VN-Index vượt đỉnh lịch sử, 'phía trước có là bầu trời'?

Tuần tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 6/2021 đã làm được điều kì diệu: VN-Index vượt qua đỉnh lịch sử 1.420 điểm dù rất nhiều cổ phiếu blue-chips vẫn đang 'lẹt đẹt' ở vùng giá thấp và trong nhịp điều chỉnh giảm.

Tổng cộng cả tuần, VN-Index có 4/5 phiên tăng điểm nhưng mức tăng chung cuộc tới 55,03 điểm hay hơn 4%. Diễn biến này diễn ra ở thời điểm hội tụ những yếu tố hỗ trợ tốt và kết quả là sự đột phá vượt đỉnh thành công.

Yếu tố đầu tiên là thị trường bước vào tuần tái cơ cấu danh mục một số chỉ số trên HoSE. Nhiều quỹ ETF nội lẫn ngoại bám theo các chỉ số này. Hàng ngàn tỷ đồng do các quỹ này quản lý giao dịch đã kéo thanh khoản tuần qua lên rất cao.

Trước khi bước vào tuần cơ cấu danh mục này, thị trường có 2 tuần đi ngang không có bất kỳ tiến triển nào rõ ràng, thậm chí tuần áp chót tháng 10 VN-Index còn để mất điểm nhẹ. Giá trị giao dịch khớp lệnh trên hai sàn niêm yết duy trì trung bình quanh 22 ngàn tỷ đồng/ngày.

Đột nhiên tuần qua mức giao dịch vọt lên trung bình 27,6 ngàn tỷ đồng/ngày, tức là tăng khoảng 21% so với bình thường. Giao dịch gia tăng tương đối đột ngột vì không có lý do gì rõ ràng để nhà đầu tư hào hứng hơn với thị trường: Kết quả kinh doanh suốt hai tuần trước đó hầu như không tác động gì đến thị trường. Nhà đầu tư chỉ quan tâm tới đầu cơ các mã vốn hóa nhỏ. Thanh khoản gia tăng mạnh ở nhóm blue-chips hẳn phải nhờ dòng tiền giao dịch từ các quỹ ETF. Thống kê tuần qua mức giao dịch khớp lệnh trung bình của nhóm VN30 đạt khoảng 9.192 tỷ đồng/phiên, cao nhất trong vòng 9 tuần.

Chỉ số VN-Index (màu đỏ) đã vượt đỉnh lịch sử nhưng chỉ số VN30-Index (màu đen) vẫn chưa thể vượt đỉnh.

Yếu tố thứ hai là một số cổ phiếu lớn tăng đột biến về giá vào thời điểm kết quả kinh doanh xuất hiện. VHM tuần qua là ví dụ điển hình. VN-Index vượt đỉnh lịch sử hôm 27/10, thì GAS, VIC, VHM là ba cổ phiếu có công lớn nhất, trong đó VHM tăng 2,9%. Phiên cuối tuần qua VHM tăng 5,56%. Tính chung cả tuần qua VN-Index tăng 55,03 điểm thì VHM đóng góp gần 9 điểm, GAS đóng góp 6,5 điểm, VIC xấp xỉ 4 điểm.

Như vậy mặc dù các yếu tố kỹ thuật trong tuần qua – tuần có sự kiện vượt đỉnh lịch sử của VN-Index – đều khá hợp lý: Dòng tiền tăng mạnh, blue-chips nổi lên dẫn dắt, chỉ số vượt ngưỡng kháng cự quan trọng. Thậm chí điểm bổ sung là nhà đầu tư nước ngoài đột nhiên mua ròng trở lại: Cổ phiếu trên HoSE tuần qua được mua ròng khoảng 174,7 tỷ đồng, các chứng chỉ quỹ ETF được mua ròng 266,8 tỷ đồng.

Về mặt kỹ thuật thuần túy, sau khi VN-Index vượt đỉnh lịch sử, sẽ không còn ngưỡng kỹ thuật nào khác. Tuy vậy, chỉ số VN30-Index lại cho thấy bức tranh hơi khác một chút, khi chỉ số này vẫn chưa thể vượt qua đỉnh lịch sử của mình. Mức cao nhất VN30-Index đạt được là 1.565,29 điểm ngày 6/7/2021 và mức đóng cửa cao nhất 1.557,41 điểm ngày 5/7/2021. Tuần qua VN-Index đã vượt xa đỉnh lịch sử khoảng 24 điểm (theo mức đóng cửa) thì VN30-Index vẫn còn thiếu 25 điểm nữa mới chạm tới đỉnh cũ.

Sự khác biệt giữa hai chỉ số này cho thấy yếu tố vốn hóa đang đóng vai trò khá lớn trong việc đưa VN-Index vượt đỉnh. Trong 10 cổ phiếu đóng góp nhiều nhất để VN-Index vượt đỉnh (góp 36,5 điểm trong tổng 55,03 điểm tăng chỉ số), thì GAS, MSN là hai mã duy nhất có đỉnh lịch sử mới. Trong khi đó ngay cả VHM cực khỏe thì so với đỉnh hồi tháng 8 cũng vẫn thấp hơn trên 6%. Những mã như VIC, VCB, BID, NVL, CTG... thì còn kém hơn nữa, giá đang luẩn quẩn ở vùng đáy tích lũy.

Vì vậy mặc dù VN-Index có thể vượt đỉnh, nhưng chắc chắn các cổ phiếu vốn hóa lớn nhất sẽ còn nhiều vất vả để giảm lỗ cho chính mình, trước khi có thể sánh vai với chỉ số mà vượt đỉnh lịch sử. Điều này sẽ làm giảm khả năng đi xa hơn của VN-Index trong ngắn hạn vì các cổ phiếu lớn sẽ nhanh chóng tiến tới ngưỡng kháng cự quan trọng.

Mặt khác, thị trường kết thúc tuần này với diễn biến tích cực, còn có yếu tố thời điểm. Không thể định lượng chính xác bao nhiêu phần trăm trong mức thanh khoản lớn bất ngờ tuần này là dòng tiền từ hoạt động tái cơ cấu danh mục ETF. Vì vậy có thể thanh khoản không thật sự đã bùng nổ, mà là bùng nổ nhờ ETF. Vậy thì khi các quỹ không giao dịch nữa, thanh khoản sẽ lại tụt giảm. May mắn là khả năng này không khó để biết, vì tuần tới sẽ không còn các giao dịch ETF nữa. Nếu thị trường vẫn có thanh khoản cao tức là dòng tiền thực sự tốt. Ngược lại, nếu thanh khoản giảm quá nhiều thì rõ ràng động lực của tuần qua đã bị thổi phồng về sức mạnh.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vn-index-vuot-dinh-lich-su-phia-truoc-co-la-bau-troi-94468.html