Cạnh tranh Mỹ-Trung và cơ hội cho doanh nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc

Trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài dai dẳng, Hàn Quốc đã quyết định đi trước với khoản đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực kỹ thuật số và công nghệ cao.

Biểu tượng Samsung tại trụ sở ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Biểu tượng Samsung tại trụ sở ở thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung tiếp tục được đẩy lên cao sau khi Bộ Thương mại Mỹ tuyên bố các nhà sản xuất nước ngoài sử dụng linh kiện và phần mềm của Mỹ không được phép cung cấp sản phẩm cho tập đoàn công nghệ Huawei Technologies Co Ltd của Trung Quốc. Động thái này được cho là trực tiếp nhắm đến HiSilicon, bộ phận sản xuất chip của Huawei.
Theo bình luận của nhà nghiên cứu Cho Yong-chan, người đứng đầu Viện nghiên cứu kinh tế Mỹ-Trung Quốc (ACERI) được đăng trên trang world.kbs.co.kr, động thái này của Mỹ nhằm giáng một đòn chí mạng vào tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc, bởi hầu hết các nhà sản xuất chip bán dẫn trên thế giới đều sử dụng công nghệ của Mỹ, đồng thời đẩy cuộc xung đột thương mại giữa hai cường quốc này tiếp tục leo thang.
Nhà nghiên cứu Cho Yong-chan cho biết, mặc dù Huawei đang tự phát triển chip vi xử lý song vẫn phải dựa vào công ty sản xuất chip bán dẫn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc), doanh nghiệp hàng đầu thế giới hiện nay trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, sau khi Mỹ áp đặt biện pháp hạn chế mới, TSMC đã thông báo sẽ ngừng nhận đơn hàng mới từ Huawei.
Việc cắt nguồn cung chip từ TSMC sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong nỗ lực trở thành một "cường quốc về bán dẫn" trong tương lai. Mỹ từ trước đã cấm xuất khẩu mặt hàng chip bán dẫn (đóng gói tại Mỹ) cho tập đoàn Huawei và sau lệnh cấm nói trên, các nhà sản xuất chip bên ngoài nước Mỹ cũng sẽ bị hạn chế bán hàng cho Huawei.
Nói cách khác, lệnh trừng phạt mạnh mẽ này của Mỹ được đưa ra nhằm ngăn chặn Huawei tiếp cận các sản phẩm chip bán dẫn để phục vụ lĩnh vực sản xuất thiết bị viễn thông.
Huawei - tâm điểm trong cạnh tranh công nghệ Mỹ-Trung
Tập đoàn Huawei đại diện cho tương lai và tham vọng tăng cường tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong nền kinh tế toàn cầu.

Mạng di động thế hệ thứ năm (5G) đang được coi là cơ sở hạ tầng truyền thông di động thế hệ tiếp theo với tốc độ truyền dữ liệu cực nhanh. Đây là nền tảng thiết yếu phục vụ cho động lực tăng trưởng tương lai như nhà máy thông minh, xe tự lái, công nghệ thực tế ảo (VR).
Huawei hiện là công ty hàng đầu thế giới về tiêu chuẩn và thiết bị mạng 5G. Nhờ các thiết bị của Huawei, Bắc Kinh hy vọng sẽ nắm vai trò thống trị hệ sinh thái công nghệ toàn cầu trong thế kỷ XXI. Tuy nhiên, Mỹ đang nỗ lực kìm hãm tập đoàn công nghệ Trung Quốc bằng cuộc cạnh tranh về các tiêu chuẩn 5G và nỗ lực thống trị cơ sở hạ tầng kỹ thuật số toàn cầu.
Trong 30 năm qua, Huawei đã xây dựng hơn 1.500 mạng truyền thông tại hơn 170 quốc gia và khu vực để cung cấp thiết bị và dịch vụ truyền thông cho khoảng 3 tỷ người trên toàn thế giới.

Đối với Mỹ, nhà nghiên cứu Cho Yong-chan cho rằng "Huawei là một vấn đề cần giải quyết trong cuộc chiến giành ngôi vị bá chủ công nghệ toàn cầu" và động thái này của Washington đang làm lung lay thị trường bán dẫn thế giới.
Cụ thể, các lệnh trừng phạt của Mỹ chắc chắn sẽ gây thiệt hại nặng nề cho nhà sản xuất chip TSMC, đối tác lớn về cung cấp chip của Huawei. Một loạt công ty của Mỹ như Intel, Qualcomm với các cơ sở sản xuất chip bán dẫn bên ngoài nước Mỹ cũng sẽ bị ảnh hưởng.
Cũng theo nhà nghiên cứu Cho Yong-chan, các lệnh trừng phạt mới nhất của Mỹ chỉ nhằm vào các nhà sản xuất chip bán dẫn hệ thống nên không ảnh hưởng đến lĩnh vực sản xuất chip nhớ của các doanh nghiệp Hàn Quốc như công ty điện tử Samsung và SK Hynix.
Mặc dù vậy, đây cũng là "tin xấu" đối với Samsung khi doanh nghiệp này đang đặt mục tiêu vượt qua TSMC để trở thành nhà sản xuất chip bán dẫn hệ thống số một thế giới vào năm 2030.
Tuy nhiên, Washington có thể sẽ yêu cầu Samsung mở rộng các nhà máy tại Mỹ và tham gia "liên minh trừng phạt" Huawei.

Trong khi đó, các nhà sản xuất chip nhớ và linh kiện cho điện thoại thông minh của Hàn Quốc cũng sẽ nhận được ít đơn đặt hàng từ Huawei nếu tập đoàn này cắt giảm sản xuất. Ngoài ra, các đơn hàng từ Apple cũng có thể giảm do người dân Trung Quốc tẩy chay các sản phẩm của hãng này.
Cơ hội cho các doanh nghiệp công nghệ cao Hàn Quốc?
Mặc dù là "đối thủ" của các nhà sản xuất chip và điện thoại thông minh Hàn Quốc, Huawei cũng là "đối tác lớn" về nhập khẩu các sản phẩm công nghệ cao Hàn Quốc với các đơn hàng chip lên tới 8 tỷ USD/năm.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch COVID-19, các nhà cung cấp linh kiện Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị sụt giảm doanh số nếu lĩnh vực xuất khẩu hàng hóa cho Huawei gặp trở ngại. Tuy nhiên, về lâu dài các doanh nghiệp Hàn Quốc có thể gia tăng thị phần ở các mảng Huawei đang dẫn đầu.
Thực tế cho thấy, việc cắt hợp đồng giữa Huawei và TSMC có thể mở ra cơ hội cho Samsung vốn đang nắm giữ vị trí thứ hai thế giới về mảng gia công chip bán dẫn. Sau khi Washington công bố áp đặt lệnh trừng phạt mới nhất với Huawei, Bắc Kinh đã cho ra mắt Quỹ quốc gia trị giá 2,7 tỷ USD để hỗ trợ các nhà sản xuất chip trong nước.
Một số nhà phân tích cho rằng nhà sản xuất chip bán dẫn của Trung Quốc SMIC có thể là một lựa chọn thay thế. Tuy nhiên, SMIC mới chỉ dừng ở công nghệ chip 14nm, kém xa công nghệ 5nm của Samsung. Việc sử dụng chip 14nm sẽ tốn nhiều điện năng khiến các thiết bị của Huawei có thể giảm hiệu suất và bị loại khỏi thị trường.
Do đó, trong cuộc chiến công nghệ giữa Mỹ và Trung Quốc, Samsung có thể "ngư ông đắc lợi" giành lấy thị phần của Huawei. Theo hãng nghiên cứu thị trường IHS Markit, năm 2019 Huawei dẫn đầu thị trường thiết bị viễn thông 5G, xếp trên Ericsson của Thụy Điển và Samsung của Hàn Quốc. Do đó, khó khăn của Huawei có thể giúp mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp Hàn Quốc.
Trong thời kỳ hậu COVID-19, ngành kỹ thuật số, các lĩnh vực kinh doanh không tiếp xúc, nhà máy thông minh, công nghệ VR dựa trên đám mây sẽ phát triển nhanh chóng.

Xu hướng làm việc từ xa, mua sắm trực tuyến, giáo dục từ xa, khám chữa bệnh từ xa... đang ngày càng được người dân ưa chuộng. Bên cạnh đó, ngành công nghiệp di động sẽ là tương lai và các thiết bị gia dụng đa chức năng sẽ được sản xuất với số lượng lớn.
Theo nhà nghiên cứu Cho Yong-chan, nhiều sản phẩm liên quan đến Cách mạng công nghiệp thứ tư sẽ cần đến chip nhớ truy cập ngẫu nhiên động DRAM và điều này mở ra cơ hội tuyệt vời cho các nhà sản xuất chip bán dẫn Hàn Quốc.
Mới đây, Samsung đã công bố kế hoạch xây dựng dây chuyền sản xuất chip tiên tiến dựa trên công nghệ quang khắc tia cực tím tại nhà máy sản xuất chip ở thành phố Pyeongtaek thuộc tỉnh Gyeonggi.
Cuộc cạnh tranh giành quyền bá chủ của hai siêu cường có thể trở thành một cuộc khủng hoảng cho thế giới, nhưng lại là một cơ hội mới cho Hàn Quốc./.

Anh Nguyên (P/v TTXVN tại Seoul)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/canh-tranh-my-trung-va-co-hoi-cho-doanh-nghiep-cong-nghe-cao-han-quoc/158521.html