Cảnh sát PCCC nhường mặt nạ cứu dân: Lựa chọn khác

Trước việc cảnh sát PCCC nhường mặt nạ chống độc cho người dân, chuyên gia PCCC cho rằng có thể cho nạn nhân thở trước rồi lấy lại.

Vụ việc chiến sĩ phòng cháy quên cả bản thân mình nhường ngay mặt nạ chống độc cho người khác trong vụ cháy ở tòa nhà dầu khí Thanh Hóa (số 38, đường đại lộ Lê Lợi, TP.Thanh Hóa, Thanh Hóa) khiến nhiều người có ý kiến trái chiều.

Bày tỏ quan điểm trước vụ việc này, Đại tá Nguyễn Thế Từ -Nguyên Trưởng phòng ĐT PCCC nói: "Theo quy định cứu hộ cứu nạn trên thế giới, họ từng đặt ra câu hỏi rằng trong 1 đám cháy xảy ra sự cố thì sẽ cứu người dân hay là cứu lính cứu hỏa.

Nếu cứu người dân thì lính cứu hỏa bị thương, nếu cứu lính cứu hỏa bị thương thì người dân gặp thương vong.

Trước vấn đề này, những nhà chuyên môn ở Mỹ cho rằng bao giờ lính cứu hỏa cũng phải đảm bảo sức khỏe thì họ mới cứu được người dân. Tuy nhiên đấy là quan điểm của thế giới, ở Việt Nam lại khác, nhiều khi phải hy sinh người lính để bảo vệ dân.

Nếu trong trường hợp lính cứu hỏa đeo mặt nạ để người dân thương vong thì người lính đó sẽ bị lên án dữ dội nên buộc lòng lính cứu hỏa phải thực hiện làm sao cứu được dân nhưng điều đó sẽ dẫn đến việc cứu được dân lại không cứu được mình. Chính vì vậy vấn đề này được đánh giá ở nhiều khía cạnh khác nhau".

Trung sĩ Dương Văn Nam, người đã nhường mặt nạ chống độc cho những người gặp nạn ở tòa nhà dầu khí Thanh Hóa

Trung sĩ Dương Văn Nam, người đã nhường mặt nạ chống độc cho những người gặp nạn ở tòa nhà dầu khí Thanh Hóa

Theo Đại tá Từ, trong vụ cháy ở tòa nhà dầu khí ở Thanh Hóa, nếu người dân nắm được phương pháp an toàn khi gặp cháy thì việc cứu nạn cũng đơn giản hơn.

Ngoài ra lính cứu hỏa cũng phải nắm vững kỹ năng chứ không phải trong trường hợp nào cũng đưa mặt nạ thoát nạn cho người dân. Về góc độ chuyên môn của thế giới phải giữ lực lượng phòng cháy để bảo đảm họ có đủ điều kiện cứu người.

"Vụ cháy xảy ra trong tòa nhà có 7 tầng nên cứu nạn cũng không có gì khó khăn. Khi xe thang đến, nếu người dân có ngạt trong thời gian ngắn thì chiến sĩ phòng cháy chữa cháy (pccc) chỉ cần phá cửa kính là đưa được người xuống.

Ví dụ trong trường hợp người dân bị ngạt, lính cứu hỏa có thể cho họ mượn mặt nạ chống độc để họ thở cho đỡ ngạt xong phải giữ lại cho mình thở. Nếu bản thân không giữ lại mặt nạ sẽ khiến chính mình bị ngạt thì ai sẽ là người cứu họ xuống.

Không phải cứ thấy họ ngạt rồi đưa hết cho họ dùng bởi một bình thở có thể dùng được 30 phút. Tất nhiên cứu hỏa phải dũng cảm nhưng không thể dũng cảm trong sự ngu dốt.

Tuy nhiên thực tế bản thân tôi không có mặt ở đó nên cũng không hiểu họ xử lý cụ thể như thế nào trong tình huống trên" -Đại tá Từ phân tích.

Đại tá Từ cũng cho rằng trong vụ cháy trên, một số cán bộ nhân viên có thể không nắm được phương pháp thoát nạn khi xảy ra vụ cháy, nếu biết thì mọi chuyện sẽ đơn giản hơn.

Thông thường trong mỗi vụ cháy, khói thường bốc lên theo lối cầu thang. Nếu nạn nhân đóng kín cửa, lấy khăn ướt chèn qua các khe cửa để khói không vào nhà thì sẽ không gặp nguy hiểm. Đa số trong các vụ cháy, nạn nhân tử vong đều do ngạt khói vì không đóng kín cửa để khói vào được nhà.

Vì vậy khi gặp cháy, nếu chạy ra hành lang hoặc thang bộ mà không đem theo khăn ướt sẽ dễ bị ngạt khói.

Trước đó, trao đổi với báo chí, trung sĩ Dương Văn Nam (1997, người nhường mặt nạ chống độc cho người dân) cho biết bản thân lúc đó chỉ muốn cứu người nên thấy nhiều người bị ngạt khí trong tòa nhà, anh đã quên cả bản thân mình nhường ngay mặt nạ chống độc cho người khác, rồi lao vào nhà vệ sinh đóng cửa tránh khói.

"Lúc nhường mặt nạ cho các nạn nhân, tôi và anh Tống Văn Đông đã phải chạy vào nhà vệ sinh xả nước, đóng cửa lại để chống khói và chờ các lực lượng khác tới ứng cứu" - trung sĩ Nam kể lại.

Thu Thảo

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/doi-song/gia-dinh/canh-sat-pccc-nhuong-mat-na-cuu-dan-lua-chon-khac-3395401/