Cảnh sát Việt Nam kể phút cứu nạn nhân động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ

'Kể từ giây phút đó, trong ánh mắt người dân nước bạn tôi cảm nhận được niềm hy vọng vụt lên, điều mà những ngày qua như bị vùi trong đống đổ nát', trung tá Đào Duy Thương nói.

Những ngày qua, khu phơi quần áo của Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về PCCC & CNCH luôn trong tình trạng quá tải. Gần chục bộ quần áo đặc chủng được phơi ngay ngắn, mỗi bộ khi chưa thấm nước đã nặng khoảng 3-4 kg. Chúng vừa trở về sau khi giúp các chiến sĩ Việt Nam hoàn thành nhiệm vụ cứu nạn trong cái rét -6 độ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

“Mỗi lần chỉ giặt được một bộ thôi vì thấm nước vào nặng quá, máy không tải được”, trung tá Đào Duy Thương, Phó giám đốc trung tâm đồng thời là thành viên của đoàn công tác tại Thổ Nhĩ Kỳ, nói. Kể về quyết định lên đường khi ấy, anh cười và bảo đó là trách nhiệm của một quân nhân chuyên nghiệp, là tác phong nhanh nhẹn của lính cứu hỏa thôi thúc mình nhanh chóng đi cứu người “chứ không phải điều gì quá lớn lao”.

Phần lớn cuộc giải cứu tại Thổ Nhĩ Kỳ diễn ra trong 24 giờ đầu tiên sau thảm họa. Khi thời gian trôi qua, cơ hội sống sót sẽ giảm dần. Các đội tìm kiếm và cứu nạn cũng sẽ cân nhắc dừng lại sau ngày thứ năm đến ngày thứ bảy.

Tuy nhiên, một trong những "phép màu" đã tới khi trung tá Thương cùng đồng đội nỗ lực tìm kiếm dưới đống đổ nát, 5 ngày sau trận động đất 7,8 độ đêm 6/2.

 Trung tá Thương cùng đồng đội bắt tay vào huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ngay khi về nước. Ảnh: Hồng Quang.

Trung tá Thương cùng đồng đội bắt tay vào huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu ngay khi về nước. Ảnh: Hồng Quang.

Cứu nạn nhân bị vùi lấp 5 ngày

Điểm sáng lớn nhất trong chuyến công tác lần này có lẽ là việc đoàn đã cứu thành công một nạn nhân bị vùi lấp 5 ngày trong đống đổ nát. Anh có thể chia sẻ chia tiết về giây phút đó?

Sau gần một ngày làm việc liên tục, tối 11/2, đoàn tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam tiếp cận được vào sâu thì phát hiện nạn nhân ở phía cuối của dãy nhà sập. Lúc này, dấu hiệu sự sống được xác định khi chúng tôi gọi và có sự phản hồi.

Trước đó, dấu hiện trên gần như không thể xác định bởi nạn nhân bị kẹt trong một khe hở, vị trí cách chúng tôi 15-16 mét và bị vùi lấp hoàn toàn.

Để tiếp cận tới vị trí nghe được tiếng của nạn nhân, khối lượng bê tông khi được đào bới và tập kết ra ngoài đã dựng cao như 2 tòa nhà 4-5 tầng.

Lúc này, người dân và cả lực lượng cứu nạn rất vui mừng, chúng tôi coi đó là điều kỳ diệu bởi đã sau 5 ngày kể từ khi xảy ra trận động đất. Mọi người vừa hồi hộp vừa lo lắng bởi những dư chấn vẫn tiếp tục. Nếu không đẩy nhanh tiến độ, sự rung lắc có thể tác động tới hiện trường, gây nguy hiểm cho người bị nạn.

Một mặt xác định đẩy nhanh tiến độ nhưng từng động tác chúng tôi phải làm rất cẩn thận, không được làm quá tay bởi máy múc cùng thiết bị có kích thước lớn, nếu không may chạm vào nạn nhân hoặc gây đổ sập thứ cấp sẽ rất nguy hiểm. Bầu không khí cứ thế chìm xuống, từ người dân tới lực lượng cứu nạn, rất đông người ở đó, nhưng không ai nói câu nào để giữ sự điềm tĩnh cho hiện trường. Chúng tôi vừa làm vừa chắt chiu từng phút để dời từng tảng bê tông ra ngoài.

Sau đó, đoàn Pakistan được huy động tới hỗ trợ, một mũi chiến sĩ của Việt Nam được phân công tiến vào trực diện ở phía trước căn nhà. Trong khi đó, phía đội của bạn sẽ cắt một mảng tường bê tông lớn rồi tiếp cận từ phía hông hiện trường. Sau gần 4 giờ, nạn nhân được đưa ra ngoài. Giây phút đó chúng tôi như vỡ òa.

Khi nạn nhân được đưa ra, anh thấy điều gì ở hiện trường?

Nạn nhân được đưa ra chỉ kịp nói cảm ơn. Khoảnh khắc đó trôi đi rất nhanh. Sau khi đánh giá sơ bộ chấn thương và xác định tình hình đã ổn, em ấy được đưa lên xe cứu thương còn chúng tôi lại trở về với hiện trường.

Kể từ giây phút đó, trong ánh mắt người dân nước bạn, chúng tôi cảm nhận được họ có thêm động lực, một niềm hy vọng vụt lên, điều mà những ngày qua như bị vùi trong đống đổ nát.

Điều kỳ diệu xảy ra nhưng không lặp lại, anh có biết lý do?

Khi một trận động đất lớn xảy ra sẽ có nhiều dạng sập đổ. Trong đó, dạng sập xếp lớp diễn ra phổ biến nhất ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến con số thương vong lớn. Tức là từng tấm trần của một công trình đổ xuống như xếp những cuốn sách thành chồng, không có kẽ hở khiến nạn nhân tử vong ngay khi đó.

Trong khi đó, ở hiện trường đầu tiên, hiện trường đổ xuống hình chữ V tạo thành khe hở, nạn nhân có khoảng trống lánh nạn chờ giải cứu. Điều này rất hiếm khi xảy ra nên tôi coi đó như là kỳ tích.

Cảnh sát Việt Nam tiếp cận nạn nhân trong vụ động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ Ngay khi đến Thổ Nhĩ Kỳ, đội cảnh sát Việt Nam bắt đầu luôn công tác tìm kiếm nạn nhân. Cả thành phố như vừa trải qua cuộc tranh khốc liệt.

Cố tìm những "cái còn trong cái mất"

Truyền thông thế giới ví công tác cứu nạn tại thảm họa này giống như một cuộc chiến. Anh cho biết khi lực lượng cứu nạn Việt Nam tiếp cận hiện trường, tình hình thực tế ở nước bạn ra sao?

Đây được coi là một trong trận động đất có hậu quả tồi tệ nhất trong lịch sử hàng trăm năm qua. Trên đường chúng tôi đi, đâu đâu cũng thấy nhà sập. Toàn bộ người dân không được ở trong nhà mà phải ra các khu đất trống, công viên để sinh hoạt trong các lều tị nạn. Một phần trong số họ mất nhà, một phần khác thì nhà vẫn còn nhưng có thể đổ sập bất cứ lúc nào do dư chấn.

Mùi tử thi bốc lên nồng nặc, tôi đeo 2 lớp khẩu trang N95 nhưng không thuyên giảm. Phía trên là những đàn quạ bay qua lại.

Thời tiết khi đó ở Adiyaman khoảng -6 độ, họ không có nước sạch, không nhà vệ sinh, đồ ăn phải phụ thuộc hoàn toàn vào cứu trợ. Tôi chưa từng gặp khung cảnh nào thảm thương đến vậy, ngay cả chiến tranh có lẽ cũng khó có thể tàn phá khủng khiếp đến như thế.

Đến khi chúng tôi tiếp cận hiện trường, trước mắt là một đống đổ nát của một tòa chung cư 8 tầng. Mùi tử thi bốc lên nồng nặc, tôi đeo 2 lớp khẩu trang N95 nhưng không giảm mùi. Phía trên là những đàn quạ bay qua lại. Khung cảnh không khác gì trên phim, thậm chí tôi chưa từng nghĩ mình có thể trực tiếp chứng kiến.

Cũng không ai ngờ, trong đống đổ nát ấy, những người Thổ Nhĩ Kỳ vẫn cố vươn lên và quý trọng những người mang đến sự giúp đỡ. Tôi luôn nhớ về chiếc xe đưa chúng tôi từ sân bay Adana về thành phố Adiyaman, anh tài xế tỏ rõ sự khẩn trương và xúc động. Kết thúc hành trình khoảng 300 km trong 10 giờ, anh này lập tức gọi điện cho người thân và “khoe” rằng mình vừa được chở đoàn cứu trợ đi giúp đỡ những người bị nạn. Hình ảnh ấy luôn thúc đẩy chúng tôi cần làm được nhiều điều hơn cho những người bị nạn.

Tổ cứu nạn của Việt Nam đã làm gì để giải tỏa tình trạng đó ở nơi này?

Khi đặt chân xuống Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi đã có sẵn kế hoạch. Đầu tiên là nhanh chóng ổn định chỗ ở cho cán bộ chiến sĩ. Đây được xác định là vấn đề rất quan trọng bởi hoàn cảnh cụ thể tại nước bạn buộc chúng tôi phải tổ chức thật tốt công tác hậu cần và những sinh hoạt tối thiểu cho đoàn.

Sau đó, chúng tôi làm việc với cơ quan điều phối của nước bạn để nắm rõ tình hình. Khi nhận hiện trường, chúng tôi xử lý theo đúng kỹ thuật từ trong nước đã nắm được, khẩn trương triển khai các biện pháp để sớm tìm kiếm sự sống. Anh em trong đoàn đều làm việc liên tục từ sáng sớm tới đêm khuya. Khi lực lượng điều phối thông báo nghỉ thì chúng tôi mới tạm dừng tìm kiếm. Bản thân chiến sĩ của ta cũng như nước bạn có những ngày làm việc kiệt sức, buộc phải rời hiện trường.

Sau những ngày đầu huy động toàn bộ quân số tới hiện trường với hy vọng nhanh chóng tìm kiếm sự sống, những ngày sau chúng tôi buộc phải chia ra làm 2 ca để đảm bảo sức khỏe và tinh thần cho cán bộ chiến sĩ.

Nơi lực lượng cảnh sát Việt Nam làm việc ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Huyền Vũ.

Khi lực lượng cứu nạn của Việt Nam có mặt cũng là lúc trận động đất đã diễn ra được khoảng 4 ngày và khoảng thời gian vàng để tìm kiếm nạn nhân mắc kẹt còn sống sót đã dần trôi qua. Điều này có khiến cảnh sát PCCC & CNCH Việt Nam vơi đi sự quyết tâm tìm kiếm nạn nhân?

Hoàn toàn không có chuyện đó!

Đúng là trong hoạt động cứu nạn cứu hộ có khung giờ vàng tìm kiếm nạn nhân là 72 tiếng, nhưng không vì chuyện đó mà chúng tôi vơi đi sự quyết tâm khi sang tới Thổ Nhĩ Kỳ. Thậm chí càng ở thời điểm sau khung giờ vàng, anh em càng phải chạy đua với thời gian. Minh chứng là chúng ta đã tìm thấy và phối hợp giải cứu thành công một thiếu niên 17 tuổi dù đã 5 ngày bị kẹt dưới núi bê tông khổng lồ.

Trong chuyên môn, mình biết là tình huống phải như vậy nhưng khi đưa nạn nhân ra chúng tôi thất thần, buồn và trống rỗng.

Sau sự việc đó, điều phối nước bạn chuyển chúng tôi qua 2 hiện trường khác, nhưng không phát hiện còn sự sống trong đống đổ nát. Trong chuyên môn, mình biết là tình huống phải như vậy, nhưng mỗi khi đưa nạn nhân ra chúng tôi thất thần, buồn và trống rỗng.

Vậy trong những ngày làm việc liên tục nhưng không tìm thấy sự sống, các anh có nản lòng?

Trong 10 ngày tìm kiếm cứu nạn, chúng tôi cứu được một người còn sống và đưa 17 tử thi ra ngoài. Ngày buồn nhất khiêng 4-5 nạn nhân ra, anh em thông báo liên tục.

Cả đội buồn, nhưng không ai ngưng tay bởi ở hiện trường, thân nhân các nạn nhân vẫn ngồi đó, họ vẫn theo dõi chúng tôi. Mỗi thi thể đưa ra, hàng chục người lại chạy tới để nhận dạng và hy vọng đưa người nhà mình trở về. Lúc này, chúng tôi cảm thấy như góp phần tìm thấy "cái còn trong cái mất”.

Không kịp nghĩ đến điều gì

Trước khi lên đường, việc quyết định đến thực hiện nhiệm vụ ở một quốc gia xa xôi như vậy có phải là quyết định khó khăn đối với các chiến sĩ?

Không có thời gian để suy nghĩ như thế nào cả, chỉ biết rằng có việc mình phải lên đường thôi.

Khi đó có quá nhiều thứ phải chuẩn bị từ phương tiện, hậu cần, thủ tục giấy tờ… Kể từ khi nhận thông báo cho tới khi bay chúng tôi có khoảng 12 giờ (10h sáng tới 22h), trong khi đó vào cuối buổi chiều còn có buổi họp đoàn. Do vậy, thực tế có khoảng 4-5 giờ để chuẩn bị bởi từ 10h đến 15h, công tác chuẩn bị phải kết thúc để sẵn sàng lên đường.

Tôi cũng không có thời gian về nhà mà chỉ kịp gọi gấp cho vợ một cuộc điện thoại. Phía đầu dây bên kia đương nhiên là lo lắng bởi những gì cô ấy tiếp nhận về trận động đất là con số thương vong khủng khiếp. Tuy nhiên, những câu hỏi này tôi cũng đã quen trong suốt con đường binh nghiệp có vợ đồng hành.

Nói thật, chúng tôi cũng không kịp nghĩ đến điều gì lớn lao đâu. Trách nhiệm của một quân nhân chuyên nghiệp, tác phong của lính cứu hỏa tạo thành thói quen phải nhanh, phải chuẩn bị chu đáo thì sang bên kia hiệu quả công việc mới cao bởi thông tin ban đầu báo về là tất cả siêu thị đóng cửa, nhà cửa sập hết. Từ chăn, giường dã chiến tới chai nước, hộp lương khô cũng phải mang theo.

Trung tá Đào Duy Thương, Phó giám đốc Trung tâm Huấn luyện và ứng phó về PCCC & CNCH, Bộ Công an. Ảnh: Hồng Quang.

Lực lượng cảnh sát Việt Nam đã phối hợp với các đoàn quốc tế ra sao?

Ở khía cạnh công việc, chúng ta đã làm tốt công tác chuẩn bị và mang một khối lượng thiết bị rất lớn, ngoại trừ thiết bị hạng nặng như máy xúc máy ủi không gửi sang được, còn lại các thiết bị chuyên dụng chúng ta đều mang đầy đủ.

Ngay khi chúng tôi tới nơi, câu hỏi đầu tiên cơ quan điều phối của Thổ Nhĩ Kỳ và đoàn cứu nạn của Mỹ là: “Các bạn có những thiết bị gì?”. Để từ đó xác định công việc và hiện trường làm việc. Bởi trong tìm kiếm cứu nạn, nếu không có thiết bị thì chúng ta sẽ không khác gì một người dân bình thường.

Tại hiện trường, đoàn tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam và Mỹ là 2 đoàn mang tới nhiều thiết bị cứu nạn nhất, đặc biệt là các thiết bị phục vụ cho việc tháo dỡ và giải cứu nạn nhân. Do đó, khi một hiện trường không phát hiện sự sống, Cơ quan ứng phó Thảm họa và Tình huống khẩn cấp Thổ Nhĩ Kỳ (AFAD) lập tức điều đội Việt Nam đến nơi khác, có nhiều hy vọng hơn.

Đồng thời, tác phong của đội cứu nạn Việt Nam là của một quân nhân chuyên nghiệp, biết việc là khó nhưng chúng tôi đã từng trải ở trong nước nên thái độ phải rất chuyên nghiệp, đoàn kết, phân chia công việc rõ ràng, không nề hà hay e ngại khi được giao những công việc khó. Chúng tôi tự tin hoàn thành tốt mọi việc mà lực lực lượng cứu nạn cứu hộ trên thế giới đã và đang làm!

Xin cảm ơn anh.

Hồng Quang

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-sat-viet-nam-ke-phut-cuu-nan-nhan-dong-dat-o-tho-nhi-ky-post1406028.html