Cạnh tranh kiểu tự mình hại mình

Ngay sau khi thông tin về sự kiện gạo ST 24 của Việt Nam được vinh danh là 'gạo ngon nhất thế giới', nhiều câu hỏi được đặt ra là chúng ta cần làm gì để duy trì chất lượng, quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam từ thành công này.

Thế nhưng, câu trả lời của chính những người trong nghề, những nhà sản xuất gạo trong nước, đại diện các công ty xuất khẩu gạo lại như hắt nước vào mặt: “Rồi mọi việc vẫn y như cũ”.

Bởi theo những người trong giới kinh doanh gạo xuất khẩu cho biết, hiện nay cứ bán 1 tấn gạo ST 24, lời khoảng 50USD. Trong khi đó, bán 1 tấn gạo IR 50404 cũng lời 50USD, nếu vậy thì xuất khẩu gạo rẻ IR 50404 sướng hơn, bởi sẽ cần ít vốn lưu động hơn. Có điều, cũng vì bán toàn gạo giá rẻ khiến gạo Việt Nam luôn bị dính với thương hiệu không mấy vui vẻ “gạo xá giá bèo”.

Thế nhưng, đó vẫn chưa phải là điểm đáng buồn nhất trong câu chuyện xuất khẩu gạo, một đại gia xuất khẩu gạo tiết lộ, không cần đến ai khác để hạ bệ gạo Việt Nam mà chính những doanh nghiệp gạo trong nước đang tự tay giết lẫn nhau. Đại gia này nêu thí dụ cụ thể, thị trường nhập khẩu gạo của Hàn Quốc là một thị trường mới, khá thông thoáng và rất phù hợp với các mặt hàng lúa gạo của Việt Nam. Trước năm 2016, chỉ có Mỹ, Australia, Trung Quốc đấu thầu cung cấp gạo và giá trúng thầu luôn ở mức tối thiểu 770 USD/tấn gạo hạt ngắn và 850 USD/tấn gạo hạt trung bình. Gạo hạt ngắn đã xây dựng vùng nguyên liệu rất thành công ở khu vực Tứ giác Long Xuyên.

Trong 7 năm, diện tích gieo trồng tăng đến khoảng 300.000ha, đạt đủ tiêu chuẩn đấu thầu vào Hàn Quốc. Nhưng hỡi ơi, tai họa bắt đầu khi chính doanh nghiệp Việt Nam đã thi nhau giảm giá thầu từ 750 USD/tấn năm 2016, xuống còn 460 USD/tấn vào năm 2019. Kết quả, người nông dân Tứ giác Long Xuyên hầu hết đã phải bỏ ruộng vì lỗ nặng do lúa bán dưới giá sản xuất. Không những thế, chính phía Hàn Quốc cũng đã có phản hồi đến Bộ Công thương Việt Nam về việc doanh nghiệp Việt Nam bỏ giá thầu thấp, dẫn đến chất lượng gạo kém, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp sử dụng gạo và nhà nhập khẩu Hàn Quốc, thậm chí, họ còn muốn cấm Việt Nam đấu thầu gạo. Bộ Công thương Việt Nam đã phải can thiệp và phía Hàn Quốc đã cho chúng ta tham gia tiếp nhưng với những rào cản vô cùng bất lợi.

Nhận xét về câu chuyện này, nhiều chuyên gia đã phải thốt lên, cả thế giới không có doanh nghiệp xuất khẩu gạo nước nào làm ăn chụp giật như vậy. Riêng với giống lúa ST của anh Hồ Quang Cua, năm 2012, gạo ST 20 doanh nghiệp xuất qua Malaysia với thương hiệu độc quyền tại thị trường này suốt 7 năm liền, có năm giá bán lên đến 925USD/tấn. Sau đó, một số doanh nghiệp Việt Nam khác nhảy vào, chào giá chỉ hơn 600USD/tấn. Cuối cùng, doanh nghiệp của anh cũng phải cắn răng giảm giá theo. Hậu quả là đến nay, diện tích trồng ST 20 đã giảm đến 90%, vì nông dân lỗ quá. Rồi năm 2015, gạo ST 21 xuất khẩu thành công sang Trung Quốc với giá bán lên đến trên 700USD, sau đó cũng bị các doanh nghiệp Việt Nam khác nhảy vào chào giá dưới 500USD làm thị trường Trung Quốc nháo nhào.

Ngay cả với ST 24, gạo vừa mới được chọn là gạo ngon nhất thế giới, vượt cả gạo Hommali của Thái Lan, nhưng giá gạo Hommali xuất khẩu bao nhiêu? Xin thưa, 1.200 USD/tấn còn ST 24 bị chính doanh nghiệp Việt liên tục phá giá nên chỉ bán được có 800 USD/tấn. Tính ra, với kiểu phá giá này, mỗi năm, ngành lúa gạo Việt Nam thiệt hại tối thiểu 2 tỷ USD!

Vì sao và giải pháp nào cho câu chuyện tự mình hại mình này? Vì việc xuất khẩu trước nay chỉ độc quyền cho một tổ chức và một số doanh nghiệp, giải gạo ngon nhất thế giới đang “phơi bày” thực trạng của “văn hóa đạp giá và đạp nhau” của ngành xuất khẩu gạo. Câu chuyện gạo Việt Nam đạt giải gạo ngon nhất thế giới cho chúng ta một cơ hội để thay đổi nếu không muốn tự hủy diệt, nông dân bỏ ruộng, bế tắc cho người làm ăn tử tế và thiệt hại lớn cho cả ngân sách quốc gia.

VŨ KIM HẠNH

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/canh-tranh-kieu-tu-minh-hai-minh-630614.html