Cạnh tranh hàng không thương mại: Cuộc chiến không tuyên bố

Mới đây, Tổng thống Nga Vladimir Putin mời Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan 'chiêm ngưỡng' mẫu chiến đấu cơ hiện đại nhất Su-57 của Nga tại triển lãm hàng không MAKS ở Matxcơva. Tuy nhiên, không chỉ có vậy, từ sự kiện này, giới quan sát lại một lần nữa nói tới sự cạnh tranh của Nga trong hàng không thương mại: Cuộc chiến giành thị phần với Boeing.

Hội chợ triển lãm máy bay Nga thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Ảnh: Sputnik.

Hội chợ triển lãm máy bay Nga thu hút sự quan tâm của toàn thế giới. Ảnh: Sputnik.

Kể từ tháng 6/2018, các nhà chế tạo máy bay dân dụng của Nga đã lên tiếng: Sẽ cho ra đời MS-21- kẻ cạnh tranh với Boeing lẫn Airbus, 2 thương hiệu máy bay thương mại lớn nhất toàn cầu. Đáng chú ý, theo Hãng thông tấn Nga RT, công ty cho thuê máy bay của Nga là Avia đã đâm đơn kiện Boeing lên Tòa án bang Illinois - nơi Boeing đặt trụ sở. Vụ kiện liên quan đến dòng 737 Max 8. Công ty Nga Avia tố Boeing đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn khi cạnh tranh thị phần với hãng sản xuất máy bay đối thủ Airbus.

Trong đơn kiện, Avia cho biết, Boeing đã “nói rằng 737 Max 8 là máy bay an toàn và đáng tin cậy, và máy bay này được thiết kế tuân thủ các quy định hàng không... Tuy nhiên, bất chấp những tuyên bố như vậy và với sự bất cẩn, Boeing đã thiết kế và chế tạo một dòng máy bay không an toàn”. Avia cũng cáo buộc Boeing “hạ thấp và nói sai lệch” về những các vấn đề phát hiện sau khi máy bay 737 Max của hãng hàng không Indonesia Lion Air lao xuống biển. Sau đó, một chiếc 737 Max khác của Ethiopian Airlines cũng gặp nạn không lâu sau khi cất cánh.

Những cáo buộc đó được Boeing cho là “dấu hiệu của một cuộc tấn công” vào thương hiệu của hãng. Tuy nhiên, Boeing không cho biết sẽ đối phó bằng cách nào, trong khi “sức ép đến từ người Nga” ngày một gia tăng. Một chuyên gia của Boeing nhận xét, rất có thể người Nga tấn công Boeing là để mở đường cho sự xuất hiện thế hệ máy bay thương mại mới hiện đại của họ. “Trên thực tế, cuộc chiến giành thị phần trong lĩnh vực này là rất khốc liệt”- vị chuyên gia giấu tên nói.

Ngược thời gian, những nhân vật nắm giữ cổ phần chi phối của Boeing lẫn Airbus đều đã tỏ ra lo lắng khi vào tháng 6/2016, người Nga đã ra mắt mẫu máy bay chở khách tầm trung có thể trở thành đối thủ của các mẫu máy bay tương tự do Airbus và Boeing sản xuất. Thế hệ máy bay này do Tập đoàn Irkut Corporation của Nga chế tạo, có tên gọi MC-21. Lúc đó, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đơn giản chỉ nói rằng, MC-21 không ngại bất cứ đối thủ nào. “Tôi hoàn toàn tự tin rằng máy bay dân dụng MC-21 sẽ là niềm tự hào của ngành hàng không dân dụng Nga và các công dân của chúng ta, và người nước ngoài sẽ cảm thấy thoải mái khi di chuyển trên loại máy bay này”- ông Medvedev nói.

MC-21 có 2 phiên bản được sản xuất, bao gồm MC-21-300 với 160 đến 211 chỗ ngồi và MC-21-200 với 130 đến 165 ghế. Chúng có thể hoạt động trên các đường bay dài tới 6.400 km và chi phí hoạt động có thể thấp hơn 15% so với các máy bay cùng loại hiện nay (trong tương quan với Boeing và Airbus).

Tháng 7 vừa qua, phía Nga cho biết, MC-21 với động cơ “thuần Nga” đã sẵn sàng sản xuất hàng loạt. Đáng chú ý, MC-21 có nhiều ưu điểm vượt trội, như lực đẩy lớn, độ tin cậy cao, vòng đời sử dụng lớn, chi phí bảo dưỡng tổng thể rẻ hơn đến 17% so với các động cơ tương tự được sản xuất bởi các công ty nước ngoài.

“Họ (chỉ người Nga) đang tập trung vào sản xuất máy bay thương mại tầm trung. Rõ ràng là tấn công thẳng vào Boeing. Đáng tiếc là chúng ta (chỉ Hãng Boeing) đã không có nổi lấy một biện pháp tự vệ. Cần nhớ rằng, công nghệ hàng không của Nga thuộc loại hàng đầu thế giới”- Philip Edgan, một chuyên gia của Boeing nói.

Trong khi đó, theo đánh giá của Japan Business Press, đối tượng của MC-21 nhằm vào thị trường lớn, với hy vọng mỗi năm bán được khoảng 1.000 chiếc. “Máy bay mới của Nga có thể cạnh tranh một cách nghiêm túc với sản phẩm của Boeing và Airbus. MC-21 có thể chở lượng hành khách ngang với Boeing-737 và A-320, trong khi giá rẻ hơn, nhiều tính năng hiện đại hơn”- Japan Business Press đưa ra nhận xét, đồng thời cho biết, MC-21 của Nga có khoang hành khách của MC-21 rộng hơn 11 cm so với A-320, điều đó sẽ khiến hành khách bay cự ly dài hài lòng hơn. Cánh của máy bay MC-21 được làm bằng vật liệu tổng hợp dựa trên sợi carbon bằng phương pháp tiên tiến nhất, có thể giảm đáng kể chi phí mà vẫn không ảnh hưởng đến chức năng. “Và nhất là giá của nó rẻ hơn tới 15% so với Airbus và Boing”.

Như vậy, “cuộc chiến không tuyên bố” giữa những “ông lớn hàng không” đã bắt đầu. Và, có thể thấy, lợi thế đang nghiêng về người Nga.

Ngọc Mai
(theo Daily mail, Japan Business Press)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/canh-tranh-hang-khong-thuong-mai-cuoc-chien-khong-tuyen-bo-tintuc446083