'Cánh tay nối dài' của Mỹ ve vuốt EU, chặn Nord Stream-2

Sự can thiệp thô bạo của Mỹ vào hợp tác năng lượng châu Âu-Nga bị châu Âu và Nga lên án gay gắt.

Hai thượng nghị sĩ Mỹ Ted Cruz (đảng Cộng hòa) và Jean Shaheen tuần trước đã đệ trình lên Quốc hội dự luật trừng phạt đối với đường ống dẫn khí “Dòng chảy phương Bắc-2” (Nord Stream-2), đang được xây dựng như một phần của hợp tác Nga-châu Âu.

Dự luật này đề xuất áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty bảo hiểm, tham gia bảo hiểm cho các tàu thi công lắp đặt đường ống dẫn khí đốt nói trên.

Dự án Nord Stream-2 được cho là sẽ làm tăng sự phụ thuộc năng lượng của Đức vào Nga, đồng thời bỏ qua các đường ống đang chạy qua Ukraine và các nước vùng Baltic, tước đi doanh thu trung chuyển vô cùng quan trọng mà các quốc gia đang nhận được.

Trên thực tế, vào cuối năm ngoái, Mỹ đã thông qua Đạo luật Chi tiêu Quốc phòng 2020 (NDAA), trong đó chỉ thị chính quyền Tổng thống Donald Trump áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia lắp đặt đường ống Nord Stream-2.

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, sự can thiệp thô bạo của Mỹ vào hợp tác năng lượng châu Âu-Nga cũng bị châu Âu và Nga lên án gay gắt. Họ cho rằng Mỹ đã tối ưu hóa việc sử dụng áp lực chính trị như “cánh tay nối dài” để răn đe, trong đó đặt lợi ích của mình lên trên cả chính trị.

Ấn phẩm của Trung Quốc nhận định, đối với chính phủ Mỹ dự án Nord Stream-2 giống như “một khúc xương trong cổ họng”. Mỹ chỉ trích dự án và cho rằng “Đức đang đưa tiền cho Nga một cách ngu ngốc”. Ngoài ra, trong những năm gần đây, giữa Mỹ và châu Âu đang diễn ra tranh cãi về các khoản cho chi tiêu quốc phòng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gắn liền với các vấn đề kinh tế và thương mại.

Đại sứ Mỹ tại Đức và Bộ trưởng Năng lượng trong những năm gần đây thường hoạt động ở châu Âu để cố gắng thuyết phục và thậm chí đe dọa các nước dưới cái cớ “vấn đề an ninh năng lượng”.

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ đề xuất các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Nord Stream-2. Ảnh: Bloomberg

Một nhóm thượng nghị sĩ lưỡng đảng Hoa Kỳ đề xuất các lệnh trừng phạt nhằm vào dự án Nord Stream-2. Ảnh: Bloomberg

“Mỹ đang cố gắng sử dụng chính sách gây áp lực chính trị của mình như “cánh tay nối dài”, nghĩa là để trừng phạt các doanh nghiệp và cá nhân ở các quốc gia khác thông qua luật trong nước”, Thời báo Hoàn Cầu viết.

Thứ nhất, Mỹ làm suy yếu sự hợp tác thông thường giữa các quốc gia khác vì lợi ích kinh tế của chính họ. Kết quả là cuộc cách mạng dầu đá phiến gần đây ở Mỹ, dẫn đến sự gia tăng đáng kể trong quá trình sản xuất. Châu Âu đã trở thành mục tiêu quan trọng của Mỹ đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và Nga là nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất cho EU, trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Hoa Kỳ. Theo đó, một mặt Mỹ can thiệp vào dự án Nord Stream-2, đồng thời tiếp tục quảng bá sản phẩm của chính mình và buộc châu Âu phải từ bỏ các hợp đồng thương mại hợp pháp để chuyển sang sử dụng sản phẩm của Mỹ.

Thứ hai, Mỹ không do dự tăng cường bất đồng giữa các quốc gia thành viên EU để đạt được mục tiêu của mình. Không phải tất cả các nước EU đều nhất trí về quan điểm hợp tác năng lượng với Nga. Trong đó, Ba Lan và các nước vùng Baltic, do lo sợ trở thành “con bài” để gây áp lực tâm lý và chính trị của Nga đã phản đối mạnh mẽ việc xây dựng đường ống Nord Stream-2 và các dự án khác cho phép Nga tiếp tục tham gia cung cấp năng lượng cho EU. Hoa Kỳ coi các quốc gia này là đồng minh “tự nhiên” và tìm cách sử dụng họ làm đối thủ chống lại dự án ”, cũng như nhân cơ hội này thúc đẩy khí đốt tự nhiên của Mỹ.

Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell thậm chí còn tự hào gọi các biện pháp trừng phạt mới là “một quyết định rất thân thiện với châu Âu”. Trên thực tế, bước đi này của Mỹ đã dẫn đến nhiều phản ứng khác nhau ở châu Âu. Đức ngay lập tức tuyên bố rằng họ đang xem xét việc đưa ra các biện pháp đối phó để chống lại các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với dự án “Dòng chảy phương Bắc-2”

Thứ ba, Mỹ đang cố gắng buộc châu Âu “phải chọn một bên”. Mỹ coi hành động của mình là dựa trên logic cạnh tranh giữa các cường quốc, xem xét mối quan hệ đối ngoại và quan hệ giữa các đồng minh thông qua lợi ích cá nhân. Họ coi Nga là một mục tiêu quan trọng nhất cần phải chống lại và châu Âu như là “một người hầu của hệ thống đồng minh”. Chừng nào châu Âu còn phải đối mặt với những thách thức bên trong và bên ngoài thì sự đối đầu với Nga vẫn sẽ còn tiếp diễn.

“Tôn trọng lợi ích cơ bản của nhau và hợp tác năng lượng là mối quan hệ ổn định giữa châu Âu và Nga”, Thời báo Hoàn Cầu nhận định.

Tuy nhiên, các hành động hiện tại của Mỹ chắc chắn đã khiến các chính sách ngoại giao và năng lượng của EU phải chịu áp lực từ hệ thống đồng minh. Đồng thời, “chiến lược ngăn chặn Nga” của Mỹ sẽ đặt lợi ích riêng của châu Âu bị hy sinh.

Theo các chuyên gia của ấn phẩm, có thể thấy trước rằng mối quan hệ giữa châu Âu và Mỹ sẽ còn phải đối mặt với nhiều tranh cãi hơn nữa khi Nord Stream-2 ngày càng phát triển. Hiện nay, có rất nhiều bất đồng giữa họ về nhiều vấn đề, từ lợi ích thực sự và các khái niệm cơ bản về quan hệ quốc tế đến trách nhiệm cũng như cách tiếp cận trong các vấn đề chung.

Dự án Nord Stream-2 đã làm gia tăng thêm sự bất đồng của châu Âu với sự ích kỷ của Mỹ và sự can thiệp của họ vào quyền tự chủ trong việc đưa ra các quyết định.

Trước đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier đã đưa ra cảnh báo về tính hợp pháp của các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào đường ống Nord Stream-2 và cho rằng hành động này có thể gây tổn hại cho sự hợp tác.

Theo ông Altmaier, chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel phản đối các biện pháp có thể tác động đến các công ty Đức và châu Âu.

Chính phủ Đức từ lâu đã có quan điểm rằng, các biện pháp trừng phạt với các tác động ngoài lãnh thổ là mâu thuẫn với luật pháp quốc tế và chúng không phải là một đóng góp để thúc đẩy hợp tác quốc tế, ông Alt Altmaier nói với các phóng viên ở Berlin hôm 12/6.

Về phần Nga, ngày 11/6, Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Dmitry Peskov lấy làm tiếc về các biện pháp trừng phạt mà Washington đang đề xuất đối với Moscow. Ông cho rằng các lệnh trừng phạt này là "bất hợp pháp".

“Chúng tôi đang theo dõi sát thông tin liên quan đến những tuyên bố và đề xuất về các chế tài mới. Nhưng nhìn chung, chúng tôi coi đây là bất hợp pháp theo quan điểm của luật pháp quốc tế", ông Peskov nói với các phóng viên.

Phát ngôn viên Dmitri Peskov chỉ ra rằng những quyết định như vậy "chắc chắn" không góp phần cho sự bình thường hóa quan hệ song phương.

"Chúng tôi hy vọng rằng các dự án này sẽ chỉ dừng lại ở những tuyên bố và sẽ không được thực hiện", ông nói thêm.

An Nhiên

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/canh-tay-noi-dai-cua-my-ve-vuot-eu-chan-nord-stream-2-3405721/