Cảnh sát phá bom- sự hy sinh thầm lặng

Từ sau chiến tranh thế giới thứ hai, thế giới phải đối mặt với một câu hỏi lớn chưa từng thấy: Phải làm gì với số bom mìn còn sót lại?! Chỉ tính riêng tại châu Âu thôi cũng đã có gần 2 triệu tấn bom mìn còn chưa nổ đang chôn vùi dưới lòng đất, gây nguy hiểm cho toàn xã hội. Đấy là lý do để những đội rà phá bom mìn đầu tiên trên thế giới được thành lập...

Theo thời gian, dần dần công việc rà phá bom mìn trở thành một ngành nghề chuyên môn nghiêm chỉnh, còn các vị chuyên gia phá bom cũng phải đối mặt với nhiều hiểm họa hơn trước.

Các quốc gia phương Tây thường xuyên phải đối mặt với mối đe dọa khủng bố, và những đội phá bom của cảnh sát luôn nằm trên phòng tuyến đầu của cuộc chiến với khủng bố. Trong khi đó, tại những nước khác, mối lo ngại chính của chuyên gia là bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Có quá nhiều quốc gia còn đang phải chịu đựng mối họa của bom mìn chưa nổ dưới đất, trong đó có Việt Nam. Nhưng đôi khi thiết bị nổ còn xuất hiện theo cách khác. Cảnh sát - chuyên gia phá bom người Ấn Độ Iffran Kher đã hơn một lần trả lời phỏng vấn báo chí rằng:

“Đã có một số lần chúng tôi được gọi đi phá những quả bom còn lại từ thời đại chiến thế giới thứ hai trôi dạt vào bờ biển… Nhiều người dân trong nhà có thiết bị nổ mà không hề hay biết. Thậm chí còn có một gia đình nọ ở Jaipur dùng một quả đạn đại bác làm hòn đá chặn cửa. Họ chỉ nghĩ rằng đây là một cục kim loại thôi mà không hề biết bên trong vẫn còn chứa thuốc nổ. Một ngày nọ họ đóng sầm cửa lại, thế là kích nổ quả đạn đại bác!”.

Một chuyên gia phá bom có thể phải dành cả ngày làm việc ngoài trời trong bộ đồ bảo hộ nặng nề này.

Một chuyên gia phá bom có thể phải dành cả ngày làm việc ngoài trời trong bộ đồ bảo hộ nặng nề này.

Chuyên gia Iffran cũng nói thêm về một hiểm họa khác, đó chính là các loại chất nổ hợp pháp được sử dụng trong cuộc sống hằng ngày: “Cứ vào ngày lễ Diwali là trong túi thanh thiếu niên Ấn Độ nào cũng chứa đầy pháo hoa cùng với những vật khác. Mà chỉ cần một chút ma sát nhỏ thôi cũng có thể kích nổ pháo hoa, ví dụ như ma sát giữa quần và chùm chìa khóa…Ở một số vùng núi, người dân có tập quán dùng thuốc nổ TNT để phá đá đào giếng, đào hầm. Qua nhiều năm trữ trong nhà kho, hóa chất trong que thuốc nổ sẽ chảy ra thấm vào sàn nhà và tường. Trong trường hợp này chúng tôi buộc phải cho đốt sạch ngôi nhà kho để trách trường hợp xảy ra vụ nổ!”.

Dù không nói ra, nhưng thực tế cho thấy, bất kỳ người chuyên gia phá bom nào cũng đều âm thầm chuẩn bị cho cái chết của mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ, đặc biệt là tại những vùng đất còn nhiều bất ổn như Iraq, Syria, Afghanistan, v.v… Lấy Iraq làm ví dụ. Tuy trong thời gian gần đây số vụ đánh bom tại quốc gia này đã giảm, nhưng chỉ từ tháng 1. 2019 đến tháng 1. 2020 cũng đã có hơn 2.392 dân thường Iraq chết vì bom mìn. Con số này hoàn toàn đã có thể cao hơn nếu không nhờ sự cố gắng của lực lượng rà phá bom mìn của cảnh sát Iraq.

Một thành viên giấu tên trong đội rà phá bom mìn của cảnh sát Iraq trả lời phỏng vấn báo chí thế này: “Nhiều khi chúng tôi không sợ quả bom, mà là sợ lính bắn tỉa. Đã không ít lần bọn khủng bố cài bom giả, rồi nằm phục ở gần đó chờ chúng tôi lại gần là bắn!”. Thành viên nào của đội phá bom nói trên cũng đều tự nguyện xăm lên lưng mình tên, tuổi, số chứng minh nhân dân, và nhóm máu của bản thân. Họ làm thế vì khi quả bom nổ hay bị bắn, lưng nạn nhân là bộ phận thường giữ được nguyên trạng. Kể cả trong trường hợp họ chết không toàn thây, những người khác cũng có thể nhờ hình xăm mà nhận ra đồng đội của mình.

Ngoài nỗi lo về cái chết hay không hoàn thành nhiệm vụ, chuyên gia phá bom còn phải chịu áp lực do lịch làm việc. Lúc nào họ cũng ở trong trạng thái sẵn sàng, nếu không chuẩn bị đi phá bom thì cũng phải tiến hành rèn luyện, học tập. Những đối tượng đánh bom càng ngày trở nên khôn ngoan hơn, và kỹ thuật, công nghệ chống bom cũng phải tiến nhanh như vậy nếu muốn bắt kịp.

Nhiều người chỉ có thể dành vài tiếng mỗi ngày quanh gia đình mình, và vì thế cuộc sống cá nhân của họảnh hưởng rất nhiều. Cảnh sát Mexico đã từng tiến hành một cuộc khảo sát và tìm ra 60% số chuyên gia phá bom của họ đã có vợ, nhưng hơn một nửa trong số đó đã - đang phải ra tòa làm thủ tục ly dị vì không thể nhận được sự chia sẻ của người thân yêu.

*

Trong số những loại hình tội phạm, khủng bố, những kẻ đặt bom có lẽ là đối tượng nguy hiểm nhất vì trí tuệ khác người của chúng. Chúng có thể làm ra bom từ mọi thứ. Tính trung bình, thời gian phá một quả bom tự chế đã tăng lên trong vòng 20 năm trở lại đây từ nửa tiếng lên 1 tiếng rưỡi, chứng tỏ kiến thức lẫn khả năng của những kẻ chế tạo bom đã tăng lên nhiều lần.

Còn về phía những chuyên gia phá bom thuộc lực lượng cảnh sát, ngoài kỹ năng chuyên môn họ còn có một loạt các công cụ khác hỗ trợ cho công việc của mình. Đầu tiên là bộ đồ phá bom được làm từ nhiều lớp vật liệu khác nhau: Kevlar, xốp, gốm chống đạn, bột chống cháy, v.v…Một bộ đồ phá bom có thể nặng đến 36 kg, ấy là chưa kể tới dụng cụ phá bom mà người cảnh sát phải mang theo. Bất kỳ chuyên gia phá bom nào cũng phải có thể lực khá tốt để thứ nhất là đi được trong bộ đồ phá bom, thứ hai là chịu được việc phải làm việc nhiều tiếng đồng hồ ngoài trời.

Nếu tình hình cho phép, đội phá bom sẽ luôn tìm cách kích nổ quả bom từ xa thay vì mạo hiểm lại gần để phá bom. Trước đây họ sẽ dùng súng hay một chất nổ nào khác để kích nổ quả bom, nhưng trong những năm gần đây người ta đã có một công cụ an toàn hơn nhiều gọi là “PAN disruptor”. Về cơ bản, đây là một khẩu súng hơn bắn ra một thanh sắt dài bằng ngón tay. Thanh sắt này sẽ đâm xuyên qua vỏ quả bom và kích nổ nó một cách an toàn. Nhưng cũng có nhiều trường hợp quả bom không nổ mà bị vô hiệu hóa hoàn toàn, do que sắt được thiết kế sao cho gây ra ít sóng âm hay nhiệt năng nhất.

Ngoài PAN disruptor, robot là một thiết bị khác được các đội phá bom sử dụng thường xuyên. Robot phá bom được quân đội Mỹ sử dụng đầu tiên ở Iraq, rồi từ đó mới lan ra các đội phá bom trên toàn thế giới. Ban đầu những chú robot này giống như “vật thí mạng” hơn do được dùng để kích nổ hay đẩy quả bom đi chỗ khác. Nhưng ngày nay có vô số chủng loại robot phá bom với nhau với đủ chức năng khác nhau.

Có những chú robot sở hữu cánh tay khéo léo không khác gì con người, có thể dùng mũi khoan cắt những mạch điện tử nhỏ li ti. Một số mẫu robot khác lại mang một bình khí nitro siêu lạnh trên mình để phun vào quả bom. Thiết bị kich nổ mà bị làm lạnh đột ngột thì sẽ không làm việc được. v.v…Chắc chắn trong tương lai gần, vai trò của robot trong việc phá bom sẽ còn nhiều lên nữa.

Với một công việc đầy áp lực như vậy, những chuyên gia phá bom chắc hẳn mong chờ ngày mà họ được nghỉ hưu lắm?! Điều này không sai, nhưng mà cũng không đúng hoàn toàn. Luôn có những trường hợp mà họ tình nguyện tiếp tục công việc của mình sau khi nghỉ hưu. Với những cá nhân này, họ đặt tính mạng và sự an toàn của xã hội lên trên nhu cầu của bản thân.

Lấy ví dụ như ông Laith Stevens. Sau 16 năm cống hiến trong quân đội Úc, Laith dành nhiều thập niên tiếp theo giữ các trọng trách khác nhau trong đội rà phá bom của sở cảnh sát Brisbane. Theo lời kể của Laith, công việc nặng nề và nhiều áp lực đến mức ông thường xuyên bị stress, mất ngủ, và mắc các bệnh lý khác. Vậy nhưng ngay khi vừa nghỉ hưu, ông lại gia nhập một đội rà phá bom mìn tại Lào của Liên Hợp Quốc. Trong cuộc chiến tranh Việt Nam, đế quốc Mỹ đã thả hàng triệu tấn bom mìn đủ loại xuống đất nước Triệu Voi, và đến tận ngày nay, hằng năm vẫn có hơn 500 người Lào bị thương hay tử vong vì bom mìn.

Laith Stevens làm việc không ngừng nghỉ trong vòng 10 năm tại Lào. Không ít lần ông đã phải tự đặt mình vào nguy hiểm vì người khác, đơn cử như một dịp Laith và các đồng nghiệp đi phá quả bom bi tại mộ ngôi làng bên sông Xêpôn. Cả ngôi làng đã được di tản, trừ một người đàn ông tâm thần bị trói trong căn chòi gần quả bom. Tuy biết rằng đã sắp đến giờ kích nổ bom, nhưng vị chuyên gia vẫn dũng cảm xông vào làng, phá cửa căn chòi, và vác người đàn ông tâm thần ra chỗ an toàn.

Nhờ vào công lao của đội rà phá bom Liên Hợp Quốc, nhiều người Lào bây giờ đã có thể tự tin mà đi ra khỏi ngôi nhà của mình. Còn bản thân Laith có thêm những người bạn mới, và cả một người vợ nữa - ông đã lấy một người phụ nữ Lào được chương trình của Liên Hợp Quốc đào tạo kỹ năng dò tìm mìn. Câu chuyện của Laith có một cái kết đẹp chứng minh được sự công bằng của cuộc sống đối với những người dám dũng cảm đặt lợi ích xã hội lên trên quyền lợi bản thân. Hy vọng rằng, rồi đây những cảnh sát dám dũng cảm chấp nhận sự hy sinh thầm lặng để cả đời chỉ chuyên làm công việc rà phá bom mìn trên toàn thế giới cũng sẽ nhận được những cái kết đẹp như Laith.

Vũ Thái Thịnh (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/canh-sat-pha-bom-su-hy-sinh-tham-lang-612869/