Cạnh tranh thu hút nhân sự ngân hàng

Hàng loạt ngân hàng báo lãi đậm trong quý I và lên kế hoạch tuyển dụng nhân sự, sẵn sàng trả lương cao cho nhân viên ở các vị trí từ chuyên viên đến cấp quản lý. Tín hiệu này cho thấy dường như ngân hàng đang vào cầu kinh doanh mới.

Tín hiệu này cho thấy dường như ngân hàng đang vào cầu kinh doanh mới. Nguồn: Internet.

Tín hiệu này cho thấy dường như ngân hàng đang vào cầu kinh doanh mới. Nguồn: Internet.

Một báo cáo của website tuyển dụng VietnamWorks dự báo trong năm nay, tài chính – ngân hàng sẽ tiếp tục dẫn đầu top 10 ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng cao nhất.

Báo cáo ghi nhận vào năm 2018, nhu cầu tuyển dụng của các tổ chức tài chính – ngân hàng tăng 24%, tuy nhiên số lượng hồ sơ ứng tuyển, tức nguồn cung, chỉ tăng 12%.

Còn theo Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), có 26,6% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại.

Thu nhập tăng mạnh

Theo khảo sát của Thời báo Kinh Doanh từ báo cáo tài chính quý I/2019 của các ngân hàng thương mại cho thấy hầu hết đều tăng mạnh chi phí cho nhân viên. Trong đó, phần tăng mạnh nhất chủ yếu ở quỹ lương và trợ cấp cho các nhân viên.

Theo lãnh đạo các nhà băng, sở dĩ mức lương thu nhập của cán bộ nhân viên tăng do lợi nhuận của ngân hàng trong năm qua và quý đầu năm nay tăng mạnh.

Hiện, Vietcombank vẫn dẫn đầu nhóm nhân viên ngân hàng có mức lương cao nhất hệ thống. Cụ thể, trong quý I, ngân hàng này đã chi ra tới 1.925 tỷ đồng để trả lương và phụ cấp cho nhân viên, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do số lượng nhân viên tăng thêm gần 1.000 người, thu nhập bình quân đầu người ở mức 38,2 triệu đồng/tháng.

Thực tế, quỹ lương, thưởng, phúc lợi cho nhân viên ngân hàng trong khoảng ba năm gần đây đều tăng cùng với sự tăng trưởng của hoạt động kinh doanh, như trường hợp của TPBank: quý đầu năm nay đã vươn lên ở vị trí thứ hai về mức chi thu nhập cho nhân viên.

Tính đến hết quý I, quỹ lương và trợ cấp mà TPBank phải chi trả lên đến 530 tỷ đồng cho 4.998 nhân viên. Trung bình, mỗi nhân viên nhà băng này có thu nhập lên tới 35,3 triệu đồng/tháng, cao hơn nhiều so với mức 26 triệu đồng năm trước đó (tăng 41%).

Hai ngân hàng khác mới gia nhập nhóm chi thu nhập nhân viên trên 30 triệu đồng/tháng là Techcombank với 32 triệu đồng và MB với mức thu nhập 31,4 triệu đồng. Một số ngân hàng như Eximbank, HDBank, Sacombank, VPBank, MSB… chủ yếu dao động trong khoảng trên dưới 20 triệu đồng.

VietnamWorks cho biết, trong hầu hết giai đoạn công việc từ mới ra trường cho tới trở thành nhân sự cấp quản lý, ngân hàng luôn là ngành có mức thu nhập top đầu so với những ngành nghề phổ biến khác trong thị trường lao động.

Cụ thể, sinh viên ngân hàng mới ra trường hiện nay thường được chi trả mức thu nhập trung bình vào khoảng 5-7,75 triệu đồng/tháng. Mức này tăng dần qua các cấp nhân sự và lên tới 18-50 triệu đồng/ tháng cho các vị trí quản lý hoặc trưởng phòng.

Lo "chảy máu" chất xám

Các chuyên gia đánh giá, thời gian qua, ngành ngân hàng có nhiều khởi sắc, nợ xấu giảm mạnh, kinh doanh tăng trưởng cao, đột phá về lợi nhuận, quy mô ngày càng mở rộng… Vì vậy, các ngân hàng sẽ phải tuyển dụng nhân sự nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu phát triển.

Đây có lẽ cũng chính là định hướng khiến các ngân hàng tập trung vào xây dựng lực lượng, phát triển quy mô và nâng cao chất lượng để lọt vào top ngân hàng mạnh trong năm tới, đặc biệt là đáp ứng chỉ đạo của Chính phủ hướng tới việc niêm yết cổ phiếu ra thị trường thế giới.

Thực tế, gần đây cùng với chế độ đãi ngộ cao hơn cho nhân viên, hàng loạt ngân hàng cũng liên tục tuyển dụng nhân sự hoặc tiết lộ kế hoạch tuyển nhân viên "khủng".

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù đưa ra mức lương hấp dẫn, nhưng việc tuyển dụng nhân sự, đặc biệt là nhân sự có chuyên môn ở ngành ngân hàng cũng không hề dễ dàng. Do đó, sự cạnh tranh về thu hút nguồn nhân lực ở các ngân hàng trở nên gay gắt trong thời gian qua.

Ts. Bùi Quang Tín, Đại học Ngân hàng Tp.Hồ Chí Minh, cho rằng: "Khu vực tài chính ngân hàng luôn diễn ra chu trình di chuyển lao động khá khắc nghiệt. Tất yếu sẽ có việc nguồn nhân lực chất lượng cao chuyển từ ngân hàng nội sang ngoại nếu không có chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài".

Thừa nhận có tình trạng "chảy máu chất xám", lãnh đạo một ngân hàng TMCP chia sẻ rất khó khăn để "giữ chân" lao động có trình độ. "Không phải nhân viên nào được tuyển dụng vào ngân hàng cũng có thể làm việc ngay. Hầu hết phải qua lớp huấn luyện, đào tạo nghiệp vụ. Chi phí đào tạo cũng lên đến hàng trăm triệu cho một khóa. Tuy nhiên, sau một thời gian tốt nghiệp, số lượng nhân viên ở lại gắn bó với ngân hàng còn rất ít", vị này cho hay.

Nguyên nhân là do khó tuyển được lao động có trình độ nên các ngân hàng thường đưa ra mức lương và chế độ đãi ngộ hậu hĩnh để "lôi kéo" nhân sự ở các ngân hàng khác. Như vậy, ngân hàng vừa giảm được chi phí đào tạo, vừa có người làm việc ngay.

Hiện nay, nhân sự cao cấp, nhân sự có trình độ đang chạy sang khối ngân hàng ngoại rất lớn do mức lương cực kỳ hấp dẫn và cơ chế tuân thủ chặt chẽ, luôn đảm bảo ở mức an toàn cao, phải minh bạch thông tin, không mâu thuẫn về lợi ích.

Ông Trần Tuấn Minh, Giám đốc Nhân sự của VIB, cho biết để "giữ chân" và tuyển được nhân sự chất lượng cao, gắn bó lâu dài, ngoài chi trả mức lương hợp lý, VIB luôn xây dựng môi trường làm việc dân chủ, nơi làm việc tiện nghi hiện đại, thúc đẩy văn hóa học tập và phát triển mô hình phúc lợi toàn diện.

Theo Hoàng Hà/thoibaokinhdoanh.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/ngan-hang/canh-tranh-thu-hut-nhan-su-ngan-hang-308780.html