Cảnh sát thời gian

Tôi có một vấn đề khiến mình bất lực khá lâu, đó là việc luôn phải chạy đuổi theo thời gian. Và kết quả là tôi luôn thua. Gã thời gian vẫn luôn cười ngạo nghễ khi cuối cùng cứ bỏ xa tôi và khoái trá nhìn tôi soi lại bản kế hoạch công việc không cách nào hoàn thành đúng thời hạn.

Nhìn tôi cáu kỉnh, con gái nhỏ của tôi nói:

- Mẹ cần xem bộ phim “Thời khắc sinh tử” đi.

Nghe lời con gái nhỏ, tôi xem ngay bộ phim đó và thật choáng váng. Trong bộ phim, các nhân vật chi trả cho mọi nhu cầu cuộc sống không bằng tiền như chúng ta, mà bằng thời gian. Ví dụ, bạn đi làm thuê thì một tháng bạn được trả công là 1.000 giờ. Nhưng bạn muốn mua một cái xe đạp, bạn sẽ phải trả 1.200 giờ chẳng hạn.

Trong phim, người mẹ yêu con đã tặng cho con 30 phút để con trai bà chi trả cho bữa trưa. Nhưng cuối cùng, bà đã chết khi chỉ còn cách con mình vài bước chân, vì hết thời gian.

Cậu con trai, đi kiếm thời gian về cho mẹ, nhưng chỉ chậm một tích tắc thôi, không thể truyền thời gian cho mẹ. Cậu ta day dứt khôn nguôi, chỉ vì đã lấy của mẹ 30 phút trước đó để chi trả bữa trưa, mà cuối cùng cậu đánh mất mẹ. Một cái giá phải trả quá đắt. Một bài học đắt giá về thời gian.

Nếu như trong cậu, luôn có một vị cảnh sát thời gian, để ngăn chặn ngay từng giây lãng phí, thì hẳn rằng cậu không phải trả giá quá đắt. Một bữa trưa được trả bằng mạng sống của mẹ cậu.

Trong một lần dọn đồ cho mẹ Rosa (một người mẹ Bỉ mà tôi coi như mẹ thứ hai của mình) khi mẹ đã qua đời, tôi nhặt mang về Việt Nam hai cái đồng hồ cát.

hai chiếc đồng hồ cát của mẹ Rosa đều đặt những khắc 8 phút. Tôi đã ngắm nhiều lần chiếc đồng hồ cát và tự hỏi, mẹ Rosa đã nghĩ gì khi để một chiếc trên bàn làm việc, một chiếc ở phòng khách? Và rồi, tôi đã tìm ra câu trả lời, đó là mẹ rèn một thói quen gia hạn thời gian cho những việc của mình. Một khắc 8 phút là hoàn thành một việc. Việc khó hơn thì hai khắc 8 phút… Như vậy, chiếc đồng hồ cát chính là vị cảnh sát thời gian của mẹ Rosa.

Lần khác, một vị doanh nhân giỏi của Việt Nam khuyên tôi nên đọc cuốn sách về nghệ thuật đàm phán của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Tôi đọc và chú ý đến một chi tiết rất ấn tượng. Đó là Trump luôn xử lý xong một việc trong 15 phút. Ông gặp ai đàm phán hay trò chuyện cũng chỉ trong 15 phút. Vậy ra, trong đầu vị tỷ phú Mỹ, cũng là Tổng thống của quốc gia giàu nhất thế giới này luôn có tiếng còi của vị cảnh sát thời gian.

Ở Việt Nam, Tiến sĩ Phan Quốc Việt từng có lần phê phán việc người Việt có thói quen chia thời gian theo buổi. Cách chia này thể hiện phong cách lề mề.

Người Việt hay nói với nhau “Bác làm giúp em một buổi”; “Cô đến nhà cháu chơi một buổi nhé”… “Buổi” ở Việt Nam rất co giãn, có thể là nửa ngày, có thể là cả một ngày. Chính vì sự không chính xác và có thể kéo dài của cách chia thời khắc mà người Việt lãng phí thời gian kinh khủng, nên kết quả là kém phát triển. Khi chúng ta không biết quý thời gian, thì cũng không trân quý chính cuộc đời mình. Nói khác đi, hầu hết chúng ta không có một vị cảnh sát thời gian ở trong mình, để sẵn sàng “thổi còi” khi ta lãng phí thời gian.

Để thành công hơn nữa không có gì khó cả, chỉ cần chúng ta đi cùng một vị cảnh sát thời gian. Hãy chia từng khắc cho mỗi việc làm của mình và nghiêm chỉnh thực hiện. Hãy để cảnh sát thời gian thổi còi khi bạn vi phạm. Bạn sẽ ngộ ra một điều rằng, khi quỹ thời gian của bạn được kiểm soát chặt chẽ, bạn sẽ làm ra rất nhiều tiền. Nhưng ngược lại, tiền lại không thể mua được thời gian.

Cừu Thị Đan Len

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/gia-dinh/canh-sat-thoi-gian-3973079-b.html