hóa, du lịch, thương mại “Bát Tràng, Chợ Chiều – Điểm đến ngàn năm”. Khu vực chợ chiều chuyên bán thực phẩm phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân, trong khi đó khu chợ sáng chuyên đồ gốm phục vụ khách du lịch.

Đình làng Giang Cao - một di tích lịch sử văn hóa có giá trị về kiến trúc.

Được gọi là một làng nghề song Bát Tràng nay có thể được xem như phố nghề bởi không gian và cảnh quan đang thay đổi từng ngày theo xu hướng đô thị hóa.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm đại trà, nhiều nghệ nhân, thợ giỏi đã phục chế những tác phẩm gốm sứ cổ được sử dụng trong thời kỳ phong kiến như gốm sứ đời Lý, đời Trần, đời Mạc…; khôi phục và chế tác thành công nhiều công thức men đặc sắc.

Nguồn Khỏe 365: https://khoe365.nguoiduatin.vn/canh-tuong-dac-biet-tai-lang-gom-lau-doi-ben-bo-song-hong-73943.html