'Cánh tay máy' của người Đức thổi luồng gió mới cho đào tạo nhân lực ở Việt Nam

Đức từ lâu đã được xem là ông vua công nghiệp của thế giới, ngay cả trong thời điểm hiện tại, vị thế này của Đức vẫn không thay đổi với hàng loạt mô hình ứng dụng và sản phẩm công nghiệp đón đầu xu thế toàn cầu. Bước đến giai đoạn hội nhập, 'cánh tay máy' ấy, từ những nhà máy Đức đã vươn đến các khu vực tiềm năng khác - trong đó có Việt Nam, nhằm sản xuất thứ sản phẩm cần có của nền công nghiệp mới: nhân lực công nghệ cao.

Đào tạo nghề tại Việt Nam đang có những trợ lực lớn từ Đức

Kể từ lúc cái gọi là “cách mạng 4.0” mới chỉ được hiểu một cách tương đối tại Việt Nam, người Đức đã sớm hoàn thành việc chuyển đổi dây chuyền sản xuất của mình trên nền tảng 4 chấm (AI, IoT,…).

Ngoài việc sở hữu nền tảng và tiềm lực sẵn có về công nghệ, việc chuyển đổi này được thực hiện nhanh chóng một phần là vì các doanh nghiệp Đức đã sớm ý thức được việc đầu tư cho công tác nguồn nhân lực trong bức tranh công nghiệp chung cũng quan trọng như xây nền móng của một ngôi nhà.

Trở lại Việt Nam, nhiều mô hình “xây móng” cho công nghiệp sản xuất 4.0 đã bắt đầu thành hình, với phần lớn sự hỗ trợ đến từ Đức, điển hình như hợp tác công - tư về việc “Lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp” của tập đoàn Bosch, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET), Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) với Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 (Đồng Nai) thời gian gần đây.

Nói cách khác, nếu Việt Nam là người phác thảo thì doanh nghiệp Đức như Bosch chính là người chắp bút, họa lại đường nét cho bức tranh toàn cảnh về nhân lực 4.0 của ngành công nghiệp nước nhà.

Được biết, dự án là một trong những hoạt động hợp tác phát triển song phương Việt – Đức trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề kéo dài trong 3 năm với tổng đầu tư hơn 400.000 Euro.

Một lời giải cho ba bài toán khó

Tạm chưa xét đến hiệu quả thực tế sau triển khai, trước mắt, các dự án đào tạo nhân lực ngành công nghiệp 4.0 theo chuẩn quốc tế đã giải quyết được những tồn đọng của khu vực đào tạo - dạy nghề tại Việt Nam trong suốt một thời gian dài, cụ thể là việc tái tạo lực hút cho công tác tuyển sinh cũng như thay đổi định kiến đối với nhân lực phục công nghiệp sản xuất.

Một thời gian rất dài, công nhân là ngành nghề bị “ghẻ lạnh” trong các kỳ tuyển sinh vì được cho là nhóm ngành có thu nhập thấp và trình độ không cao, khác xa với không khí sôi nổi từ khu vực nhóm ngành yêu cầu chất xám cao hơn như kỹ sư hoặc chuyên viên.

“Thừa thầy thiếu thợ” thì đã đành, nhưng về lâu dài, xu hướng này sẽ kéo Việt Nam ra khỏi lợi thế thu hút đầu tư nhất nhì trong khu vực mà mình sở hữu: nguồn nhân lực chất lượng với giá nhân công cạnh tranh.

Việc tiếp cận cách mạng 4.0 đã đem đến cho nền công nghiệp trong nước yêu cầu về đổi mới mô hình sản xuất, kèm theo đó là nhu cầu việc làm tăng cao dưới tác động cộng thêm từ hoạt động đầu tư quốc tế cho lĩnh vực công nghiệp sản xuất. Kết quả là thế hệ công nhân công nghệ cao (công nhân biết sử dụng máy móc công nghệ cao) ra đời, thay đổi toàn bộ định kiến về người lao động trong lĩng vực sản xuất, từ thu nhập, chất xám đến các cơ hội phát triển nghề nghiệp.

Bên cạnh đó, việc lồng ghép các yêu cầu của công nghiệp 4.0 vào giáo dục nghề nghiệp còn giải quyết thành công vấn đề bình đẳng giới trong công nghiệp sản xuất. Hoạt động sản xuất trên nền tảng tự động và máy tính đòi hỏi chất xám nhiều hơn là thể chất như trước đây, nhất là ở các khâu gia công nặng, sẽ mở ra cơ hội cho nhân lực nữ - một xu thế đã và đang diễn ra ở các công ty công nghệ hàng đầu thế giới trong nhiều năm trở lại đây.

Đào tạo nghề cho lĩnh vực công nghệ, buộc hệ thống giáo dục cũng phải “công nghệ hóa” để thích ứng kịp thời với đối tượng được đem ra giảng dạy – đây cũng chính là nút thắt cuối cùng đã được tháo gỡ của khu vực đào tạo - dạy nghề trong nước. Theo đó, để tăng tính thực tiễn, việc giảng dạy sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào máy móc và các mô hình giảng dạy tương tác thông minh thay vì lý thuyết như trước đây.

Các yếu tố liên đới khác như tiêu chí đánh giá điểm số, bài thi, thực hành, giáo trình vì thế sẽ phải thay đổi một cách toàn diện. Theo ghi nhận, hầu hết sách giáo trình về sản xuất công nghệ cao hiện nay tại Việt Nam đều là bản dịch hoàn chỉnh lấy bản quyền từ các bộ giáo trình quốc tế, phổ biến nhất là từ Đức.

Ông Nguyễn Khánh Cường - Hiệu trưởng trường LILAMA 2 (Đồng Nai)

Trở lại câu chuyện của Trường Cao đẳng Công nghệ Quốc tế LILAMA 2 (Đồng Nai) - một trong những đơn vị dẫn đầu và lớn nhất về đào tạo nhân sự cho sản xuất công nghiệp, từ sau khi đầu tư các ngành mới về công nghệ cao, tỷ lệ thí sinh đăng kí tuyển sinh của trường đã tăng khá cao (năm vừa qua là tăng 2,5 lần), tỉ lệ thuận với lượng đăng kí tuyển sinh của các thí sinh nữ.

Đồng thời, do hiểu được nhu cầu đặt ra của xã hội, ngoài các mô hình đã có, nhà trường đang có những kế hoạch hợp tác với doanh nghiệp quốc tế để đem đến nhiều mô hình đào tạo tiên tiến hơn nữa cho sinh viên Việt Nam.

Ông Nguyễn Khánh Cường, Hiệu trưởng LILAMA 2 khẳng định, các học viên khi tham gia chương trình đào đạo theo giáo trình hiện đại hóa tại LILAMA 2 sẽ được tiếp thu kiến thức về lý thuyết cũng như những kỹ năng thực hành dựa trên nền tảng công nghệ mới nhất, do đó nâng cao cơ hội việc làm sau tốt nghiệp. Những kỹ năng này không chỉ được đòi hỏi bởi các công ty nước ngoài mà còn bởi các công ty Việt Nam, những nơi đang dần chuyển đổi quy trình và dịch vụ để phù hợp với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0.

Đào tạo nghề tại Việt Nam sẽ gần hơn với thế giới

Đóng vai trò như một sự kiện nhìn lại bối cảnh đào tạo nhân lực cho công nghiệp, “Hội nghị về cách thức nền công nghiệp 4.0 định hình tương lai của lĩnh vực đào tạo nghề” do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (DVET) và Tổ chức hợp tác Quốc tế Đức (GIZ) tổ chức vừa qua trong tháng 9 tại TP. Hồ Chí Minh đã đặt trọng tâm thảo luận vào tác động của công nghiệp 4.0 và số hóa đối với phát triển nguồn nhân lực kỹ thuật chất lượng cao tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hội nghị cũng ghi nhận các kiến nghị cụ thể cho các khối đề ra chính sách, khu vực doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo nghề. Trong đó, các chủ đề nổi bật bao gồm các thách thức hiện nay trong hệ thống đào tạo nghề, các kỹ năng cần thiết trong các ngành sản xuất cụ thể, và các quan điểm về tác động của các xu hướng đến sự phát triển.

Ông Nikolay Kurnosov - Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam và Campuchia.

Đại diện doanh nghiệp Đức, ông Nikolay Kurnosov - Giám đốc Bosch Rexroth Việt Nam và Campuchia nhận định: “Lực lượng lao động có tay nghề cao đóng vai trò then chốt trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Các chương trình đào tạo sẽ phải theo kịp các xu hướng và phát triển công nghiệp để giữ vững khả năng cạnh tranh trong tương lai. Là một trong những chuyên gia toàn cầu về công nghệ truyền động và điều khiển, Bosch Rexroth mang đến một nền tảng kỹ thuật cùng kinh nghiệm toàn diện. Chúng tôi muốn truyền đạt những kiến thức và công nghệ này cho sinh viên, học viên một cách đầy đủ và thiết thực nhất”.

Từ chia sẻ của vị lãnh đạo của Bosch, có thể thấy nhiều doanh nghiệp Đức đang đánh giá Việt Nam là một thị trường đầu tư cho đào tạo nghề mới mẻ và nhiều tiềm năng phát triển, do đó, các trường đào tạo nghề và các doanh nghiệp sản xuất trong nước nên sớm có những định hướng thay đổi mô hình dạy học và sản xuất để có thể khai thác những cơ hội đang được mở ra, về nguồn đầu tư, hợp tác chuyên môn và nhân lực phát triển từ các dự án này.

Trong đó, phòng thực hành với các thiết bị đạt chuẩn công nghiệp 4.0 tại trường Cao đẳng Công nghệ quốc tế LILAMA 2 chính là “trái ngọt” điển hình của mối quan hệ hợp tác doanh nghiệp nước ngoài và đơn vị đào tạo trong nước.

Những phòng dạy nghề "công nghệ cao" sẽ xuất hiện nhiều hơn tại Việt Nam trong thời gian tới.

Theo đó, phòng thực hành được trang bị các thiết bị mô phạm về công nghệ truyền động và điều khiển cùng các tài liệu đào tạo bao gồm tài liệu kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn, phần mềm đào tạo, học trực tuyến, video và hình ảnh động.

Các sinh viên tham gia chương trình đào tạo tại LILAMA 2 sẽ tiếp cận và sử dụng các thiết bị huấn luyện và phần mềm đạt chuẩn công nghiệp thay vì các mô hình giả lập, qua đó, trang bị cho mình kiến thức công nghiệp và kinh nghiệm thích ứng với môi trường sản xuất thực tế.

Các kết quả của quan hệ hợp tác phát triển này có ý nghĩa nhất định đối với toàn bộ hệ thống đào tạo nghề của Việt Nam, vì có thể lồng ghép các bài học kinh nghiệm và kiến nghị về công nghiệp 4.0 vào khung quy định của đào tạo nghề.

TS. Trương Anh Dũng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết: “Dự án thử nghiệm này vô cùng quan trọng vì mô hình này có thể nhân rộng sang các trung tâm đào đạo nghề khác trên cả nước. Ngoài ra, chúng tôi có thể sử dụng các đề xuất cho việc tích hợp những chủ đề liên quan đến công nghiệp 4.0 vào khung pháp lý ở cấp hệ thống".

Han Sovy

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/canh-tay-may-cua-nguoi-duc-thoi-luong-gio-moi-cho-dao-tao-nhan-luc-o-viet-nam-1537869765211.htm