Cạnh tranh để cùng phát triển

Cùng với sự phát triển nhanh chóng của xu hướng mua sắm trực tuyến, sự mở rộng theo chuỗi của các kênh bán lẻ hiện đại, thì thị trường bán lẻ Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn các nhà đầu tư cả trong lẫn ngoài nước. Trong đó, đáng mừng là các chuỗi siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi đang có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp lớn ở Việt Nam.

Ngày nay, chỉ cần vào các cửa hàng như Vinmart+ hay Bách Hóa Xanh hoặc Co.opFood, người tiêu dùng có thể trải nghiệm không gian mua sắm sạch sẽ, hiện đại nhưng vẫn giữ được những ưu điểm vốn có của văn hóa mua sắm truyền thống như: nhân viên cửa hàng tiện lợi có thể sơ chế cá thịt, sơ chế rau củ quả, tư vấn và hướng dẫn tiêu dùng… cho khách hàng.

Có thể nói, cửa hàng tiện lợi là một trong những đại diện đặc sắc cho xu thế bán lẻ hiện đại: kết hợp được cả các yếu tố hiện đại lẫn thế mạnh của văn hóa mua sắm truyền thống. Thêm vào đó, hàng hóa đa dạng và ngày một “địa phương hóa”, hạn sử dụng rõ ràng, nguồn gốc minh bạch và giá cả hợp lý cũng là những thế mạnh rất đáng kể của kênh bán lẻ này. Thậm chí, một kênh bán lẻ hiện đại còn có thể theo hướng đa hình thức (mua sắm trực tuyến, mua sắm tại cửa hàng, mua sắm qua truyền hình, điện thoại…) để đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng khi mua sắm.

Chính vì vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini đã “mọc” lên khắp các thành phố, thị trấn, thị tứ của Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung, “lấn sân” dần dần thị phần của bán lẻ truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa…). Chỉ cần chú tâm quan sát, có thể thấy những cửa hàng tạp hóa hoặc các sạp chợ truyền thống đang dần dần thu hẹp quy mô, nhường chỗ cho các kênh mua sắm hiện đại.

Xu hướng này thực ra là một xu hướng tất yếu của mọi nền kinh tế thế giới chứ không chỉ diễn ra ở Việt Nam. Trên bình diện chung, sự cạnh tranh giữa bán lẻ truyền thống và bán lẻ hiện đại là có lợi cho người tiêu dùng khi sự lựa chọn trở nên đa dạng hơn, hình thức mua sắm phong phú, hàng hóa dồi dào và ở góc độ sản xuất, bán lẻ càng phát triển, doanh nghiệp sản xuất càng có động lực để phát triển.

Câu hỏi đặt ra là liệu có xảy ra “xung đột” giữa 2 hình thức bán lẻ hiện đại - truyền thống và kênh này có làm kênh kia không còn “đất sống” hay không? Thực tế cho thấy, sự cạnh tranh là không thể tránh khỏi, bởi bán lẻ truyền thống hay hiện đại đều cùng “nhắm” đến một đối tượng khách hàng. Tuy nhiên, giữa sự cạnh tranh đó, cả bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại đều có thể phát triển, củng cố những ưu thế của riêng mình, hạn chế khuyết điểm. Chẳng hạn, bán lẻ truyền thống có thể “cá nhân hóa” việc chăm sóc khách hàng, giao tiếp thân thiện, mở rộng chủng loại hàng hóa theo khẩu vị, theo văn hóa riêng phù hợp với từng địa bàn và cân nhắc việc tận dụng thêm các hình thức bán hàng mới trên nền tảng cửa hàng sẵn có. Bán lẻ hiện đại thì lại càng dễ dàng hơn trong việc tối ưu hóa những thế mạnh của mình trên nhiều phương diện: bán hàng, dịch vụ hậu mãi, dịch vụ bảo hành… Với cùng mục đích tăng lợi nhuận và phục vụ khách hàng, thì sự cạnh tranh này rõ ràng là tích cực và cần thiết trong thời hiện đại.

Vi Lâm

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/chuyenmuc/thoidam/202003/canh-tranh-de-cung-phat-trien-2991016/