'Canh tác' trên 'cánh đồng' Giác Ngộ

GN - Dù tôi đã từng viết bài gửi cộng tác nhiều báo, nhưng tờ báo Giác Ngộ đem đến cho tôi sự lạ lùng, một cảm giác rất khó gọi thành tên, tạm dùng từ huyền uẩn.

Cơ duyên đến không hẹn trước

Cơ duyên dẫn tôi đến hành trình viết về lĩnh vực Phật giáo mang đầy tính bất ngờ. Trước đó, tôi gần như không có hiểu biết gì về đạo Phật, thậm chí mang cái nhìn phiến diện về tôn giáo. Phật giáo trong mắt tôi lúc ấy chỉ là những ngôi chùa để người dân đến lễ bái, cầu xin sức khỏe, tiền tài… In đậm trong ký ức của tôi hình ảnh nhà hàng xóm có bé gái thiểu năng trí tuệ, lúc nào cũng ngơ ngơ ngác ngác, rồi cha mẹ đem bé gửi vào chùa, với lời thanh minh: gửi vào chùa cháu sẽ có cơm ăn cả đời, chứ nếu để ở ngoài đời, lớn lên cháu nó sẽ không biết làm gì để tự nuôi sống mình.

Nhà báo Chu Minh Khôi (thứ 5 từ trái qua) trong lễ kỷ niệm 40 năm báo Giác Ngộ ra số đầu tiên (1-1-1976 - 1-1-2016)

Cách đây gần 2 thập kỷ, tôi chuyển đến công tác tại Trạm lợn giống quốc gia, thuộc Nông trường An Khánh. Khu vực nông trường vốn do nhà nước xây dựng tách biệt hẳn các làng xóm xung quanh. Cán bộ, công nhân viên trong khu nông trường xin chính quyền cho phép xây một ngôi chùa để tiện sinh hoạt tâm linh, địa điểm chọn là gò Đống Vằn nổi lên ở giữa nông trường. Tương truyền khi xưa, nơi đây có chùa Vằn (Văn Hưng tự) từ thời nhà Lý, nhưng không biết từ thuở nào, ngôi cổ tự này đã biến mất. Năm 2004, khi đào móng để chuẩn bị xây chùa, di tích hầm mộ cổ bỗng nhiên phát lộ. Sở Văn hóa Du lịch Hà Tây mời các nhà nghiên cứu đến tiến hành khảo cổ. Bấy giờ, tôi được tiếp cận với những thông tin từ các nhà khảo cổ về di chỉ gò Đống Vằn. Đặc biệt, được trực tiếp nghe cố Giáo sư Trần Quốc Vượng phân tích, với lập luận dựa trên những viên gạch xây hầm mộ và hiện vật còn sót lại, để xác định niên đại của di chỉ. Chính những lời phân tích của GS.Trần Quốc Vượng đã “dẫn nhập” tôi đến với những hiểu biết về khảo cổ. Ngay sau đó, tôi viết một loạt bài về “Phát hiện hầm mộ cổ gò Đống Vằn” đăng trên báo Tiền Phong. Tuy vậy, thời điểm đó tôi vẫn chưa biết đến báo Giác Ngộ.

Vào cuối năm 2004, tôi đến lễ Phật ở Đại Phúc tự thuộc làng Vân Lũng cũng trên địa bàn xã An Khánh. Khi quỳ xuống lễ Phật, bất giác nhìn vào nơi để tập kinh của Ni sư trụ trì, cạnh chiếc mõ, có tập báo Giác Ngộ. Tò mò, tôi xin Ni sư trụ trì cho xem tập báo. Đọc lướt qua tờ báo Giác Ngộ, bất giác tôi ngước nhìn vào cột chùa, xà chùa Đại Phúc. Đập vào mắt là hình ảnh mối mọt ăn nham nhở khiến cột kèo long gãy, tưởng như chùa có thể sập xuống bất cứ lúc nào. Một ý nghĩ bỗng nảy ra trong đầu: Mình sẽ viết về ngôi chùa này, gửi báo Giác Ngộ!

Những ngày sau đó, tôi đi tìm hiểu một số ngôi chùa khác trên địa bàn xã An Khánh, vô cùng thú vị khi thấy nơi đây dày đặc truyền thuyết Phật giáo, với câu chuyện 3 vị thiền sư thời Lý là Từ Đạo Hạnh, Dương Không Lộ, Giác Hải trên đường đi cầu đạo đã gặp nhau tại làng Ngãi Cầu (thôn kết nghĩa). Tôi viết một số bài đầu tiên gửi báo Giác Ngộ, như: “Bí ẩn chùa Vằn”; “Đại Phúc tự và chuông Kẻ Sống”; “Sự tích chùa Ngãi Cầu”; “Hai ngôi chùa làng La Dương”…

Bài gửi qua đường bưu điện, khoảng mươi ngày sau, nhận được điện thoại, người đầu dây bên kia giới thiệu là Đại đức Chúc Phú ở báo Giác Ngộ. Thầy thông tin cho tôi biết: “Tòa soạn đã nhận được bài anh gửi cộng tác. Tuy đây là lần đầu nhận được thư của anh, nhưng thấy anh viết có vẻ chuyên nghiệp…”. Tôi trả lời rằng, không phải là nhà báo, nhưng cũng thỉnh thoảng viết bài cộng tác với một số tờ báo. Thầy Chúc Phú nói: “Từ nay trở đi, mỗi số báo Giác Ngộ phát hành, tòa soạn sẽ gửi cho anh một tờ, dù anh có bài đăng hay không”. Suốt từ tháng 1-2005 đến nay, đã 16 năm liên tục tôi được báo Giác Ngộ gửi tặng mọi số báo phát hành. Tôi cũng được các thầy ở tòa soạn tặng nhiều cuốn sách giúp tôi trau dồi kiến thức về Phật giáo, như: Đức Phật và giáo pháp của Ngài; Đức Phật và Phật pháp; bộ sách Phật học cơ bản…

Thay đổi nhận thức nhờ Giác Ngộ

Từ khi có thêm báo điện tử, Giác Ngộ đã trở nên quen thuộc hơn với độc giả. Bằng chứng là, không chỉ cộng đồng Tăng Ni, Phật tử, mà hầu hết những bạn văn chương, các nhà thơ, nhà văn tôi đã từng gặp, từng hỏi chuyện, họ đều cho hay đã từng đọc và viết bài cộng tác với báo Giác Ngộ. Giác Ngộ số nào cũng dành “đất” để đăng các sáng tác văn học: thơ, truyện ngắn, tản văn… nên đã thu hút được đông đảo cộng tác viên là các nhà văn, nhà thơ, giới sáng tác văn học. Ngày nay, ngoại trừ những ấn phẩm báo chí chuyên về văn học nghệ thuật, phần lớn các báo đều không còn đăng thơ nữa, họa chăng chỉ in thơ vào số Tết. Riêng báo Giác Ngộ vẫn “trung thành” với thể loại văn học, đã tạo ra sức hút riêng, đây cũng là một phương tiện để truyền tải nhân sinh quan Phật giáo đến với công chúng, đồng thời “hấp dẫn” các cộng tác viên đến với báo chí Phật giáo. Cũng thông qua việc cộng tác viết bài cho báo Giác Ngộ, nhiều cộng tác viên đã có sự chuyển biến về nhận thức đối với Phật giáo.

Với riêng cá nhân tôi, trên “cánh đồng” Giác Ngộ, sản phẩm mà người viết gieo gặt là các bài báo về: chùa chiền và di sản Phật giáo, các hoạt động văn hóa Phật giáo, những vấn đề mang tính thời sự của trong Phật giáo… Nếu chỉ là khách vãng lai đến với báo Giác Ngộ, ghé một đôi lần rồi đi, thì không nhất thiết phải tìm hiểu sâu về đạo Phật. Nhưng để trở thành cộng tác viên, viết bài “trường kỳ” cho Giác Ngộ, điều kiện quan trọng là phải tích lũy, trau dồi kiến thức về Phật giáo. Ngay từ những ngày đầu được đọc báo Giác Ngộ, thế giới quan về Phật giáo trong người viết đã thay đổi mạnh mẽ. Từ cách hiểu sai lầm thuở bé, cứ tưởng Phật, Bồ-tát là các vị thần có nhiều phép thuật mà mình đã được xem trong phim, đọc trong truyện cổ tích, khiến tôi nghĩ chư Phật, Bụt chỉ có mỗi một việc là: Ai cầu xin gì thì sẽ cho, sẽ đáp ứng. Chẳng vậy mà, người ta đến chùa để cầu xin đủ thứ.

Khi gặp Giác Ngộ, tôi đã nhanh chóng hiểu ra rằng: Đạo Phật là tập hợp của khối tri thức đầy tính triết học. Phật không phải là những ông thần, mà là những “Người thầy vĩ đại” đã đem đến cho chúng sinh muôn vàn tri thức để giải quyết nhiều vấn đề trong cuộc sống.

Trong suốt hành trình cộng tác, tôi có cơ hội để tích lũy kiến thức cho mình. Trang Phật học của tuần báo Giác Ngộ với những bài giảng của Hòa thượng Thích Trí Quảng đem lại cho người đọc những kiến thức thiết thực và dễ tiếp thu. Tôi thấy các bài giảng của Hòa thượng Trí Quảng luôn mới, không bài nào giống bài nào. Mỗi tuần, độc giả được đọc một bài giảng của ngài, mỗi năm là 52 bài giảng, cá nhân tôi đọc 16 năm là hơn 800 bài giảng. Đấy mới là những bài giảng đăng trên lên báo, tôi nghĩ những bài giảng của Hòa thượng đem dạy ở các trường, học viện Phật giáo còn lớn gấp nhiều lần thế. Những bài giảng của Hòa thượng dù tiếp thu nhiều kiến thức từ kinh điển Phật giáo, nhưng luôn gắn với những kinh nghiệm, những câu chuyện thực tế đã và đang diễn ra.

Chuyên mục “Suy nghiệm lời Phật” cũng có cách truyền đạt giúp độc giả dễ tiếp thu. Những truyện kể trong kinh điển Phật giáo vốn mang tính hàn lâm, không phải ai đọc kinh điển Phật giáo cũng hiểu được ý nghĩa của từng câu chuyện. Nhưng tác giả Quảng Tánh đã giúp độc giả hiểu nhanh hơn, nhớ lâu hơn về những “công án”, những câu chuyện cổ Phật giáo mang tính giáo dục rất sâu. Từ đó, độc giả mỗi tuần lại tích lũy cho mình những kiến thức, tri thức về đạo, về đời.

Đọc báo Giác Ngộ kết hợp với đọc nhiều sách về Phật giáo, độc giả mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng đều dần tích lũy và trang bị được kiến thức Phật giáo, từ đó giúp làm thay đổi được thế giới quan, chuyển hóa được tâm, chiêm nghiệm và ứng dụng vào cuộc sống.

>> Mời bạn đọc chia sẻ kỷ niệm, hiến kế với báo Giác Ngộ

Chu Minh Khôi

Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/12/24/13d482/