Cạnh tranh bình đẳng-yếu tố sống còn đối với doanh nghiệp

Những năm gần đây, việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh được các doanh nghiệp (DN) rất quan tâm. Theo ý kiến các chuyên gia, các chính sách của Nhà nước ban hành không chỉ chú trọng đến việc tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa khu vực kinh tế tư nhân và Nhà nước, mà còn giữa DN lớn và DN nhỏ, giữa DN và hàng hóa sản xuất trong nước với các DN, hàng hóa nước ngoài trên thị trường nội địa.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, các nghị quyết của Chính phủ đã tập trung vào cải cách thủ tục hành chính, giảm gánh nặng về chi phí và thời gian cho DN ở mức gia nhập thị trường, nhưng vấn đề cạnh tranh, quản trị… thì chưa được đề cập đến nhiều. Chính sách cạnh tranh và cạnh tranh bình đẳng là điều sống còn của DN và còn nhiều dư địa để cải cách.

Tạo dựng sân chơi bình đẳng để doanh nghiệp có thể phát triển. (Ảnh minh họa/ http://www.sggp.org.vn)

Đại diện một số DN cũng cho rằng, yếu tố quan trọng đối với DN không đơn thuần là các gói hỗ trợ về vốn, đất đai… mà là môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, chính sách ổn định, thủ tục hành chính đơn giản. Theo ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan: Các DN cần chủ động, tự lực tự cường để vươn lên trong nền kinh tế. Môi trường kinh doanh đã được cải thiện thực sự, tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều “giấy phép con”, cản trở sự phát triển của DN. Đồng thời phải làm thế nào để các DN tư nhân phát triển bình đẳng, không có sự phân biệt giữa DN lớn và nhỏ, trong nước và ngoài nước… Ví như ở nhiều nước châu Âu, khi DN, tập đoàn đa quốc gia hoạt động ở thị trường này luôn được kiểm soát chặt chẽ; khi thị phần của các DN này chiếm đến 30% thì các quốc gia châu Âu sẽ yêu cầu phải chia tách DN, không để độc quyền. Hoặc trong những gói thầu có sử dụng ngân sách chính phủ, thì các thành phần tham gia đấu thầu phải chia cắt 30% giá trị thầu cho các DN nhỏ và vừa, chứ không được độc quyền.

Những năm qua, hàng hóa từ một số nước, như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… nhập khẩu nhiều vào nước ta. Ngoài lý do người tiêu dùng ưa chuộng thì một nguyên nhân quan trọng khác là những sản phẩm, hàng hóa từ các quốc gia này có chất lượng, mẫu mã hơn hẳn so với hàng hóa cùng chủng loại sản xuất trong nước. Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) nêu thực tế: Các DN Việt Nam đã có nhiều tiến bộ trong xây dựng và phát triển thương hiệu, qua đó cải thiện dần năng lực cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước so với hàng hóa nhập khẩu. Tuy nhiên, hơn 90% DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu, nhận thức chưa thực sự đầy đủ về vai trò quan trọng của thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa. Những hạn chế đó làm cản trở thương hiệu hàng hóa của DN Việt Nam trong tìm chỗ đứng ngay trên thị trường trong nước, trong bối cảnh hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia có mặt ở thị trường nội địa ngày càng nhiều. Do đó, các DN Việt Nam cần phải quan tâm hơn nữa tới chất lượng, nghiêm túc đầu tư cho sản phẩm, mới bảo đảm cạnh tranh được trên thị trường.

Về vấn đề cạnh tranh giữa DN trong nước với DN nước ngoài, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XIV, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội cho rằng, trong khi nước ta ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) thì sự cạnh tranh của DN nước ngoài ở thị trường trong nước là rất lớn. Vì vậy, cần thúc đẩy, nâng cao năng lực hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh, nếu không, các DN trong nước sẽ bị thiệt thòi, lép vế và chuyện lớn hơn là xung đột lợi ích với DN nước ngoài. Hiện các loại hàng hóa có thế mạnh của nước ta khi ra thị trường thế giới đều bị các cơ quan cạnh tranh của các nước xây dựng hàng rào kỹ thuật, tìm các lỗi kỹ thuật để bắt phạt. Nhưng ở thị trường trong nước, người tiêu dùng có thể mua nhiều loại hàng hóa của các nước trên thế giới mà ít, hoặc không bị rào cản nào. Trong khi đó, nhận thức của cộng đồng DN và việc sử dụng công cụ pháp luật cạnh tranh để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho DN còn hạn chế.

Thực tiễn thực thi pháp luật cạnh tranh tại Việt Nam cho thấy, Luật Cạnh tranh năm 2004 chưa quy định cơ sở pháp lý rõ ràng để điều chỉnh các hành vi diễn ra bên ngoài lãnh thổ Việt Nam, nhưng có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường cạnh tranh tại Việt Nam. Trong khi đó, tại một số nước trên thế giới, như: Hoa Kỳ, Canada, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và EU… gần đây các cơ quan cạnh tranh đã điều tra, xử lý nhiều vụ việc thỏa thuận hạn chế cạnh tranh, tập trung kinh tế xuyên biên giới.

Nhiều quốc gia trên thế giới đều xác định, pháp luật cạnh tranh là công cụ hữu hiệu để Nhà nước thực hiện chức năng điều tiết nền kinh tế, khắc phục những khiếm khuyết của thị trường, hoặc những tác động bất lợi của quá trình tự do hóa kinh doanh và thương mại. Chính sách về cạnh tranh và các chính sách kinh tế khác, đặc biệt chính sách công nghiệp, thương mại có sự gắn kết và tác động chặt chẽ với nhau. Việc sử dụng hiệu quả công cụ chính sách cạnh tranh, mà chủ yếu là thông qua thực thi pháp luật cạnh tranh sẽ có tác dụng tương hỗ cho các chính sách khác, góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới được dự báo là có những diễn biến phức tạp, xu hướng bảo hộ tại một số quốc gia trên thế giới tiềm ẩn tác động bất lợi đến nền kinh tế nước ta.

MINH MẠNH - ĐẶNG PHƯƠNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/canh-tranh-binh-dang-yeu-to-song-con-doi-voi-doanh-nghiep-533269