Cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung không chỉ là vấn đề của hai nước

Mỹ và Trung Quốc không phải là hai quốc gia duy nhất bị thiệt hại từ căng thẳng thương mại hiện nay giữa hai nước. Trong bối cảnh các công ty đang chật vật tìm cách tránh thuế quan đang ngày càng tăng cao mà hai nền kinh tế lớn nhất thế giới áp đặt lên hàng hóa của nhau, các quốc gia khác cũng đang bị lôi kéo vào cuộc xung đột mà có thể sẽ không có người chiến thắng.

Các nước khác cũng bị lôi kéo trong cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung

Các nước khác cũng bị lôi kéo trong cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung

Thế giới chỉ có thể đứng nhìn khi những sự kiện mới nhất xảy ra cuối tuần trước. Để đáp lại việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đe dọa áp thuế đối với hàng hóa trị giá 75 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ, ngày 23/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump viết trên trang Twitter cá nhân: "Các công ty của Mỹ do đó được lệnh ngay lập tức tìm kiếm lựa chọn thay thế cho Trung Quốc, bao gồm cả việc đưa các công ty trở về 'nhà' và sản xuất các sản phẩm của mình ngay tại nước Mỹ". Nói với các phóng viên tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) diễn ra ở Biarritz (Pháp) hôm 25/8, Tổng thống Trump tuyên bố ông có thể sử dụng các quyền lực được dùng trong trường hợp khẩn cấp để buộc các công ty tư nhân phải chuyển hoạt động kinh doanh ra khỏi Trung Quốc, song cũng nói rằng hiện tại ông chưa có kế hoạch nào như vậy.

Mặc dù vậy, những tuyên bố của ông Trump khá mơ hồ, bởi nhiều công ty đặt ở trong và ngoài nước Mỹ hiện đang tìm kiếm những lựa chọn khác thay thế cho Trung Quốc vì cuộc chiến tranh thương mại hiện nay. Rất nhiều quốc gia đã đưa ra những đề nghị hấp dẫn, tuy nhiên dường như Mỹ không như vậy.

Ví dụ, năm ngoái, công ty công nghệ năng lượng Mặt Trời Enphase, đặt tại California, đã thông báo rằng công ty này sẽ sản xuất một số sản phẩm của mình tại Mexico để tránh thuế quan của Mỹ. Cũng giống như vậy, Apple cho biết công ty này có thể sẽ chuyển một số hoạt động lắp ráp iPhone từ các cơ sở ở Trung Quốc của công ty sản xuất Foxconn của vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) sang các cơ sở của công ty này ở Ấn Độ. Các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, và đặc biệt là Việt Nam, là một vài trong số những quốc gia được hưởng lợi nhiều nhất từ sự chuyển đổi này. Ví dụ, Nintendo, Sharp và Kyocera, gần đây đều đã thông báo kế hoạch chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.

Brian Keare, một thành viên trong ban quản trị của công ty phân tích kinh doanh Incorta và từng là giám đốc công nghệ thông tin của công ty sản xuất NorTek, nói: "Các công ty đang tìm cách đa dạng hóa bên ngoài Trung Quốc. Kỷ nguyên 'đặt tất cả trứng vào cùng một giỏ' đã qua rồi".

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Mỹ-ASEAN, ông Alex Feldman, cho rằng đây hoàn toàn không phải là một hiện tượng mới. Trong bối cảnh lương ở Trung Quốc tăng cao hơn, nhiều năm qua, các công ty đang khám phá những khu vực khác của thế giới để tìm kiếm lao động sản xuất giá rẻ. Ví dụ, công ty Samsung của Hàn Quốc từ lâu đã sản xuất sản phẩm tại Việt Nam. Những thỏa thuận thương mại mới cũng đang biến Đông Nam Á trở nên hấp dẫn hơn đối với các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương rộng mở. Cạnh tranh thương mại Mỹ-Trung dường như chỉ càng thúc đẩy thêm những xu hướng này.

Trong năm nay, Mexico đã vượt qua Trung Quốc để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, mặc dù Mỹ vẫn nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Trung Quốc hơn là từ Mexico. Theo Cục Thống kê Mỹ, thâm hụt thương mại 9,9 tỷ USD của Mỹ với Mexico trong tháng 6/2019 là mức thâm hụt tính theo tháng cao nhất từ trước đến nay giữa hai nước. Xuất khẩu sang Mỹ và sang các quốc gia khác trên thế giới của Ấn Độ, Malaysia, Thái Lan và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) đều tăng lên, trong khi thâm hụt thương mại của Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục là 891,3 tỷ USD trong năm 2018. Các nhà kinh tế lập luận rằng thâm hụt thương mại không nhất thiết là điều xấu, song rõ ràng là những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm giảm mức thâm hụt này vẫn chưa có hiệu quả.

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/canh-tranh-thuong-mai-my-trung-khong-chi-la-van-de-cua-hai-nuoc-110702.html