Cảnh sát PCCC đẩy mạnh CCHC, tránh phiền hà cho doanh nghiệp

Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một nhiệm vụ mang tính chiến lược lâu dài, với mục tiêu tránh phiền hà cho doanh nghiệp, thời gian qua, tất cả các thủ tục hành chính (TTHC) đều được Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH, Công an tỉnh cắt giảm về thời gian, đơn giản hóa các khâu xử lý, tạo điều kiện cho tổ chức, doanh nghiệp.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh chụp trước ngày 27/4.

Lãnh đạo Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh) triển khai nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh chụp trước ngày 27/4.

Là một đơn vị sản xuất, kinh doanh mặt hàng đặc thù, có tính chất nguy hiểm về cháy nổ như hóa chất, việc đảm bảo PCCC tại Công ty CN hóa chất mỏ Việt Bắc - Micco là một yêu cầu cấp thiết. Chính bởi thế, CBNV công ty này cũng phải được huấn luyện thường xuyên để nắm vững các quy định của pháp luật về PCCC, cũng như thuần thục kỹ năng xử lý nếu có tình huống cháy nổ xảy ra.

Đại úy Đào Trung Hiếu, Phó Đội trưởng Đội công tác CC&CNCH, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Theo quy định của pháp luật, 5 năm 1 lần, các đơn vị phải tổ chức cho CBCNV đội PCCC cơ sở huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH, do lực lượng Công an huấn luyện và cấp giấy chứng nhận. So với trước kia, quy trình huấn luyện, cấp chứng nhận đã được rút gọn chỉ trong vòng 5 ngày từ ngày nhận được đơn đề nghị của doanh nghiệp.

Chịu trách nhiệm đầu mối liên hệ, ông Văn Thiên Lĩnh, Trưởng phòng An toàn, bảo vệ, thanh tra, Công ty CN hóa chất mỏ Việt Bắc - Micco cho biết: Trước kia, để tổ chức một lớp huấn luyện an toàn PCCC tại đơn vị, tôi phải đi lại nhiều lần Đông Triều - Hạ Long, hoàn thiện nhiều loại giấy tờ. Giờ đây, với sự hướng dẫn của Cảnh sát PCCC, tôi đã có thể nộp đề nghị trực tuyến. Đối với các đơn vị sản xuất kinh doanh như chúng tôi, việc tiết kiệm được vài giờ giải quyết TTHC có thể tiết giảm được chi phí doanh nghiệp, tăng nguồn thu.

Huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH tại Công ty CN Hóa chất mỏ Việt Bắc - Micco. Ảnh chụp trước ngày 27/4.

Toàn tỉnh hiện có hơn 3.000 cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC, trong khi, lực lượng cảnh sát PCCC&CNCH mỏng, không thể có mặt ở cơ sở để tham gia chữa cháy ngay từ ban đầu. Do đó, việc rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ liên quan đến huấn luyện nghiệp vụ PCCC&CNCH cho lực lượng cơ sở là việc làm hết sức quan trọng, tạo thành những cánh tay nối dài của lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH.

Không chỉ giải quyết công việc trong giờ làm việc theo như quy định, việc làm ngoài giờ đối với các CBCS là chuyện thường xuyên, để kịp hoàn thành thời gian xử lý hồ sơ, tránh quá hạn. Theo Trung úy Nguyễn Thành Đạt, đội Tham mưu, các CBCS phải làm việc cả cuối tuần, buổi tối để có thể sớm hoàn thành công việc, đáp ứng yêu cầu rút ngắn thời gian giải quyết các TTHC.

Cán bộ tiến hành kiểm tra thiết bị và hệ thống PCCC để giải quyết thủ tục nghiệm thu PCCC đối với phương tiện. Ảnh chụp trước ngày 27/4.

Trong nỗ lực hiện đại hóa nền hành chính, bên cạnh việc làm tốt công tác tư tưởng đối với CBCS, cấp ủy, lãnh đạo đơn vị đã thường xuyên chỉ đạo CBCS đẩy mạnh CNTT trong thực hiện các mặt công tác, tăng tỷ lệ giải quyết TTHC qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và dịch vụ bưu chính công ích.

Từ đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận trên 1.600 hồ sơ, thuộc 17/17 TTHC trong lĩnh vực PCCC tại Trung tâm phục vụ HCC tỉnh. Trong đó, số hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 đạt trên 200 hồ sơ; trên 100 hồ sơ trả kết quả qua dịch vụ bưu chính công ích.

100% TTHC được giải quyết trước thời hạn đảm bảo đúng theo quy định, với thời gian giải quyết đã cắt giảm được 30%. Khảo sát đánh giá của các doanh nghiệp, tổ chức cho thấy, 99% tỷ lệ người dân hài lòng với kết quả giải quyết TTHC của đơn vị. Không có cá nhân, tổ chức phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính cũng như các việc làm sai, gây phiền hà, sách nhiễu của CBCS trong quá trình giải quyết TTHC.

Kiểm tra các điều kiện đảm bảo thủ tục cấp giấy phép vận chuyển hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ tại Cảng dầu B12. Ảnh chụp trước ngày 27/4.

Ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Giám đốc Cảng dầu B12, Công ty Xăng dầu B12, cho biết: Chúng tôi rất hài lòng với những chuyển biến trong việc giải quyết TTHC lĩnh vực PCCC của lực lượng Công an. Không chỉ rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tránh ách tắc phương tiện, với việc nộp hồ sơ trực tuyến, chúng tôi có thể tận dụng toàn thời gian của CBNV cho công việc chuyên môn.

Thượng tá Trần Huy Nghị, Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH (Công an tỉnh), cho biết: Tới đây, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất Giám đốc Công an tỉnh đưa 7/17 TTHC xuống cấp huyện, để tổ chức, cá nhân có thể đến liên hệ trực tiếp và làm các TTHC tại Trung tâm HCC cấp huyện. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tiếp tục cắt giảm thời gian so với Nghị định 136 của Chính phủ; tăng cường công tác giám sát, kiểm tra thường xuyên để kịp thời chấn chỉnh, xử lý nghiêm các CBCS có sai phạm trong quá trình giải quyết hồ sơ của tổ chức, doanh nghiệp.

CBCS tăng cường ứng dụng CNTT trong nhiệm vụ chuyên môn. Ảnh chụp trước ngày 27/4.

Những nỗ lực của Cảnh sát PCCC về CCHC đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước trong lĩnh vực PCCC, đồng thời làm tốt công tác phòng ngừa, giảm thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nhờ đó, năm 2020, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH được Công an tỉnh đánh giá là đơn vị xếp loại tốt, dẫn đầu Công an các đơn vị, địa phương về CCHC.

Hằng Ngần

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/canh-sat-pccc-day-manh-cchc-tranh-phien-ha-cho-doanh-nghiep-2915565.html