Cạnh tranh Mỹ-Trung: Hiểu biết của Mỹ về Trung Quốc đang ở mức 'đáng báo động'

Đã có ít nhất 6 lỗi phiên dịch từ phía Mỹ được ghi nhận trong cuộc họp cấp cao Mỹ - Trung tại Alaska. Nguyên nhân được nhận định đến từ việc hiểu biết của Mỹ về Trung Quốc đang giảm dần.

Hiểu biết về Trung Quốc của người Mỹ đang giảm dần trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên gia tăng. (Nguồn: SCMP)

Hiểu biết về Trung Quốc của người Mỹ đang giảm dần trong bối cảnh căng thẳng giữa hai bên gia tăng. (Nguồn: SCMP)

Từ cuộc họp ở Alaska...

Ngày 19/3, cuộc gặp cấp cao đầu tiên giữa các quan chức Mỹ dưới nhiệm kỳ Tổng thống Biden và các quan chức Trung Quốc đã diễn ra tại thành phố Anchorage (bang Alaska, Mỹ).

Đáng chú ý, tại sự kiện này, giới quan sát đã nhận ra một vấn đề đáng lo ngại trong mối quan hệ Mỹ - Trung, đó là những khoảng cách trong hiểu biết về chính phủ, chế độ chính trị, nền văn hóa, văn minh của hai bên.

Trong khi, các nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc nói thông thạo tiếng Anh thì Ngoại trưởng Mỹ lại không nói được tiếng Trung.

Sau những cáo buộc của Mỹ đối với Trung Quốc là màn đáp trả của Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Dương Khiết Trì cáo buộc Mỹ "đạo đức giả" được nói bằng tiếng Trung Quốc. Nhà ngoại giao Trung Quốc cũng không quên nói bằng tiếng Anh sau khi kết thúc cuộc họp: "Đây là một bài kiểm tra cho người phiên dịch".

Ông Dương Khiết Trì từng học ở Anh và có khả năng nói tiếng Anh trôi chảy. Nhiều lần trước khi diễn ra cuộc họp ở Alaska, ông đã lên tiếng chỉ trích công việc phiên dịch.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng đồng tình với quan điểm của ông Dương rằng đó sẽ là thách thức đối với người phiên dịch. Nhưng ông Antony Blinken cũng không thể đánh giá được người phiên dịch có hoàn thành nhiệm vụ hay không khi bản thân ông không thể nói được tiếng Trung.

Tương tự, Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan hay bất kỳ cố vấn hàng đầu nào về Trung Quốc của Tổng thống Biden cũng vậy, họ đều không nói được tiếng Trung.

Theo giới quan sát, một vấn đề lớn đang "cản đường" quan hệ Mỹ-Trung là sự hiểu biết của Trung Quốc về Mỹ đang vượt xa sự hiểu biết của người Mỹ về Trung Quốc.

Chữ viết, ký tự và ngôn ngữ tiếng Trung được mô tả là khá phức tạp khiến nhiều người Mỹ không tự tin rằng họ có thể hiểu về Trung Quốc, thậm chí là khi họ "đã cố gắng hiểu".

Học giả Ezra F. Vogel của Đại học Harvard (Mỹ) đã cảnh báo về sự thiếu hiểu biết về Trung Quốc đang gia tăng ở thế hệ tri thức mới của Mỹ: "Thế hệ học giả Mỹ hiểu về Trung Quốc đã không còn, và chúng ta đã quá chậm để thay thế họ".

Viết trên tờ Washington Post, học giả này nhấn mạnh: “Trong những năm gần đây, chính sách và luận điệu chính trị của Mỹ đối với Trung Quốc đã bị chi phối bởi các quan chức có kiến thức hạn hẹp về các diễn biến ở quốc gia này".

Vào thời điểm trước khi qua đời vào năm ngoái, ông Vogel đang thực hiện một tài liệu chính sách về quan hệ Mỹ-Trung mà ông dự định sẽ đệ trình lên chính quyền sắp tới của Tổng thống Biden.

...đến góc nhìn từ giáo dục

Ngay cả khi quan hệ Mỹ-Trung trở nên xấu đi dưới chính quyền ông Trump, vẫn có hơn 300.000 sinh viên Trung Quốc đến Mỹ mỗi năm. Thậm chí, con gái của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hiện cũng đã theo học tại Đại học Harvard.

Nhiều sinh viên Trung Quốc đã trở về nước với những hiểu biết sơ đẳng về chính trị, văn hóa và lịch sử Mỹ, và nghiễm nhiên tất cả họ đều nói thành thạo tiếng Anh.

Ngược lại, sự quan tâm của sinh viên Mỹ về du học tại Trung Quốc từng tăng đến mức đỉnh sau Thế vận hội năm 2008 ở Bắc Kinh, nhưng đã giảm dần trong những năm gần đây. Đại dịch Covid-19 và những căng thẳng song phương càng góp phần đẩy nhanh sự suy giảm này.

Trong bối cảnh căng thẳng Mỹ-Trung leo thang, nhiều trường đại học Mỹ đã cắt đứt quan hệ với các Viện Khổng Tử ở Trung Quốc do lo ngại về một chương trình giảng dạy được chính phủ Trung Quốc tài trợ sẽ gây ảnh hưởng chính trị đến các trường học ở Mỹ. Và việc đóng cửa sẽ hạn chế thêm cơ hội học tiếng Trung của sinh viên Mỹ.

Những mối quan tâm và cơ hội học tiếng Trung của người Mỹ đang giảm dần có thể là một trong những yếu tố làm tổn hại các nỗ lực ngoại giao của nước Mỹ.

Phiên dịch viên người Mỹ tại cuộc họp ở Alaska đã mắc ít nhất 6 lỗi trong lúc thực hiện nhiệm vụ, điều này được cho là có thể đã góp phần làm gia tăng căng thẳng hai bên.

Năm 2020, khi căng thẳng Mỹ-Trung lên đỉnh điểm, chính quyền Tổng thống tiền nhiệm Donald Trump đã đình chỉ chương trình trao đổi Fulbright ở Trung Quốc. Trước đó, chương trình đã bị đình chỉ trong 30 năm, nhưng đã được nối lại khi quan hệ giữa Mỹ-Trung được bình thường hóa vào năm 1979.

Giới phân tích nhận định, đây sẽ là một "bi kịch lớn cho sinh viên Mỹ" nếu việc đình chỉ mới kéo dài. Sinh viên Mỹ muốn học về Trung Quốc sẽ phải chuyển sang các nước khác khiến tình trạng thiếu hiểu biết về Trung Quốc ở Mỹ ngày càng thêm trầm trọng.

Không chỉ sinh viên mà cơ hội tìm hiểu về Trung Quốc đối với người Mỹ cũng ngày càng trở nên hạn chế.

Trung Quốc đã trục xuất hoặc từ chối gia hạn thị thực cho các nhà báo phương Tây, bao gồm cả những người đến từ các hãng truyền thông của Mỹ bao gồm The New York Times, The Washington PostWall Street Journal.

Nhiều học giả Mỹ cho biết, việc tiếp cận của họ về Trung Quốc cũng bị hạn chế.

Không có khả năng tiếp cận các nguồn tin, không có khả năng nói chuyện với người đồng cấp và báo cáo về các hoạt động ở Trung Quốc từ đại lục, các nhà báo và học giả Mỹ sẽ bị cản trở trong nỗ lực truyền thông tới công chúng về những gì đang diễn ra ở Trung Quốc.

(theo SCMP)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/canh-tranh-my-trung-hieu-biet-cua-my-ve-trung-quoc-dang-o-muc-dang-bao-dong-140845.html