'Cánh tay robot trạm vũ trụ' của Trung Quốc khiến Mỹ lo ngại

Mỹ lo ngại việc Trung Quốc lắp đặt cánh tay robot mạnh mẽ vào mô-đun lõi của Trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này có thể nhằm phục vụ mục đích quân sự.

Tờ South China Morning Post đưa tin việc Trung Quốc lắp đặt một cánh tay robot mạnh mẽ vào mô-đun lõi của Trạm vũ trụ Thiên Cung của nước này đã khiến Mỹ lo ngại về việc thiết bị này có thể nhằm phục vụ mục đích quân sự.

Các nhà khoa học Trung Quốc cho biết thiết bị dài 10 mét, có khả năng nâng đỡ vật nặng tới 20 tấn và có thể di chuyển xung quanh bên ngoài trạm vụ trụ, sẽ được sử dụng để bắt lấy các tàu vũ trụ đang di chuyền đến gần và giúp các tàu vũ trụ cập bến.

Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: SCMP/WEIBO

Trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Ảnh: SCMP/WEIBO

Tuy khái niệm này không phải là mới - Trung Quốc đã phóng một số vệ tinh nhặt rác được trang bị cánh tay robot để thu thập và điều khiển các mảnh vỡ không gian để chúng bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất, song dư luận tại Mỹ không tin rằng mục đích của thiết bị này là hoàn toàn trong sáng.

Phát biểu trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi tháng 4, ông James Dickinson - chỉ huy Bộ Tư lệnh Không gian Mỹ - đã cảnh báo rằng công nghệ này “có thể được sử dụng trong một hệ thống trong tương lai để ‘vật lộn’ với các vệ tinh khác”, đây là lý do khiến quân đội Mỹ lo ngại.

“Một vật thể đáng chú ý là Shijian-17, một vệ tinh của Trung Quốc được trang bị cánh tay robot” - ông Dickinson cho biết, nói thêm rằng khả năng hạ gục các tàu thăm dò của Mỹ là một “thách thức về tốc độ” trong lĩnh vực không gian.

Học viện Công nghệ Không gian Trung Quốc, nơi phát triển và vận hành Shijian-17, cho biết vào thời điểm phóng vệ tinh này hồi năm 2016, sứ mệnh của họ là thử nghiệm “công nghệ quan sát mảnh vỡ không gian quỹ đạo cao”.

Tuy nhiên, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) hồi tháng 3 cho biết vệ tinh này đã thực hiện một số "thao tác bất thường" trong nhiều năm, cũng như đã thay đổi vị trí so với các vệ tinh khác khi ở trong quỹ đạo địa tĩnh phía trên Trái đất.

Theo nhà phân tích quân sự Antony Wong Dong tại Macau, tuy công nghệ này không phải là mới - Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) đã bắt đầu trang bị vũ khí cho tàu con thoi của mình ngay từ những năm 1990, song những mối lo ngại tại Mỹ là điều dễ hiểu.

“Câu hỏi quan trọng là khi nào nó được Trung Quốc sử dụng và mục đích thực sự đằng sau là gì” - ông Wong Dong nói.

Trong bài phát biểu tại Quốc hội Mỹ, ông Dickinson cho rằng trong trường hợp xảy ra chiến tranh, những bên tham chiến sẽ sử dụng những phút đầu tiên để cố gắng vô hiệu hóa các công cụ liên lạc của đối phương, như hệ thống định vị GPS của Mỹ.

“Trung Quốc đã đẩy mạnh việc bổ sung trên diện rộng đối với năng lực gây nhiễu và không gian mạng, vũ khí năng lượng dẫn đường, năng lực trên quỹ đạo và tên lửa chống vệ tinh trên mặt đất” – ông Dickinson cho biết, nói thêm rằng các năng lực này có thể chặn hoặc làm hỏng các hệ thống vệ tinh của Mỹ.

Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Song Zhongping ở Hong Kong cho rằng ông Dickinson đang vẽ ra mối đe dọa của Trung Quốc để biện minh cho việc tăng ngân sách quốc phòng của Mỹ, đồng thời nói rằng việc loại bỏ các mảnh vỡ vũ trụ là một vấn đề quan trọng.

“Nếu Trung Quốc tạo ra một bước đột phá trong việc loại bỏ các mảnh vỡ, điều này sẽ được quốc tế hoan nghênh” – ông Song nói thêm.

Trong khi đó, ông Wang Wei - người đứng đầu bộ phận nghiên cứu và phát triển (R&D) của Tập đoàn Khoa học và Công nghệ Hàng không Vũ trụ Trung Quốc - cho rằng đây là một thách thức đối với tất cả các quốc gia tham gia khám phá không gian.

“Việc loại bỏ các mảnh vỡ không gian là một vấn đề quan trọng mà các sứ mệnh không gian hiện tại và trong tương lai phải đối mặt. Sự phát triển của công nghệ này [cánh tay robot] là cần thiết để bảo vệ tài sản không gian, duy trì an ninh không gian và tài nguyên cho nhân loại” – ông Wang nhận định.

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/canh-tay-robot-tram-vu-tru-cua-trung-quoc-khien-my-lo-ngai-987225.html